|
Cô giáo Nguyễn Thị Vinh (đứng giữa) chụp cùng học trò trong buổi chia tay ra trường hè năm 1997 (ảnh tác giả cung cấp) |
Em đừng lo lắng vì kiến thức “rơi rụng”, chỉ cần em nỗ lực và quyết tâm thì sẽ “đuổi” kịp các bạn thôi, có khi còn bứt phá vượt lên nữa đấy.
Đó là lời động viên tôi nhận được từ cô Nguyễn Thị Vinh, giáo viên Trường cấp III Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) khi tôi có ý định đi học trở lại sau một năm nghỉ học. Trước đó, tôi đã tạm biệt trường lớp với mong muốn giúp bố mẹ đỡ vất vả.
Tôi mạnh dạn thi vào lớp chọn cũng từ sự khích lệ của cô. Và cũng thật bất ngờ, tôi đỗ với điểm số cao. Tôi vui vì được đi học trở lại và lại được vào đúng chuyên ban C tôi yêu thích. Trong lòng thầm biết ơn cô, nhưng đối với một cô học trò nhút nhát, rụt rè như tôi ngày ấy, việc đứng trước mặt cô thốt lên lời cảm ơn thật khó khăn.
Hồi đó, giáo viên trong trường khá ít. Cô được phân công dạy môn sử lớp của tôi cùng rất nhiều lớp khác. Tôi đã nghe các anh chị khóa trên ca ngợi cô với những “biệt danh” như “bộ nhớ siêu phàm”, “pho sử vĩ đại”... và khi được trực tiếp học cô thì tôi thực sự thán phục bởi trí nhớ và kho tàng tri thức lịch sử cô có.
Mỗi giờ lên lớp, cô không cầm sách giáo khoa, cũng không nhìn giáo án, cứ thế say sưa giảng bài. Bao nhiêu đam mê, tâm huyết, năng lượng, cô chuyển tải qua từng bài giảng . Không chỉ những sự kiện lịch sử mà còn có cả những câu chuyện liên quan đầy thú vị, hấp dẫn cô sưu tầm được thể hiện qua chất giọng truyền cảm. Lũ học trò chúng tôi bị cuốn hút, cứ thế chăm chú lắng nghe. Có khi trống báo hết tiết từ lúc nào không biết. Cuối mỗi bài, mỗi phần, cô lại có cách hệ thống kiến thức rất khoa học. Có lẽ vì thế mà chúng tôi học sử nhanh nhớ và rất lâu quên.
Còn một lý do khác khiến chúng tôi chờ đợi tiết học lịch sử là vào cuối giờ cô thường "thưởng" cho một vài câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”… Thi thoảng cô bói vui cho chúng tôi. Khi đó, câu chuyện vượt ra ngoài khuôn khổ của tiết học lịch sử, bởi thông điệp về cuộc sống, con người, về cách đối nhân xử thế được cô gợi mở cùng những tràng cười như pháo nổ.
Hăng say, nhiệt huyết là vậy nhưng sức khỏe của cô không tốt. Tôi nhớ thường vào mùa đông cô hay đau nhức xương khớp nhưng vẫn cố gắng lên lớp. Cũng có những lần cô ốm phải nghỉ ở nhà, chúng tôi kéo nhau vào thăm, dù đang mệt nhưng cô xoa dịu: "Mai cô đi dạy rồi".
Năm lớp 11, tôi đứng trước áp lực khi được chọn thi học sinh giỏi 2 môn văn và sử. Biết tôi lo lắng, cô trấn an: "Văn là thế mạnh của em rồi, còn sử thì em xem đây như là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về những điều em đã được học. Có giải cũng tốt, không có giải cũng không sao".
Câu nói ấy của cô khiến nỗi lo lắng trong tôi được giải tỏa. Cũng như cô giáo dạy văn, cô Vinh luôn ở bên cạnh miệt mài ôn luyện cho tôi. Kỳ thi năm đó, tôi đã hoàn thành tốt cả 2 môn thi, nhưng lời cảm ơn dành cho cô tôi vẫn nợ.
Những ngày tháng ôn thi đại học đối với những học trò tỉnh lẻ như chúng tôi ngày đó thật khó quên. Một số ít bạn có điều kiện ra thành phố lớn luyện thi, còn đa phần chúng tôi bám trụ ở quê. Không ai khác, lại chính các cô dạy ban C, trong đó có cô Vinh, đến trường giữa những ngày hè oi bức, gió Lào khắc nghiệt để bồi dưỡng, hệ thống kiến thức cho chúng tôi.
Ngày đó, phòng học không có quạt điện, những lúc nóng nực, chúng tôi xắn quần cao lên đầu gối, vừa chép bài vừa quệt tay áo lau mồ hôi, vậy mà cô vẫn giảng bài say sưa, có khi giọng khàn đi.
Được các cô dạy ban C: cô Hoàng Oanh, cô Vinh, cô Minh dốc lòng, dốc sức, truyền cảm hứng, động lực cùng với những nỗ lực hết mình của chúng tôi, nên khóa học năm đó rất nhiều bạn đỗ đại học, cao đẳng, đặc biệt có nhiều bạn đỗ vào trường sư phạm.
Ra trường, mỗi người chúng tôi một công việc. Tôi ở lại Hà Nội công tác. Mỗi lần có dịp về quê, tôi ghé thăm cô cũng là lúc nhìn thấy sức khỏe của cô ngày một giảm sút. Dẫu vậy, cô vẫn luôn nhắc về chúng tôi - lứa lớp chọn đầu tiên của trường với tất cả niềm hào hứng, tự hào.
| | |
Cô giáo Nguyễn Thị Vinh (thứ sáu, từ trái sang) chụp ảnh cùng học trò lớp C niên khóa 1994-1997 trong buổi gặp mặt kỷ niệm 20 năm ngày ra trường (ảnh tác giả cung cấp | |
|
Bao nhiêu năm đã trôi qua, bao thế hệ học sinh đã ra trường mà cô vẫn nhớ tên gần hết các bạn trong lớp, đặc điểm của từng bạn và vô số những kỷ niệm của 3 năm học chúng tôi đã trải qua. Lúc ra về, cô lại đưa ít hoa quả sạch thu hoạch trong vườn nhà, giục tôi mang về.
Trong người có nhiều bệnh nên cô hay ra Hà Nội khám, điều trị, nhưng cô không báo cho tôi. Duy nhất có một lần tôi biết qua một người quen nên vào viện thăm cô. Thấy tôi, cô áy náy, bảo: "Em bận thế còn qua thăm cô làm gì. Cô không báo với em vì em đi làm xa, về còn phải chăm sóc gia đình…".
Suốt buổi nói chuyện, cô luôn tỏ ra kiên cường, lạc quan như thể đang không có những cơn đau bệnh tật hành hạ.
20 năm sau ngày ra trường, chúng tôi tổ chức họp lớp, cô đang đau nhưng vẫn gắng gượng đến dự. Cô ôm từng đứa học trò cũ, nhắc lại những kỷ niệm vẫn còn lưu trong trí nhớ của cô. Cô không đứng được lâu nhưng vẫn chụp ảnh chung với lớp, với từng nhóm.
Lần gần đây nhất, tôi đến thăm cô là dịp tết. Cô nằm trên giường không dậy được, nhưng vẫn gắng chuyện trò với tôi. Tôi biếu cô phong bao lì xì nhưng cô không nhận, cô bảo: "Em còn nặng gánh lắm, cất đi để dành lo cho con…". Trở lại Hà Nội sau tết một thời gian, tôi nhận được điện thoại của cô. Vừa bắt máy, tôi đã nghe giọng nói quen thuộc cất lên: "Hôm nay cô khỏe hơn rồi, cô báo để em và các bạn mừng". Nghe vậy, lòng tôi vui khôn tả.
Vậy mà tuần trước, cô đã rời xa chúng tôi mãi mãi. Dẫu biết rằng đời người “sinh lão bệnh tử” nhưng sự ra đi của cô khiến nhiều thế hệ học trò vô cùng thương nhớ và hụt hẫng. Trên group của lớp tôi và trên trang Facebook của học trò trường Nam Đàn 2 các khóa có nhiều hình ảnh, kỷ niệm về cô được gợi lại. Rất nhiều những dòng bình luận xúc động trước sự ra đi của cô. Thế mới biết tấm lòng và hình ảnh cô đã in dấu ấn trong lòng chúng tôi sâu đậm đến nhường nào.
|
Học trò niên khoá 1994-1997 thăm và chúc tết cô Nguyễn Thị Vinh (ảnh tác giả cung cấp) |
Hơn 30 năm miệt mài trên bục giảng với ngọn lửa nghề thắp sáng trong tim, cô Nguyễn Thị Vinh đâu chỉ trao truyền tri thức, mà còn thắp sáng tình yêu đối với môn lịch sử cho biết bao thế hệ học trò. Nhiều bạn trong lớp tôi đã nối nghiệp cô giảng dạy bộ môn lịch sử cũng chính từ đam mê, nhiệt huyết mà cô lan tỏa, tiếp ứng. Cống hiến cả cuộc đời công tác cho sự nghiệp giáo dục, cô đã nhận được nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý nhưng có một danh hiệu không kém phần ý nghĩa đó là "Nhà giáo mẫu mực, tận tụy trong lòng các thế hệ học trò".
Với tôi, cô còn là tấm gương về lòng nhân ái, về nghị lực mạnh mẽ, luôn nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh để sống có ý nghĩa với từng giây phút của cuộc đời.
Bùi Thị Hoàn