PNO - Sau gần 70 năm, Người thầy đầu tiên vẫn khiến người ta rung động. Trái tim người thầy, hệt như hai cây phong sừng sững trên ngọn đồi lộng gió ngày Antưnai trở lại làng 60 năm sau.
“Thầy mang về cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thành đạt”- lời thầy Đuysen nói trong một đêm tối, với Antưnai, như một tiếng vọng từ quá khứ, một quá khứ không bao giờ ngủ.
Hai cây phong ấy lớn lên, chứng kiến những đứa trẻ của làng lần lượt trưởng thành. Đó là hai cây phong mà “dù đi đến làng bằng bất cứ hướng nào, người ta cũng nhìn thấy chúng đầu tiên”. Chúng là Antưnai, chúng là Đuysen hay chúng là mối tình thầm lặng và bị từ chối của cô học trò 15 tuổi dành cho thầy mình? Chúng là tất cả. Dưới bóng cây phong ấy, những tâm hồn trẻ thơ bay bổng và đầy khát khao rồi cũng có lúc rời làng, rồi lại một thế hệ khác lớn lên… Chỉ có một câu chuyện còn mãi ở đó, câu chuyện về một người thầy mà không chỉ là thầy, còn là người cha, người anh.
Ngày Đuysen xuất hiện trong đời Antưnai cũng là ngày người thầy làm thay đổi thế giới của cô. Nếu không có thầy Đuysen, Antưnai - đứa trẻ mà “từ thuở bé mọi ước nguyện, mọi ý muốn của tôi đều bị chôn vùi dưới những lời mắng chửi” - sẽ như bao đứa trẻ khác của làng, lớn lên mà không biết mặt chữ, rồi bị bán làm vợ lẽ cho một người giàu có, sống một cuộc đời mãi không thấy ánh sáng. Lần đầu tiên Antưnai được người khác quan tâm đến thế, kể cho cô nghe những chuyện cô chưa từng biết hay ho đến thế, đối xử rất dịu dàng với cô - khác hẳn với những gì cô gặp trước kia.
Dù bị cả dân làng coi là trò cười - hẳn rồi, vì ở nơi ấy, học là một khái niệm… dở hơi, vì những đứa trẻ ấy là “những đứa bé từ đời ông, đời cụ bảy tộc tổ tiên đều không biết lấy một chữ cắn đôi”, lớn lên phải đi chăn gia súc thuê, đi nhặt giatki (phân gia súc) để đổi miếng ăn qua ngày - thầy Đuysen vẫn kiên nhẫn đứng đó trong sân những ngôi nhà phủ đầy tuyết, kiên nhẫn thuyết phục từng người cha để đứa con nhỏ được đến trường - vốn là một “mái nhà tranh vách đất hở hoác đến nỗi ngồi trong lớp lúc nào cũng nhìn thấy những đỉnh núi tuyết phủ”.
Người ta từng nói, sẽ không có khuôn hình nào có thể đặc tả được bối cảnh, cảm xúc xáo trộn của khoảnh khắc thầy Đuysen tiễn cô học trò nhỏ lên tàu, ra thành phố. “Từ biệt em, Antưnai của thầy… Em đừng sợ, hãy mạnh dạn lên mà đi” - tiếng Đuysen rơi trong gió, cả tiếng gọi tên Antưnai ở giây phút tàu lăn bánh như muốn nói điều gì đó rồi nghẽn lại vì đã muộn màng, trở thành khoảnh khắc đẹp đến đau lòng.
Ngày trở lại làng, Antưnai đã không còn là cô bé lấm lem của ngày nào. Bà viện trưởng Viện Hàn lâm Antưnai đưa mắt nhìn lên ngọn đồi, nơi thầy Đuysen đã tiễn cô học trò Antưnai của mình ra thành phố, trái tim bà réo gọi cái tên Đuysen. Mọi thứ đã khác, người thầy ấy giờ trở thành người đưa thư đầy nguyên tắc của làng, cô học trò nhỏ bận bịu trăm mối của Viện Hàn lâm ở thành phố. Họ rồi gặp lại nhau nữa không, không ai biết. Nhưng chắc chắn có một ngọn gió luôn thổi bùng lên ngọn lửa trong lòng họ - ngọn lửa đốt tan lớp băng tuyết ngàn đời bao phủ mảnh đất thảo nguyên này…
Không hề quá khi nói rằng nếu như thầy Đuysen đã làm thay đổi cuộc đời nhiều đứa trẻ của làng Kurkurêu thì Người thầy đầu tiên làm thay đổi cuộc đời nhiều thanh niên, không chỉ ở phạm vi một đất nước. Khi tác phẩm được phát hành, câu chuyện về người thầy đã dành cả cuộc đời mình cho việc gieo con chữ đã làm xúc động hàng triệu trái tim. Tất cả đều khóc theo Antưnai của ngày trở lại lặng nhìn hai cây phong vẫn đứng đó trong chiều tà của thảo nguyên, khóc với khoảnh khắc Antưnai lao mình xuống tàu vì ngỡ người gác chắn ấy là Đuysen - người mà bà tìm kiếm trong vô vọng suốt năm tháng tuổi trẻ, và khóc với khối tình chôn giấu. Khóc để rồi thấy, ngưỡng mộ thay cho một lý tưởng sống vượt qua tất cả rào cản.
Đó là một câu chuyện buồn nhưng lộng lẫy, có niềm tin và có sự hy sinh cho nhau. Không câu chữ nào trong tác phẩm tả về tình yêu nhưng khối tình âm thầm (từ cả hai phía) nặng tựa khối tuyết vào mùa đông trên ngọn núi xa xa phía trước thảo nguyên. Nhưng trên hết, tác phẩm mang một tầng nghĩa về những giá trị không thể bị khuất phục dù được đặt trong bối cảnh khắc nghiệt vô cùng.
Nhiều nước đã dịch Người thầy đầu tiên và đưa tác phẩm vào giảng dạy trong nhà trường (trong đó có Việt Nam). Mãi đến sau này, rất nhiều người mang học vị học hàm cao trong ngành giảng dạy đã nói chính Người thầy đầu tiên đã hun đúc trong lòng mình lý tưởng về nghề “chèo đò”. Bất kỳ cuộc thi, diễn đàn nào về những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, Người thầy đầu tiên đều được nhắc đến. Bất kỳ ai trong đời cũng cần một “thầy Đuysen”, để được gieo ước mơ, để chắp đôi cánh bay khỏi lũy tre làng...
Năm 1965, tác phẩm được chuyển thể thành phim, giúp Natalya Arinbasarova đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice năm 1966.
Tác phẩm lấy bối cảnh vùng quê hẻo lánh của Kyrgyzstan - một làng nặng nề tư tưởng phong kiến, gia trưởng, phụ nữ bị coi thường và trẻ em mồ côi bị rẻ rúng. Nhân vật chính là Antưnai 15 tuổi có một tuổi thơ bất hạnh. Mồ côi, phải sống cùng chú thím, cô bé luôn bị thím đánh đập. Một ngày kia, thầy giáo Đuysen được cử về làng dạy học và thầy đã tìm mọi cách để cô được đến trường, dù điều đó làm người thím thêm căm ghét Antưnai.
Ở trường học, thầy Đuysen và các học trò trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Nhưng một thế giới mới đã mở ra với các cô cậu bé, nhất là Antưnai - học trò lớn tuổi nhất lớp. Một ngày, thím của Antưnai quyết gả cô làm vợ lẽ cho một tên trọc phú ở làng bên. Thầy Đuysen đã ra sức ngăn cản và bị đánh đập đầy thương tích…
Sau ba ngày sống trong địa ngục, bị tước đoạt trinh tiết, Antưnai được thầy Đuysen cùng công an giải cứu và đưa lên tỉnh học. Antưnai phát hiện mình có cảm tình với thầy Đuysen, cô viết thư cho thầy nhưng thầy không trả lời vì không muốn làm ảnh hưởng tới việc học của Antưnai. Sau đó, thầy Đuysen vào bộ đội, và bị báo tin mất tích. Antưnai lớn lên, trở thành một viện sĩ. Bà về thăm lại quê hương, hai cây phong mà bà và thầy Đuysen trồng ngày nào đã cao lớn trên đồi lộng gió. Bà đặt tên cho ngôi trường mà bà đỡ đầu là “trường Đuysen”.
Chinghiz Aitmatov là nhà văn nổi tiếng nhất của Kyrgyzstan (thuộc Liên Xô cũ). Ông viết bằng tiếng Kyrgyz và tiếng Nga. Ông là “báu vật”, là niềm tự hào không thể thay thế của người dân Nga và Kyrgystan (trước đây là nước cộng hòa Kirghizia thuộc Liên Xô).
Không chỉ hoạt động ở địa hạt văn học, năm 1994, ông là thành viên ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 44 và năm 2002, ông là Chủ tịch Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Moscow lần thứ 24.
Nhiều tác phẩm khác của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt: Núi đồi và thảo nguyên (truyện vừa Người thầy đầu tiên nằm trong tuyển tập này, bên cạnh Cây phong non trùm khăn đỏ và Mắt lạc đà), Vĩnh biệt Gulsary, Sếu đầu mùa, Đoạn đầu đài…
Ông mất năm 2008, ở tuổi 79, thời điểm đài truyền hình Nga đang thực hiện bộ phim tài liệu để mừng sinh nhật lần thứ 80 của ông - Và một ngày dài hơn thế kỷ. Aitmatov giã từ thế giới đúng vào năm mà quê hương Kyrgystan của ông chọn là “Năm Aitmatov”.
Để tôn vinh người con ưu tú của đất nước mình và cũng là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất thế kỷ XX - Chinghiz Aitmatov ngày 13/8/2009, Bưu chính Kyrgyzstan đã phát hành bộ tem giới thiệu 8 tác phẩm nổi tiếng của Chinghiz Aitmatov.