Người thầy thời hiện đại: Hãy "làm bạn" với học trò

20/11/2015 - 07:09

PNO - Hình tượng người thầy, thiết nghĩ, nên có chút thay đổi linh động. Muốn dạy được các em, người thầy phải "xích lại" gần hơn để biết các em đang nghĩ gì.

Câu nói “thầy giáo già, con hát trẻ” của cha ông xưa thể hiện cách nhìn cũng như yêu cầu của xã hội về các mặt kinh nghiệm và tuổi tác đối với những nghề nghiệp đặc thù, trong đó có nghề giáo. Vì sao xã hội thường đặt niềm tin vào những thầy cô giáo có tuổi đời tuổi nghề lâu năm?

Nhiệm vụ chính của người thầy là truyền đạt kiến thức sao cho người học tiếp thu và vận dụng thành công. Song, đối tượng chính của nghề, thì thật sự phức tạp và muôn màu. Một cá thể người đã là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội, huống chi nhìn xuống lớp, người thầy phải đối diện với cả trăm các mối quan hệ xã hội tổng hòa ấy.

Từ đó dễ hiểu, kinh nghiệm sống càng phong phú, thì việc ứng xử trên giảng đường của người thầy càng thành thục, điêu luyện. Đối với các giáo viên trẻ, tập tành từng bước với nghề, thì ứng xử với học sinh, cũng thật sự là vấn đề nan giải. Đó là chưa kể đến sự vận động của xã hội kéo theo các quan niệm và thang đo giá trị cũng thay đổi theo.

Nguoi thay thoi hien dai: Hay 
Giảng viên trẻ, Thạc sỹ Phan Nguyễn Kiến Nam

Tuy vậy, không phải lúc nào cũng không có cách. Bởi suy cho đến tận cùng, muốn trở thành một “thầy giáo già” thì người thầy cũng từng có những “ngày đầu đi dạy”. Đôi dòng tâm tư sau đây được đúc kết từ chính người viết bài này, từ thực tế đi dạy của mình để sẻ chia cùng độc giả:

Không cần phải nói đến những năm xửa năm xưa xa xôi nào đó, học trò của những năm 201X đã khác rất nhiều so với thập niên đầu thế kỷ. Các em ngày giờ này suy nghĩ khác, thú vui khác, thậm chí cả quan niệm về các vấn đề xã hội cũng rất khác so với trước đó chỉ 5, 10 năm. Tốc độ thay đổi của xã hội là chóng mặt, cho nên, nguyên tắc không bao giờ thừa là hòa vào đời sống các em.

Ngày hôm nay, muốn dạy được các em, phải hiểu các em đang nghĩ gì. Tôi bắt đầu bằng facebook. Nó thật sự lợi hại, vì nhờ kênh thông tin mạng xã hội này, tôi “nắm tỏng” các em ấy đang quan tâm đến vấn đề gì, hay tâm tư ngày hôm nay ra sao. Và hơn hết, tôi có thể khéo léo “chọc đúng” ngay vấn đề “nhức nhối” của “lũ nhóc” khi bóng gió nói về một hiện tượng A, B,C nào đó. Và nếu vận dụng hết tính năng của mạng xã hội này, đây có thể kênh liên lạc thầy trò (cả chính thức và phi chính thức) hết sức hữu hiệu.

Hình tượng một người thầy kiểu mẫu, theo tôi, nên có chút thay đổi. Bên cạnh việc giữ nguyên các giá trị cao đẹp và truyền thống, người thầy của năm 201X nên “thả lỏng” mình ra và gần gũi với các em hơn. Cụ thể đối với môn ngoại ngữ, tôi thường thích các hoạt động đóng vai, hát hò, mà tôi là người đầu tiên thị phạm cho các em. Nếu mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, thì tôi tin hình ảnh một người thầy “huơ chân múa tay” để nhập vai vào bài giảng, hoặc cất cao giọng hát hay bày trò chơi và cùng tham gia với các bạn thật sự “hấp dẫn” rất nhiều hình ảnh một người thầy nghiêm trang.

Nguoi thay thoi hien dai: Hay 
Để nắm bắt tâm lý học trò, người thầy nên chọn cách "làm bạn" với các em

Suy đến cùng, đó cũng chỉ là tiểu xảo, nhưng nếu khéo, phương tiện ấy đôi khi đem đến kết quả bất ngờ trong việc đem đến hiệu quả học tập và nối kết tình thầy trò. Hãy là bạn, hãy cùng vui, hãy thi hóa, nhạc hóa, kịch hóa, họa hóa… thậm chí là trò chơi hóa bài học và chơi cùng các bạn vong niên của mình.

Học sinh thời buổi này tài năng lắm. Nhưng hơn hết, các em nhận thức được điều đó và đòi hỏi sự công nhận từ người lớn. Vậy thì hãy đáp ứng mong mỏi đó. Lời khen và sự khích lệ đúng lúc, đúng chỗ và đúng đối tượng đối với việc dựng xây một mối quan hệ tốt thì không cần bàn cãi.

Không ai sinh ra là vô dụng, vấn đề là chúng ta “kích hoạt” được các “ngòi châm” tài năng ấy hay không? Cho nên, bằng tất cả tấm long, tôi luôn tin vào học trò của chính mình. Tôi không bao giờ nói những lời tiêu cực và buông bỏ, thay vào đó, tôi luôn nhấn mạnh vào những từ khóa khả dĩ, có thể, như một cách gieo vào các em niềm tin. Nuôi dưỡng niềm tin nơi các em bằng cách tin vào chính các em, khiến tôi và các em dễ cảm thông và chia sẻ cho nhau hơn. Bên trong lẽ phải, có người có ta, đằng sau mọi vấn đề đều có nguồn cơn.

Thiết nghĩ, lắng nghe và tin tưởng học trò là phương pháp vi diệu để gần gũi các em.

Thạc sỹ Phan Nguyễn Kiến Nam (Giáo viên Trường Hoa Văn Thương Mại TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI