Tuổi già làm sao vui?

Người thợ may 90 tuổi

30/07/2024 - 05:58

PNO - Bà ngoại tôi năm nay 90 tuổi, sức khỏe vẫn tốt, đầu óc vẫn minh mẫn. Đặc biệt, bà vẫn ngày ngày ngồi may quần áo để bán. Mỗi lần trò chuyện với bà, tôi lại nhận được thêm một bài học sâu sắc về cuộc sống.

Cụ bà Hoàng Thị Lưu chụp ảnh cùng cháu chắt - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cụ bà Hoàng Thị Lưu chụp ảnh cùng cháu chắt - Ảnh do nhân vật cung cấp

Còn sống là còn vận động

Cụ Hoàng Thị Lưu - bà ngoại tôi, hiện ngụ phường Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái - theo nghề may đến nay đã hơn 60 năm. Hồi xưa, bà làm nghề buôn bán, nhưng ông thấy bà vất vả nên định hướng cho bà học may. Từ Yên Bái, bà xuống Hà Nội học may mấy tháng rồi trở về quê. Thời bao cấp, bà vào làm trong hợp tác xã với mức lương ít ỏi. Sang thời kinh tế mở cửa, bà quyết định khởi nghiệp, tự mở tiệm làm riêng.

Bà nhận may mỗi ngày theo đơn đặt hàng từ áo cánh, áo bà ba, áo vest, áo dài, quần lót… Từ khi tôi bắt đầu biết nhớ, hình ảnh của bà đã gắn với chiếc máy may. Bà làm việc chăm chỉ mỗi ngày từ sáng đến tối, mặt hàng nào bà cũng nhận may. Tiếng lành đồn xa, tiệm may của bà lúc nào cũng có khách.

Phải đến ngoài 80 tuổi, khi sức khỏe yếu hơn, mắt mờ hơn và phải thay thủy tinh thể, bà mới chịu nghỉ hưu. Nhưng ngồi không cũng chán nên bà vẫn may sẵn quần áo rồi treo trước cửa nhà. Mỗi ngày, bà cứ túc tắc một vài tiếng ngồi vào bàn máy may. 2 mặt hàng chính của bà là áo bà ba và quần lót dành cho người già. Bà bảo: “Người ta đi mua cái quần lót hàng chợ thì rẻ hơn, nhưng mặc không thích bằng quần may”. Người già có khung chậu to, cần quần lót thiết kế rộng, hiếm có hàng may sẵn nào đáp ứng được.

Ở tuổi 90, bà vẫn suy tư nếu gặp ngày bán ế và mừng vui khi gặp được khách hàng hào phóng. Dường như với bà, còn sống là còn vận động, còn phải cố gắng làm việc. Nhìn bà luôn tay luôn chân, tôi luôn tự nhủ mình mới ngoài 30 tuổi thôi, càng phải cố gắng làm việc nhiều hơn nữa.

Độc lập tài chính, khuyến khích con cái phát triển

Chuyện phụ nữ phải đi làm, độc lập tài chính là vấn đề thường được bàn luận trong những năm gần đây. Nhưng từ mấy chục năm trước, ngoại tôi đã có tư duy độc lập này. Bà luôn nỗ lực để kiếm tiền, chăm chút cho sự nghiệp riêng. Tôi tin rằng, nếu bà không làm nghề may, hẳn bà cũng sẽ rất thành công với nghề khác.

Bà tôi có 4 người con, mẹ tôi là con út. Từ thập niên 1970, khi người ta vẫn thường khuyên nhau “học cao chẳng để làm gì” hay cho rằng con gái nên coi trọng chuyện lấy chồng, sinh con thì bà tôi đã luôn định hướng con cái phải học. Mẹ tôi thi trượt đại học 1 năm, bà khuyến khích thi lại, còn tìm thầy giỏi trên tỉnh cho mẹ theo học. Nhờ vậy, mẹ học xong đại học, lên Hà Nội tự xin việc làm kế toán. Mẹ tôi kể, hồi nhỏ, mẹ thường nghe bà nói: “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”. Cả 4 người con đều được bà nuôi cho đến khi tốt nghiệp đại học.

Bà luôn có cách tiết kiệm. Ví dụ như nấu nước sôi để pha nước tắm chứ không bật cả hệ thống nóng lạnh, khỏi tốn điện. Để mời con cháu món sữa chua, bà sẽ đi bộ ra tiệm tạp hóa, mua hộp sữa chua làm men mồi và tự ủ một mẻ chục ly. Thậm chí vào dịp mừng thọ, bà chỉ yêu cầu con cái ra ủy ban chụp vài kiểu ảnh tập thể chứ không cho tổ chức rình rang, tốn kém.

Dù luôn tính toán cẩn thận, bà lại rất hào phóng. Mỗi đứa cháu làm đám cưới, bà đều tặng của hồi môn. Cháu không nhận bà cũng ép phải nhận.

Tinh thần khoẻ thì cơ thể dẻo dai

Bà ngoại bị cao huyết áp, nhưng vẫn giữ thành tích đáng nể là chưa từng phải nằm viện theo kiểu liệt giường lần nào. Có những lúc bà yếu hơn, chậm hơn, nhưng rồi bà vẫn cố gắng ăn đủ khẩu phần và hồi phục nhanh chóng. Mỗi ngày, bà vẫn ăn uống điều độ - đủ cơm rau thịt cá, chưa từng bỏ cơm bữa nào. Lần này về, tôi mừng khi thấy bà hồng hào, khỏe mạnh hơn. Mỗi ngày, bà đều thoăn thoắt các việc trong nhà. Chẳng bao giờ tôi thấy cảnh bà nằm một chỗ để chờ người khác phục vụ.

Tôi luôn nghĩ, bí quyết quan trọng nhất để khỏe mạnh, dẻo dai khi ở ngưỡng tuổi 90 của bà là có sức khỏe tinh thần tốt, vì chỉ có tâm an thì thân mới khỏe. Nhiều lần tôi về quê, khi gặp ai đó và nói là cháu của bà thì đều được nghe kể chuyện bà đã giúp họ. Bà luôn nói với tôi: “Mình giúp được ai thì cũng nên giúp”.

Tôi cảm nhận rằng, cuộc đời bà vốn đã luôn sống hết mình với bản thân, với gia đình và mở trái tim ra với mọi người xung quanh. Sống đời trọn vẹn như vậy nên tối đến là người bà tóc bạc 90 tuổi của tôi lại kê cao gối, thảnh thơi và nhẹ nhõm chìm vào giấc ngủ êm đềm.

Hoàng Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI