Người thầy cần mẫn xóa mù chữ cho trẻ ở Đầm Sam

16/11/2024 - 06:05

PNO - Giữa mênh mông sóng nước Đầm Sam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hơn 30 năm nay, thầy Trần Văn Hòa vẫn lặng lẽ “gieo chữ” cho con em ngư dân khu tái định cư Đập Góc, xóa mù chữ cho hàng trăm ngư dân. Nhiều gia đình qua 3 thế hệ cùng học chữ với thầy.

Tận tâm với trẻ em nghèo

Đầu tháng Mười một, tôi đội mưa đến thăm lớp xóa mù của thầy Trần Văn Hòa cạnh bên Đầm Sam đúng lúc gia đình thầy đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng chuẩn bị khánh thành thư viện cộng đồng đầu tiên ở Đập Góc.

Thầy Trần Văn Hòa  cùng các em học sinh  xóm Đập Góc trong ngày khai trương thư viện cộng đồng
Thầy Trần Văn Hòa cùng các em học sinh xóm Đập Góc trong ngày khai trương thư viện cộng đồng

Lớp học chưa đầy 30m2 nằm cuối khu tái định cư. 20 gương mặt học trò đen nhẻm vì nắng gió đang chăm chú nhìn vào sách giáo khoa và lắng nghe bài tập đọc của thầy giáo. Người thầy 64 tuổi với mái tóc điểm bạc tận tình giúp học sinh nắn nót những con chữ đầu tiên. Thầy nói: “Bà con vùng sông nước sau này đã có ý thức cho con đi học. Trước đây, cứ theo nghề kéo lưới, theo con tôm con cá thì làm gì có học, vì thế nghèo vẫn cứ nghèo”.

Khu vực Đập Góc ở Đầm Sam (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai) có gần 50 hộ là ngư dân vạn đò thuộc các xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân (huyện Phú Vang) tập trung về đây cư trú vài chục năm trước. Sau năm 1975, chàng thanh niên Trần Văn Hòa đã về mảnh đất quê hương nghèo khó này lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, lênh đênh sông nước, con chữ trở thành thứ xa xỉ với người dân nơi đây.

Cảm thương số phận của những con người vùng quê, thầy Hòa quyết định mở lớp học miễn phí tại chính căn nhà ngang của mình. Thầy kể: “Những ngày đầu, bọn trẻ thấy vui vì có bạn bè, nhưng về sau thì bỏ học dần, vì cuộc sống mưu sinh dưới đầm phá không cho phép chúng theo học đều đặn”. Dù vậy, thầy vẫn không nản lòng. Lớp có 1 em đến học thôi thầy vẫn dạy. Dần dần, tình hình đã tốt hơn.

Lớp học hiện có nhiều trình độ, từ lớp Một đến lớp Bốn nên người ở xóm vạn đò Đập Góc gọi là “lớp học 4 trong 1”. Thầy Hòa cho hay, học sinh mỗi lớp ít nên phải học ghép. Khi các em lớp Bốn làm bài tập thì các em lớp Ba tập đọc, lớp Một tập viết… Bảng được chia làm nhiều phần rõ ràng để các em dễ theo dõi. Sau khi học xong chương trình lớp Bốn, thấy em nào có khả năng, thầy sẽ xin cho các em vào trường tiểu học học tiếp, em nào chưa được thì học lại.

Em Trần Thị Hoài Trang - học sinh lớp 5/1 Trường tiểu học Phú Mỹ - chia sẻ: “Học xong lớp Ba ở lớp thầy Hòa, em được cha mẹ và thầy chuyển vào học tiếp ở trường tiểu học. Năm học vừa rồi, em đạt học sinh giỏi. Em vui lắm. Mỗi khi không giải được bài tập, em lại mang sách sang hỏi thầy”.

Với tình thương và lòng nhiệt huyết, thầy Hòa cần mẫn gieo chữ cho các em và nâng bước những ước mơ. Từ lớp học này, nhiều em đã tiếp tục con đường học vấn, thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Em Nguyễn Văn N. - đang học lớp Bốn - kể: “Ba em đi biển xa nhà. Mẹ em đi thả lưới và mò nghêu. Em và em trai được thầy Hòa gọi đi học để biết chữ. Đi học vui lắm. Thỉnh thoảng thầy còn cho áo quần, bút viết, sách vở. Trong xóm có anh Mậu, anh Muống, anh Thành và nhiều anh nữa thi đậu đại học rồi”.

Hiến đất làm thư viện cộng đồng

Từ nay, các em học sinh ở Đập Góc có thêm một thư viện để đọc sách ngay tại nhà thầy Trần Văn Hòa
Từ nay, các em học sinh ở Đập Góc có thêm một thư viện để đọc sách ngay tại nhà thầy Trần Văn Hòa

Bằng tình yêu thương dành cho chính nơi “chôn rau cắt rốn”, thầy Hòa đã góp phần không nhỏ đưa con chữ đến với những đứa trẻ ở làng chài nghèo. Không chỉ các em nhỏ, mà còn có những người lớn tuổi, đã trải qua một thời gian thiệt thòi vì không biết chữ. Vì vậy có không ít gia đình, cả ba thế hệ đều học với thầy. Nhìn nụ cười rạng ngời từ những học trò khi biết đọc, biết viết, thầy Hòa thấy nhẹ lòng, vơi đi mọi lo lắng.

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của thầy vừa là lớp học vừa là nơi sinh hoạt hằng ngày của cả gia đình. Mỗi ngày, ngoài buổi đứng lớp, buổi còn lại thầy ra thăm hồ nuôi tôm, cá của mình, thả mảnh lưới để kiếm bữa cơm cho gia đình. Mỗi sớm mai gà gáy thức giấc, trên con đường làng quen thuộc, thầy lại ra đầm, ra phá để giăng câu. Trở về nhà là một bữa sáng đơn sơ và rồi thầy bắt đầu giờ dạy ở lớp học xóa mù chữ từ 7g sáng đến 10g.

Mọi người trong xóm ai cũng yêu quý và kính trọng thầy Hòa. Nhiều học trò xem thầy như người cha thứ hai. Ông Trần Thưởng - 56 tuổi, người thôn Đập Góc, trước đây là học trò của thầy Hòa - kể: “Được thầy Hòa động viên nên tôi quyết định làm học trò của thầy. Sau gần 1 năm, giờ tôi đã biết làm các phép tính cộng trừ, biết đọc và… hát karaoke”. Còn chị Trần Thị Phượng tâm sự: “Nhờ thầy Hòa dạy cho mà giờ tôi đã biết đọc, có thể ký giấy tờ, viết tên mình, không phải lăn tay như trước. Bà con ở đây, ai cũng quý thầy”.

Khi nghe các nhà hảo tâm ở TP Huế bàn chuyện làm thư viện cộng đồng giúp trẻ xóm vạn đò Đầm Sam có nơi đọc sách, không ngần ngại, thầy Hòa đã hiến tặng gần 200m2 ngay trên phần đất của ngôi nhà mình đang ở để làm thư viện cộng đồng cùng sân thi đấu cầu lông cho học sinh.

Phát biểu trong ngày khai trương thư viện cộng đồng Đập Góc (ngày 3/11), thầy Hòa nói: “Tôi tin rằng, thư viện này sẽ góp phần giúp trẻ em ở Đập Góc có thêm nhiều kiến thức, cải thiện kỹ năng sống, phát triển văn hóa đọc, tạo nền tảng cho việc tự học…”.

Ông Võ Văn Thịnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết, lớp học thầy Hòa có quy củ và rất hiệu quả. Ghi nhận điều này, năm 2006, ngành giáo dục đã làm thủ tục hỗ trợ thầy tiền đứng lớp. “Thầy là tấm gương sáng trong làng giáo của huyện nhà về sự tận tâm, tận hiến. Thầy đã có đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương nói chung và công tác xóa mù chữ, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” - ông Thịnh nói.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI