Người thầy khiếm thị

19/11/2018 - 08:30

PNO - 81 tuổi, người thầy "không gia đình" ấy vẫn tiếp tục ở lại ngôi trường đặc biệt dành cho học sinh khiếm thị.

Thầy không còn dạy chữ, mà trở thành "người nâng đỡ" tinh thần, truyền dạy kỹ năng sống và dẫn lối cuộc đời cho những học trò đang mò mẫm trong bóng tối...

Thầy Phạm Đình Thắng - sinh năm 1938, ở Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội - không còn nắm chặt được tay nữa, mắt cũng chẳng nhìn được xa và chiếc gậy là người bạn luôn đồng hành. Dù đã nghỉ hưu từ 28 năm trước nhưng thầy vẫn xin ở lại với Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (TP.Hà Nội), để tiếp tục hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh khiếm thị của trường. 

Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960, thầy Thắng lên miền núi. Hồi đó, các thầy giáo miền xuôi thường được phân công giảng dạy ở vùng sâu vùng xa 3 năm rồi lại quay về thành phố. Cuộc ra đi ấy lấy trọn tuổi trẻ của thầy. 27 năm sau, thầy giáo trẻ cắm bản thuở nào mới quay lại thủ đô. 

Nguoi thay khiem thi
Đôi mắt đã mờ nên thầy Thắng phải đọc, viết bằng chữ nổi

Thầy kể: “Năm 1987, tôi quay về Hà Nội. Lúc đó, mắt đã không còn thấy đường, cũng chẳng có vợ con gì nên tôi quyết định xin vào trường dạy trẻ khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu này. Tôi được phân công chăm lo cho cuộc sống các em trong khu ký túc xá nội trú của trường. Cùng bị bệnh về mắt, có nhiều nét tương đồng về tâm tư tình cảm và những khó khăn trong cuộc sống nên chúng tôi rất dễ đồng cảm”.

Từ hồi quay lại Hà Nội đến giờ, thầy vẫn ở một mình trong căn phòng 10m2 của ký túc xá. Căn phòng nhỏ, chỉ có bàn làm việc “kiêm” tiếp khách, tủ quần áo và chiếc giường đơn. Ở đây, niềm vui của thầy là được gặp học sinh khiếm thị, được nghe các em chia sẻ mọi điều trong cuộc sống, động viên khích lệ các em vượt qua nghịch cảnh để vươn lên, đó là công việc và cũng là lý do để thầy gắn bó với mái trường này. 

Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu hiện có hơn 170 học sinh khiếm thị, trong đó có hơn 100 em xa nhà, nội trú trong ký túc xá của trường. Thầy Thắng là người thường trực ở đây, nên mấy mươi năm qua, hình ảnh của thầy trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ học trò.

Nguoi thay khiem thi
Thầy Phạm Đình Thắng (thứ 2 từ trái sang) bên các học trò

“Cũng giống như các ngôi trường khác là giáo dục cho các em nhân cách, đạo đức và kiến thức, nhưng ngoài những điều đó, ngôi trường này còn phải làm chức năng xóa đi sự tự ti, mặc cảm cố hữu trong lòng các em, để các em tự tin rằng mình là một thành viên bình đẳng trong xã hội” - thầy chia sẻ. 

Để xóa đi sự tự ti, để mang lại ý thức bình đẳng, không gì thiết thực hơn là dạy các em kỹ năng để có thể tự túc, tự chủ về kinh tế. Từ sự định hướng đó, trường tổ chức các lớp năng khiếu và các lớp dạy nghề cho các em. 

Thầy Thắng kể: “Hồi đầu, trường cũng tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống như đan lát, bện thừng, làm tăm, nhưng những nghề đó rất khó sống. Thế là trường chuyển hướng, dạy các em những nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng và khả năng của chính các em. Tuy khiếm thị nhưng tư duy của các em chẳng thua gì người bình thường, khả năng diễn thuyết, thao tác vẫn uyển chuyển”. 

Nhiều lứa học sinh khiếm thị đi ra từ mái trường này đã trưởng thành và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, là niềm an ủi cho tuổi già "không gia đình" của thầy. Đó là Đào Thu Hương - thủ khoa Trường đại học Sư phạm Hà Nội, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010; Khúc Hải Vân - hiệp sĩ công nghệ thông tin; anh Nguyễn Huy Việt - người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam chinh phục được chặng đua marathon 2km đường đèo Hà Giang hiểm trở… 

Hằng năm, cứ đến gần ngày 20/11, học trò cũ lại lũ lượt kéo về thăm thầy. Những học trò ở Lạng Sơn - nơi thầy từng có 27 năm công tác - hay những học trò từ ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Họ đến cùng với vợ chồng, con cái, thậm chí có nhiều người mang cả cháu đến thăm thầy cũ, dạy cháu “chào ông nội đi con”. Mọi người nhân dịp về thăm thầy để hội ngộ, để hàn huyên và để cùng ăn một bữa cơm thân mật. Tất cả quây quần ấm áp như trở về bên người cha của mình. 

An Vũ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI