Người thích tự “hành” mình

27/05/2023 - 16:15

PNO - Ông là thầy giáo dạy vật lý nhưng lại có niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử và văn hóa quê hương.

“Cháu đi chưa?”, “Bao giờ đến thì gọi chú ra đón”, “Cháu đang ở đâu rồi?”, “Đi chầm chậm thôi”, “Về đến nhà thì nhắn tin lại cho chú yên tâm nhé!”. Đó là những dòng tin nhắn, cuộc gọi, những lời nhắc nhở thân tình mà ông Nguyễn Văn Vượng dành cho các phóng viên khi họ đến huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để viết bài về quê hương ông.

Ông là thầy giáo dạy vật lý nhưng lại có niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử và văn hóa quê hương. Trước đây, ngoài dạy học và tham gia các phong trào đoàn đội, lúc nào rảnh ông lại tìm đến tận nhà các vị “trưởng bối” để được đắm mình trong những câu chuyện lịch sử sống động; gặp gỡ con cháu của những người có công trong kháng chiến nhưng chưa được ghi nhận hay bị oan khuất trong giai đoạn “cải cách ruộng đất” mà chưa được minh oan để lắng nghe tâm tình, chia sẻ phần nào những mong muốn, khát khao; ngược xuôi tìm hiểu những câu chuyện xoay quanh các địa danh lịch sử; hay tận mục sở thị người đồng bào trong huyện sinh hoạt văn hóa…

Ông Nguyễn Văn Vượng (bìa phải) trong một chuyến đi tìm tư liệu
Ông Nguyễn Văn Vượng (bìa phải) trong một chuyến đi tìm tư liệu

 

Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông lại càng có nhiều thời gian để theo đuổi sở thích đặc biệt này. Nhưng chỉ nhìn, chỉ nghe thôi thì chưa thỏa. Có thứ gì đó sâu thẳm trong lòng luôn thôi thúc ông phải hành động. Và những bài viết tâm huyết về đề tài lịch sử, văn hóa của ông đã lần lượt “chào đời” trên Facebook và trên các ấn phẩm báo chí tỉnh nhà.

Ban đầu, ông viết chỉ nhằm giới thiệu nhân vật, địa điểm, sự kiện lịch sử cũng như nét văn hóa độc đáo của quê hương và lưu giữ lại những tư liệu quý báu cho thế hệ mai sau. Ông cho biết, khi bài viết nhận được sự chú ý của mọi người, nhất là các bạn trẻ, ông vui lắm, cảm thấy việc mình làm không hề vô bổ mà còn mang lại lợi ích cho quê hương.

Niềm vui nhân đôi khi những bài viết chân thực, khách quan, đầy đủ nhân chứng vật chứng của ông đã góp một tiếng nói minh oan cho 3 nhân vật đã cống hiến nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, thóc gạo… lập ra 3 trại an dưỡng thương binh nhưng lại bị quy là địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954.

Sau khi nhận ra việc mình có thể làm không chỉ dừng lại ở đó, ông đã cùng những người có chung suy nghĩ khác tìm cách để hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị được công nhận là liệt sĩ cho 3 nhà hoạt động cách mạng có nhiều công lao ở địa phương. Thấy Câu lạc bộ Hát Sấng Cọ của xã đang dần suy yếu, tiếng Sấng Cọ lặn vào thung sâu, người trẻ Sán Chay chẳng còn mấy ai biết đến lối hát đối đáp nam nữ duyên dáng, trữ tình này nữa, ông đã cùng chủ nhiệm câu lạc bộ, một người dịch sách cổ, một người đánh máy và đem đi in với hy vọng điệu dân ca sẽ không bị thất truyền. 

Những việc có thể làm, ông luôn tận tâm tận lực. Những việc không thể thực hiện, ông sẽ nhờ đến sự trợ giúp của các nhà báo hoặc người có khả năng, có thẩm quyền, còn ông nhiệt tình đi theo hỗ trợ họ. Các cán bộ địa phương “nhẵn mặt” ông, thậm chí có cán bộ còn “ngán” ông vì số lần họ “tiếp” bác nhiều không đếm xuể.

Ông tâm sự: “Nhiều người nói tôi không muốn an nhàn mà cứ thích tự “hành” mình. Thậm chí có người còn lắc đầu bảo tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Tôi chỉ cười rồi mặc kệ. Họ đâu phải là tôi. Làm sao họ biết được cảm xúc của tôi như thế nào khi nhìn thấy giọt nước mắt hạnh phúc của thân nhân liệt sĩ, nhìn thấy cái ngẩng đầu đầy tự hào của những người bao lâu nay phải chịu oan ức mà cúi đầu, nhìn thấy những bình luận nói “chắc chắn sẽ ghé thăm” ở dưới những bài đăng? Chỉ cần tôi còn cảm thấy hạnh phúc, còn đi được, còn viết được, tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình”.

Lúc rảnh, ông Vượng đưa vợ, các con cháu đi du lịch
Lúc rảnh, ông Vượng đưa vợ, các con cháu đi du lịch

Niềm hạnh phúc của ông càng trọn vẹn hơn khi các con cùng người vợ thảo hiền đã luôn thấu hiểu, ủng hộ và tạo điều kiện hết mức để ông theo đuổi niềm đam mê. 

Một ngày bình thường của ông bắt đầu vào lúc 5 giờ rưỡi sáng. Thức dậy, làm vệ sinh cá nhân xong, vợ chồng ông “dắt” nhau đi bộ tập thể dục, vừa tận hưởng không khí trong lành buổi sớm, vừa rủ rỉ kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời.

Những hôm thời tiết xấu, không đi bộ được, ông bà đổi sang tập thái cực quyền ngay tại sân nhà. Thể dục xong, ông cắm nước pha trà, rồi “xắn tay áo lao vào bếp” giúp bà chuẩn bị đồ ăn sáng. Vừa làm ông vừa hát véo von hoặc say sưa nói về lịch trình trong tuần tới. Bữa sáng kết thúc, đưa các cháu tới trường xong cũng là lúc ông bà được tự do làm những việc mình thích. Ông lại mải miết rong ruổi trên chiếc xe máy cũ hoặc cặm cụi lạch cạch gõ bàn phím, bà tha hồ sáng tạo những sản phẩm thủ công xinh xinh bằng len.

Thi thoảng ông sẽ dùng xe máy chở vợ tham quan những địa điểm “hay ho” hoặc gặp gỡ hội bạn già, rủ nhau nấu những bữa cơm thân mật, ấm cúng. Và một ngày của ông sẽ kết thúc bằng trận cầu lông ngập tràn tiếng cười với 2 cô cháu gái.

Nói về dự định tương lai, ông hào hứng: “Tôi đã lên kế hoạch và bắt tay vào viết những trang đầu tiên của cuốn sách lịch sử quê hương. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ là tư liệu bổ ích cho lớp trẻ”. Ông nở nụ cười thật tươi, đôi mắt sáng lấp lánh, trông như trẻ ra vài tuổi. 

Hồ Điệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI