Người thầy miền núi dạy giỏi, làm kinh tế hay

28/10/2023 - 06:23

PNO - Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, chàng trai xứ Nghệ Lê Anh Tú xung phong lên xã Hòa Bắc, huyện miền núi Hòa Vang (TP Đà Nẵng) để dạy cho trẻ vùng cao. Gắn bó với mảnh đất này, thầy còn tạo được thương hiệu đặc sản OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của vùng đất, tạo công ăn việc làm cho người dân.


 

Thầy Lê Anh Tú và các học sinh của mình
Thầy Lê Anh Tú và các học sinh của mình


Từ vùng đất khó đến vùng khó hơn

Thầy Lê Anh Tú (44 tuổi) quê ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ vùng quê nghèo khó, thầy khăn gói vào học tại Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ra trường, đi dạy ở thành phố được 1 năm, năm 1998, thầy quyết định xung phong lên xã Hòa Bắc, nơi có nhiều người dân tộc Cơ Tu sinh sống, dạy tại điểm trường Nam Mỹ của Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc). “Dù đây là vùng khó khăn của TP Đà Nẵng nhưng tôi cũng đã qua hơn nửa đời người gắn bó, dạy học sinh rồi giờ dạy con của học sinh mình” - thầy Tú chia sẻ.

Là giáo viên môn thể dục, thầy Tú không những luôn dốc hết tâm huyết giúp các em nâng cao thể chất mà còn hỗ trợ hết mình để nhiều em phát triển thế mạnh, đạt thành tích cao. Năm 2007, em Trần Văn Việt (11 tuổi, ở thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc) được thầy Tú đưa đi thi tuyển đầu vào đội bóng đá Đà Nẵng. Do nhà học trò nghèo, thầy Tú tự nguyện hỗ trợ em đi xuống sân Chi Lăng (Đà Nẵng) tập và về ở tạm tại nhà mình. Sự cố gắng của thầy và trò đã được đền đáp, Việt tham gia đội bóng và tham dự nhiều giải đấu của câu lạc bộ, được tham gia thi đấu ở nước ngoài… 

Phát hiện em Nguyễn Thùy Trang (thôn Nam Yên) có năng khiếu bơi lội, thầy Tú cũng hết lòng giúp đỡ em rèn luyện. Đợt thi giải năm 2004-2005, Trang đạt huy chương bạc cấp thành phố. Sau đó, năm 2008, 2009, lần lượt 2 em Bùi Văn Phương, Bùi Văn Tuấn ở thôn Giàn Bí sau một thời gian cùng thầy rèn luyện cũng đạt huy chương vàng cuộc thi bơi cấp thành phố.

Học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn đều được thầy Tú động viên, hỗ trợ trong học tập. Nhiều em ra trường, thầy có mối quan hệ ở dưới phố thì đều giới thiệu cho các em tìm việc làm. Sự chịu thương chịu khó, tấm lòng với học sinh của thầy được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao, đồng nghiệp rất yêu mến. Năm 2011, 2012, thầy Tú được tặng bằng khen chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Sau đó, liên tiếp 2 năm 2018, 2019, thầy tiếp tục đạt danh hiệu này và được Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tặng bằng khen xuất sắc trong công tác dạy và học.

Tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo

 

Vườn chè của thầy Lê Anh Tú trong mùa thu hoạch
Vườn chè của thầy Lê Anh Tú trong mùa thu hoạch

Gắn bó với học sinh người đồng bào Cơ Tu, một cơ duyên đã đến với thầy. Thầy Tú kể: “Mỗi khi đến thăm các em, nhà nào cũng mời tôi một loại nước uống giống nhau, có màu vàng trong, thơm nhẹ, khi uống thì có vị đắng và hậu ngọt, rất ngon và lạ. Hỏi ra mới biết đây là nước uống nấu từ cây chè dây, một loại lá cây rừng được xem là thức uống đặc trưng của người Cơ Tu, giúp điều trị bệnh dạ dày, ăn ngon dễ ngủ. Đó là một trong những yếu tố giúp người dân tộc Cơ Tu dù sống trong điều kiện thiếu thốn, nhưng vẫn luôn khỏe mạnh”.

Từ đó, thầy ấp ủ dự định trồng chè dây để phát triển kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Năm 2019, thầy đầu tư 350 triệu đồng để xây dựng vườn chè dây trên diện tích 1ha rừng. Dự án được Sở Khoa học - Công nghệ TP Đà Nẵng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang hỗ trợ thêm vốn đầu tư 100 triệu đồng.

Vợ chồng thầy phải tranh thủ thời gian để vừa đi dạy vừa làm rẫy. “Có những vụ cây tươi tốt nhưng gặp lũ về đất đá tràn lấp hết, vợ chồng tôi phải đi lượm từng cục đá và chở bằng xe rùa để đi đổ vì máy lớn không vào được. Trời mưa nhỏ mình cũng phải vào rẫy làm cho xong. Có những vụ gặp hạn, cây chết nhiều phải nhổ đi làm lại” - thầy Tú kể. Gom thêm được ít tiền, thầy thuê xe máy múc vào san ủi tạo mặt bằng, đúc hàng trăm trụ bê tông và đan giàn lưới thép kiên cố cho chè dây leo lên, thiết kế hệ thống dẫn nước từ suối để chủ động tưới tiêu...

Cứ thế, sau vài lần thất bại, vườn chè của thầy đã cho thu hoạch đều đặn. Thầy sao chè bằng phương pháp thủ công trên bếp củi. Mỗi mẻ chè tươi 16kg sao đều sẽ cho 4kg chè dây khô. Sau đó, đổ chè ra làm nguội, ủ thêm 12 tiếng rồi đem phơi khô khoảng 3 nắng là ra thành phẩm, đóng gói. Nếu trời mưa, ít nắng, thầy sẽ dùng lò sấy để làm khô sản phẩm.

Đến nay, vườn chè dây của thầy đã phát triển ổn định, cho sản lượng cao. Lúc thời tiết nắng ráo, cứ 45 ngày thầy sẽ thu hái 1 lần, sau khi chế biến chè khô đạt 350kg, bán giá 180.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn cho 12 tạ chè dây khô, sau khi trừ chi phí, thầy lãi hơn 150 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 8 lao động là người địa phương với mức lương 300.000 đồng/ngày. 

Sắp tới, thầy sẽ mở rộng quy mô vườn chè lên 2ha và liên kết với các hộ dân để chủ động nguyên liệu sản xuất. Qua đó, giúp người đồng bào Cơ Tu bám đất bám rừng, có việc làm và nguồn kinh tế ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững… 

Vợ chồng thầy Lê Anh Tú trong một lần tham gia trưng bày sản phẩm OCOP
Vợ chồng thầy Lê Anh Tú trong một lần tham gia trưng bày sản phẩm OCOP

Ông Thái Văn Hoài Nam - Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - đánh giá: Vợ chồng thầy Tú là một tấm gương điển hình của xã trong việc phát triển kinh tế cũng như những cống hiến cho xã hội. Từ trước đến nay, xã Hòa Bắc cũng có nhiều mô hình phát triển cây chè dây tuy nhiên không thành công. Sự chịu thương chịu khó, kiên trì của vợ chồng thầy Tú đã tạo nên một mô hình kinh tế đáng học tập của địa phương. Ngoài giúp phát triển kinh tế cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho những người dân ở thôn Nam Mỹ thì sản phẩm của thầy Tú là 1 trong 2 sản phẩm OCOP của xã Hòa Bắc, cũng là niềm tự hào cho địa phương.

Với phương châm sản xuất sạch, an toàn, sản phẩm chè dây của vợ chồng thầy Tú được tiêu thụ mạnh tại TP Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước; đạt giải Nhì trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN TP Đà Nẵng tổ chức. Sang năm, sản phẩm vinh dự được chọn đi thi cấp trung ương.

 Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI