Người thân nằm bệnh, một trời thương yêu: Bùa hộ mệnh của tôi

29/09/2017 - 12:05

PNO - Ngày tôi xuất viện với tình trạng liệt nửa người, Út đưa tôi về nhà em chăm sóc. Út hay đùa: “Cũng may Út chỉ có một bà chị, chứ mẹ mà sinh bốn bà chị, chắc Út chết”.

Khi tôi nằm trên băng ca cấp cứu sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, vẫn có người túc trực chờ tôi mở mắt để nói lời động viên: “Rồi em sẽ khỏe, đã có anh đây”, nhưng chỉ nửa năm sau, hầu như mọi người đã quên tôi. 

May thay, tôi còn vài người bạn thân cuối tuần đưa tôi ra ngoài “đổi gió” và còn có Út túc trực mỗi ngày. Út là tấm "bùa hộ mệnh" của tôi, chăm sóc cho tôi và làm người giữ cửa, sẵn sàng làm “mụ phù thủy” đối với những ai gây tổn thương tôi... 

Nguoi than nam benh, mot troi thuong yeu: Bùa họ mẹnh cua toi
Cô em gái Mai Sương vừa chăm sóc người chị nằm một chỗ, vừa cặm cụi may vá để lo chi phí chữa bệnh cho chị

Út là em gái kém tôi bảy tuổi, bình thường chúng tôi nói chuyện tưng tửng đùa vui, chọc ghẹo nhau chứ ít khi tâm sự, chia sẻ. Khi tôi nằm viện, Út trực ca tối để mẹ tôi được về nhà ngủ, trưa Út phải về nhà vẽ mẫu cho khách duyệt, cắt may, giao đồ cho khách vì lỡ ký hợp đồng trước đó (em tôi có một tiệm may nhỏ).

Út kể có những hôm thức trông tôi, em quá đuối, đến mức lơ ngơ đi lạc gần nửa tiếng trong bệnh viện mới tìm được đường ra bãi lấy xe. 

Rồi cũng đến ngày tôi xuất viện với tình trạng liệt nửa người, Út đưa tôi về nhà em chăm sóc. Út hay đùa: “Cũng may Út chỉ có một bà chị, chứ mẹ mà sinh bốn bà chị, chắc Út chết”.

Quả thực, chăm sóc một người đang khỏe mạnh bỗng chốc nằm liệt thì áp lực ghê gớm, ăn tôi cũng gọi “Út ơi”, đánh răng, rửa mặt cũng gọi “Út ơi”, tắm, cắt móng tay cũng gọi “Út ơi”, thậm chí nằm nhiều không vận động khiến khó đi tiêu tiểu cũng phải gọi “Út ơi”... Có lẽ “Út ơi” là từ thường trực trên môi tôi bởi người bệnh rất sợ phải ở một mình. 

Út loay hoay lo cho chị hết ngày. Út còn trẻ nhưng không được đi chơi, không hẹn hò. Tôi biết em căng thẳng vì nuôi chị bệnh, nhưng chẳng dám bỏ đi chơi một hai hôm cho khuây khỏa, vì Út đi thì ai lo cho chị ăn, ai tắm cho chị, chị ở nhà một mình lỡ có chuyện gì thì sao...

Chăm trẻ con, ngoài lúc quấy khóc, đòi ăn thì chúng còn chơi đùa vui vẻ, còn người bệnh thì tâm lý khó chịu, suốt ngày nhăn nhó, quàu quạu, dù tôi chẳng cố tình như thế. Những lúc tôi nóng nảy vô lý, Út phải nhịn, cũng có vài lần nhịn hết nổi, em tôi cũng gào lên. Nhưng rồi thì nàng cũng chẳng giận tôi lâu được.

Không chỉ chăm lo cho tôi, Út còn phải gánh một phần chi phí chữa trị. Ngoài thuốc còn phải châm cứu, tập vật lý trị liệu, thủy lực trị liệu... Sau gần nửa năm tập thủy lực ở hồ bởi trong khách sạn, tôi thấy tốn kém quá nên quyết định sang hồ bơi gần nhà với chi phí chỉ bằng 1/7, nhưng nước và khu vệ sinh bẩn.

Út nói: “Thảm vậy, để Út ráng làm kiếm tiền cho chị đi hồ bơi 5 sao”. Út đi cùng tôi vượt qua bệnh tật và Út muốn cho tôi đi bằng phương tiện tốt nhất, mặc dù bản thân Út chưa bao giờ được bước chân xuống hồ bơi 5 sao. 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI