Người tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ nông thôn

01/04/2024 - 06:43

PNO - Thấy chị em phụ nữ nông thôn phải đi các tỉnh xa kiếm việc làm, chị Nguyễn Kim Liên (xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) đã học nghề đan lục bình rồi về thành lập hợp tác xã để giúp chị em có việc làm lúc nông nhàn.

Do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quá thấp, lại thiếu việc làm nên Chi hội Phụ nữ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình đã giới thiệu chị Phạm Thị Giang tham gia lớp dạy nghề đan lục bình do chị Nguyễn Kim Liên tổ chức.

Học xong, chị Giang được giao làm nhiều sản phẩm như thảm lục bình, dép lục bình, sọt, rổ, khay, chậu hoa, giỏ xách… với tiền công từ 8.000-20.000 đồng/sản phẩm.

“Hôm nào rảnh rỗi, tập trung đan cả ngày thì kiếm được 150.000-200.000 đồng. Làm ít cũng được 100.000 đồng. Thấy công việc dễ làm, lại làm trong mát, nên chồng tôi cũng phụ làm. Nhờ đó mà thu nhập cũng khá, có đồng ra đồng vô chi tiêu hằng ngày” - chị Giang tâm sự.

Gần đó, bà Huỳnh Thị Lai cũng tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan các sản phẩm lục bình, mỗi tháng kiếm thêm đôi ba triệu đồng. Anh Lâm Thanh Phèn - con trai bà Lai - khiếm khuyết đôi chân, cũng học và làm nghề để có thu nhập.

Rất đông khách tham quan và chọn mua các sản phẩm thủ công của Hợp tác xã Hương Liên
Rất đông khách tham quan và chọn mua các sản phẩm thủ công của Hợp tác xã Hương Liên

Đưa chúng tôi đi thăm các chị em là thành viên của Hợp tác xã Hương Liên, chị Kim Liên kể, khu vực thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) và các huyện lân cận như Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) là vùng đất phèn trũng, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trước đây lục bình mọc đầy sông gây cản trở lưu thông đường thủy.

6 năm trước, chị Kim Liên được người chị rủ đi học nghề đan lục bình do các doanh nghiệp bên Hậu Giang qua hướng dẫn. Học xong, chị thấy nghề này có thể tạo việc làm và thu nhập cho chị em nông thôn, sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ngay tại địa phương để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, nên chị đã đầu tư thành lập tổ hợp tác và vận động nhiều phụ nữ cùng tham gia làm sản phẩm khi nhàn rỗi.

Sản phẩm hoàn thiện, chị Kim Liên tìm cách quảng bá và đưa hàng đến người tiêu dùng và xuất khẩu. Vừa làm vừa học hỏi và tích cực đầu tư, đến tháng 1/2023, được sự bảo trợ của Hội LHPN xã Mỹ Bình cùng các ngành chức năng, chị Kim Liên cho ra mắt Hợp tác xã Hương Liên do chị làm giám đốc.

Chị Kim Liên thông tin, đến nay hợp tác xã đã tạo việc làm cho hơn 320 chị em, không chỉ ở thị xã Ngã Năm mà còn ở các địa phương lân cận của tỉnh Bạc Liêu với số lượng cung ứng ra thị trường từ 40.000-50.000 sản phẩm/tháng.

Hợp tác xã cũng đón nhiều đoàn đến thăm, tìm hiểu. Họ nhận xét, đây là một nghề thủ công cần được duy trì, khuyến khích phát triển, bởi phụ nữ, nam giới, người già, người trẻ đều làm được, làm mọi lúc và làm quanh năm để kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, hợp tác xã tiếp tục mở các lớp đan lục bình và hỗ trợ tư vấn miễn phí cho tất cả chị em xa gần, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho chị em, giảm tình trạng bỏ quê đi lao động xa…

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho hay, các mô hình phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ tạo ra sản phẩm từ những tài nguyên bản địa… luôn được khuyến khích phát triển và nhân rộng. Về việc này, Hợp tác xã Hương Liên đã làm rất tốt, huy động được nhiều phụ nữ nông thôn tham gia.

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI