Người thất nghiệp đông, doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ nhân sự

04/04/2024 - 06:17

PNO - Sau tết Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM rao tuyển lượng lớn nhân công với chế độ đãi ngộ tốt nhưng không thể tuyển đủ do quá ít người dự tuyển.

Tăng đãi ngộ, vẫn không tuyển đủ người

Đại diện Công ty TNHH liên doanh Vĩnh Hưng (quận 12, TPHCM) cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, công ty liên tục rao tuyển hơn 100 thợ may và 100 nhân viên bộ phận sản xuất với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng cho người có tay nghề, đạt hiệu suất công việc 50% trở lên. Công ty cũng hỗ trợ thêm cho người lao động có con dưới 6 tuổi theo mức 260.000 đồng/bé/tháng. Thế nhưng, công ty không thể tuyển đủ nhân công do quá ít người nộp đơn ứng tuyển.

Đại diện Công ty cổ phần Takahiro (quận 1, TPHCM) giới thiệu thông tin việc làm với những người đang tìm việc
Đại diện Công ty cổ phần Takahiro (quận 1, TPHCM) giới thiệu thông tin việc làm với những người đang tìm việc

Bà Lê Thị Kim Liên - cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (huyện Bình Chánh, TPHCM) - cho biết, trong năm 2024, công ty dự định đưa vào hoạt động nhà máy ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cần khoảng 300 lao động phổ thông và 50 nhân sự chuyên môn làm quản lý, làm nhân viên kỹ thuật điện lạnh, cơ khí, kinh doanh, giám sát bán hàng... Công ty sẵn sàng tiếp nhận lao động phổ thông rồi hướng dẫn làm việc, nhưng trong bối cảnh nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, Cholimex vẫn nhận được rất ít đơn dự tuyển.

Bà Đặng Lê Cẩm Nhung - Giám sát tuyển dụng Công ty cổ phần Takahiro (sản xuất thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trụ sở ở quận 1, TPHCM) - thông tin, công ty đang cần tuyển người làm phụ bếp, pha chế, phục vụ, thu ngân, lễ tân, tiếp thực, tạp vụ... Để sớm tuyển đủ nhân sự, công ty tăng mức tiền công từ 27.000 đồng lên 37.000 đồng/giờ cho người làm bán thời gian, tăng thu nhập từ 8 triệu đồng lên 10 triệu đồng/tháng cho người làm toàn thời gian, nhưng vẫn không tuyển đủ số nhân sự cần thiết.

Tăng cường kết nối cung cầu

Bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, từ sau tết Nguyên đán đến nay, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM có nhu cầu tuyển dụng do cần mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc cần lực lượng thay thế cho số nghỉ hưu, nghỉ việc để tìm kiếm chỗ làm tốt hơn.

Một trong những khó khăn của các nhà tuyển dụng là khó tìm ra người đáp ứng được yêu cầu công việc
Một trong những khó khăn của các nhà tuyển dụng là khó tìm ra người đáp ứng được yêu cầu công việc

Bà cho hay: “Theo kết quả khảo sát 300 doanh nghiệp ở TPHCM, có 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Lý do khó tuyển là ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp (chiếm 68,66%), tiền lương, tiền thưởng thấp (chiếm 20,9%), điều kiện làm việc (môi trường, an toàn lao động, hệ thống quản lý) chưa tốt (chiếm 5,97%), còn lại là các lý do khác”.

Theo bà, toàn cầu hóa và số hóa đã và đang làm thay đổi cấu trúc, cách thức tổ chức công việc; nhiều việc làm cũ mất đi do không còn hợp thời, nhiều việc làm mới xuất hiện đòi hỏi cao về kỹ năng và sự hiểu biết về công nghệ. Để bên tìm việc và bên tìm người “gặp” được nhau, cần linh hoạt trong công tác đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Người lao động cũng cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật thông tin để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.

Thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp kết nối cung cầu lao động, như phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, quan hệ lao động trong doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chế độ cho người lao động mất việc, thiếu việc làm. Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc sở cũng tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm, đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực trình độ cao...

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM - cho rằng, để đạt hiệu quả khi tuyển dụng, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, theo hướng tập trung tư vấn việc làm cho người sắp hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Các cơ quan nhà nước chuyên trách về thị trường lao động cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cung cầu lao động dùng chung cho các tỉnh, thành phố để việc kết nối cung cầu được thuận lợi hơn. Cơ sở dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuyển dụng và nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp, giúp người cần việc sớm tìm được việc làm.

Bà Hạnh Thục mong muốn có một ứng dụng sàn giao dịch việc làm trực tuyến dùng chung để người tìm việc và nhà tuyển dụng trên cả nước dễ dàng tương tác với nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành liên thông như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí, cần sự nhất quán về dữ liệu nguồn, cơ chế vận hành, bảo mật… Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về cung cầu lao động trên diện rộng.

Theo Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, có 1.104.217 người lao động đến các trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,2% so với năm 2022. Đại diện các công ty đang cần tuyển nhân công cho hay, trong năm 2023, nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc hàng loạt nhưng phần đông người mất việc chọn lãnh trợ cấp thất nghiệp thay vì tìm kiếm công việc mới.

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI