Người thân ra trận chống dịch

27/05/2021 - 05:51

PNO - Người nhà của những nhân viên y tế chỉ mong sớm được ngồi bên mâm cơm vui đùa cười nói cùng mẹ, cha, anh chị của mình.

Từ hồi COVID-19 bùng nổ tới giờ, người thân của y, bác sĩ chỉ ước ăn những bữa cơm đầy đủ thành viên mà thôi. Những đứa con ngóng ba mẹ, vợ mong chồng, mẹ nhớ con... dù không phải khắc khoải như thời chiến nhưng không ai ngờ nỗi đợi chờ, lo lắng ấy lại diễn ra giữa thời bình.

Khi mẹ vắng nhà

Hè năm ngoái, khi Bệnh viện C Đà Nẵng trở thành ổ dịch, em họ tôi đã đứng ngồi không yên vì mẹ em là điều dưỡng, làm việc lâu năm ở đó. Bà đã đi trực liên tục, rồi đùng một cái, bệnh viện phải cách ly vì có các ca dương tính. Chẳng ai trong gia đình từng nghĩ rằng mẹ sẽ không về nhà một thời gian dài.

Cô tôi là điều dưỡng, luôn bận việc chăm sóc bệnh nhân ở viện, nhưng ở nhà bà còn đảm nhiệm việc thăm nom, bón thuốc cho mẹ chồng liệt giường bảy năm trời.

Cả nhà quen với sự hiện diện của mẹ, từ cái tính hay cằn nhằn nhưng chu đáo, chi tiết đến thói quen làm bếp, rửa chén mà bỗng một ngày vắng bà ngôi nhà trở nên trống trải, xa vắng lạ thường. 

Bác sĩ làm việc ở khu cách ly rất cực nhọc
Bác sĩ làm việc ở khu cách ly rất cực nhọc

Đứa con gái ở xa thấp thỏm lo lắng. Dịch bệnh khó lường, bao nhiêu y bác sĩ khác trên thế giới cũng bị lây nhiễm đó thôi.

Con gái không dám gọi cho mẹ vì sợ bà không có thời gian nghe máy, chưa kể việc phải đóng nguyên bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân cũng khiến người mặc không thoải mái nói chuyện. Thế là em tôi chỉ khẽ khàng nhắn vài cái tin ngắn, đại ý: mẹ phải cẩn thận, gìn giữ sức khỏe vì mẹ là báu vật của cả nhà.

Đứa con gái lớn đã lập gia đình, để tiện chăm sóc cho ba và bà nội đã mang cả con trai lẫn chồng về nhà ngoại làm việc ở nhà. Hai mẹ con vốn khắc khẩu nên chẳng mấy khi ở chung mà không xảy ra tranh cãi. Chỉ có lần này, con gái ước mẹ ở nhà để được mẹ đánh lên vai mấy cái, la rầy mấy câu mỗi khi cô làm gì không đúng quy định của mẹ.

Còn ba cô giấu nỗi lo vào trong tim, cứ cà khịa, giỡn vui mỗi khi mẹ gọi về nhà nhắc nhở. Ông nói: “Để mẹ yên tâm mà chống dịch, việc dỗ bà nội ăn ngủ, tắm rửa cho bà, ba sẽ lo thay mẹ”. 

Một người quen của tôi bên Anh cũng là điều dưỡng. Chị kể những ngày phải chống chọi với hàng trăm bệnh nhân mới vào viện thật khủng khiếp. Ăn chẳng có thời gian, uống nước lại càng khó khăn hơn. Bộ đồ bảo hộ bọc lấy tấm thân bé xíu vốn đã gầy nay còn gầy hơn của chị khiến mồ hôi cứ đổ ra rồi thấm vào cơ thể không ngừng.

Việc giữ cho chính mình còn sức, còn tươi tỉnh để chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân trở nên khó khăn muôn phần. Những lúc tinh thần lẫn cơ thể tưởng chừng đổ sụp thì chị lại lật tin nhắn của chồng con ra xem. 

Mấy mẩu giấy con con báo cáo chuyện nhà, làm mắt chị đỏ hoe, cay xè nhưng miệng lại nở nụ cười.

Dù đó chỉ là kể lể thành tích giản đơn như: em Cún đã thôi khóc đêm, mỗi bữa ăn hết thức ăn trên khay, em Bơ giúp bố đổ rác, bố nướng gà lần thứ ba đã không còn cháy nữa, xấp phiếu quà tặng tự chế là 30 phút massage chân, lưng cho mẹ, thơm má 10 cái kèm bữa ăn sáng tận giường…

Chị hiểu, cả nhà đang cố gắng làm tốt phần việc chăm sóc bản thân, chăm sóc nhau để mẹ an tâm công tác.

Những mong mỏi giản đơn

Mẹ một người bạn tôi, năm nay đã hơn 70 tuổi, vẫn đáp lại lời kêu gọi các cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tham gia chống dịch.

Bà tuy mắt không còn tinh tường nhưng có thể truyền đạt, hướng dẫn các thực tập sinh, các sinh viên trường y những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm để cùng nhau dập dịch. Con cái ban đầu cũng vì thương mẹ mà muốn khuyên bà nghĩ lại, nhưng sau rồi cũng thuận theo mong muốn cống hiến của bà. 

Cô tôi thường nói: “Làm nghề y, mỗi nhân viên y tế đều mang tâm thế chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả”. Khi COVID-19 mới xuất hiện, cả gia đình phải chấp nhận thêm sự kỳ thị của người khác.

Hàng xóm xung quanh từ ngày có dịch bỗng tỏ thái độ dè chừng vì cho rằng người làm trong ngành y tế có nhiều nguy cơ lây nhiễm do phải tiếp xúc với người bệnh hoặc các ca nghi nhiễm. Ừ thì đành rằng giữ khoảng cách an toàn là tốt, đeo khẩu trang và rửa tay là chuyện nên làm nhưng thái độ đó cũng khiến người nhà đau lòng. 

Dẫu biết là quốc gia cần nên hơn lúc nào hết đội ngũ nhân viên y tế, cả sinh viên các trường y năm thứ 3, 4 đã phải tham gia chống dịch, nhưng cũng sẽ có lúc ai đó chỉ thầm mong người nhà mình không phải ra tiền tuyến, được an ổn nhốt mình trong nhà như người thường thôi.

Người nhà của những nhân viên y tế chỉ mong sớm được ngồi bên mâm cơm vui đùa cười nói cùng mẹ, cha, anh chị của mình.

Những ngày làm việc liên tục, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ chợp mắt nơi bậc thềm để lấy sức
Những ngày làm việc liên tục, các bác sĩ trẻ phải tranh thủ chợp mắt nơi bậc thềm để lấy sức

Nhóm y, bác sĩ không ai biết trước ngày hôm nay đi làm, hết ca có được về nhà hay không, cần sẵn sàng cho tình huống cách ly khẩn cấp.

Dù luôn xác định nguy cơ hiện hữu nhưng khi sự việc xảy ra thì cũng khó tránh tâm trạng bất an, bởi mỗi người đều có một gia đình để chăm sóc, trách nhiệm phải gánh vác sao cho chu toàn. 

Nhiều câu chuyện được kể riêng cho nhau nghe mà xót xa. Họ không một lời kêu ca, dù thật sự rất vất vả, họ chỉ mong mọi người hợp tác trong việc thực hiện các quy định về an toàn, trong lúc phải lấy mẫu cộng đồng.

Họ đã phải làm việc liên tục, nhịn ăn nhịn uống để kịp tiến độ, để đảm bảo an toàn dịch tễ trong khi người cần tầm soát chỉ cần chịu khó một chút, kiên nhẫn hơn một chút.

Đừng khó chịu, đừng la ó, đừng buông những lời khó nghe vì họ cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, dù có ý chí kiên cường nhưng cũng dễ bị tổn thương, đặc biệt trong tình trạng làm việc căng thẳng và mệt mỏi, rất khó kiểm soát cảm xúc như thế này.

Vậy nên, chỉ mong dịch sẽ sớm qua đi để ai cũng được đoàn tụ với gia đình. 

Cẩm Phô

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI