Ngày 15/9, chia sẻ với báo Phụ Nữ TPHCM, bà Nguyễn Ánh Kim (sinh năm 1966, ở tổ 12 Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, mình là một trong số hàng chục nạn nhân của trò lừa "chuyển nhượng tạm thời" như báo đã phản ảnh trước đó.
|
Bà Kim chỉ vào ngôi nhà từng là của mình |
Năm 2017, bà Kim được một người tên Nga giới thiệu là nhân viên ngân hàng, mời gọi bà vay tiền với lãi suất ưu đãi. Sau đó, Nga dẫn hai người là Nguyễn Hồng Mạnh (trú tại Yên Sở, Hà Nội) và Thu (chưa rõ thông tin) đến để làm thủ tục vay tiền. Vì nghĩ đây là nhân viên ngân hàng, bà Kim không nghi ngờ, sẵn sàng làm theo các hướng dẫn của những người này để được vay 1,2 tỷ đồng.
Để thế chấp cho khoản vay, Mạnh tư vấn cho bà Kim ký một bản hợp đồng tạm thời chuyển nhượng ngôi nhà vợ chồng bà đang ở, khi nào trả hết nợ thì sẽ trả lại sổ đỏ.
"Mấy hôm sau, Mạnh và Thu nhiều lần đưa người đến giới thiệu là nhân viên thẩm định của Ngân hàng. Nhưng khi tôi trả lời là không mua bán chuyển nhượng nhà cho ai thì họ bỏ về", bà Kim cho biết.
Một thời gian sau, bà Kim bất ngờ nhận được thông tin, sổ đỏ ngôi nhà mình đang ở đứng tên một người khác tên Nguyễn Đức Thế. Khi tìm hiểu thì bà tá hỏa ngôi nhà đã bị sang tên 2 lần trước khi được chuyển nhượng cho ông Thế.
Bất ngờ hơn nữa, ngôi nhà này lại được ông Thế và vợ là Trần Thị Thủy (trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đem đi thế chấp cho Ngân hàng TMCP Á Châu để lấy hơn 5 tỷ đồng theo thẻ tín dụng.
Biết mình bị lừa, bà Kim nhiều lần liên hệ với Mạnh để giải quyết nhưng người này liên tục lảng tránh. Vụ việc sau đó được bà trình báo Công an quận Long Biên.
Tuy nhiên, khi vụ việc còn chưa được làm rõ, vào ngày 24/2/2020, Chi cục Thi hành án dân sự quận Long Biên đã ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất đối với ngôi nhà gia đình bà Kim đang ở. Bà Kim đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị tạm đình chỉ thi hành án (trước đó giữa ngân hàng ACB và ông Thế). Đồng thời yêu cầu dừng việc kê biên tài sản cưỡng chế.
|
Bà Kim treo lời cảnh báo trước cửa ngôi nhà đã bị cưỡng chế của mình |
"Dù người đứng tên hiện tại là ông Thế, nhưng tôi chưa từng gặp mặt bao giờ. Trước đó tôi chỉ giao dịch với ông Mạnh nhưng đã bị lừa mà không thể liên lạc được. Khi có lệnh cưỡng chế, tôi đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ. Hiện tại, gia đình tôi phải đi huê nhà ở và còn bị nhiều lời ra tiếng vào của gia đình, họ hàng", bà Kim bức xúc.
Ngày 16/7/2020, văn bản trả lời số 144 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên gửi cho bà Kim cho biết, sau khi nhận đơn thư tố giác tội phạm, Công an đã liên hệ triệu tập Nguyễn Hồng Mạnh lên làm việc. Tuy nhiên, hiện tại Mạnh đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú vì vậy chưa thể giải quyết.
Cơ quan điều tra cũng triệu tập vợ chồng ông Nguyễn Đức Thế là người liên quan, nhưng vợ chồng ông Thế cũng chưa đến. Về phía Ngân hàng TMCP Á Châu, đến thời điểm trả lời bà Kim, ngân hàng này vẫn chưa cung cấp cho công an hồ sơ thế chấp thửa đất.
Người tai biến, kẻ thần kinh vì sốc nặng sau khi mất nhà
Là một nạn nhân khác của trò lừa này, ngôi nhà của bà Lê Thị Th. (trú tại phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội) hiện cũng bị các đối tượng lừa chuyển nhượng rồi sang tên cho người khác sau đó thế chấp lấy 3,6 tỷ tại ngân hàng VPbank.
|
Bà Th. phải chịu nhiều cay đắng do làm mất nhà sau khi bị lừa |
Dẫn phóng viên đến ngôi nhà cũ mình vừa phải giao lại cho người được phát mại sau quyết định của tòa án, bà Th. cay đắng thừa nhận mình có vay 1,2 tỷ đồng của một người tên Trang. Người này tự xưng là nhân viên ngân hàng, sau đó hướng dẫn bà ký vào một số giấy tờ với lời giải thích, đây chỉ là một hợp đồng mua bán giả, tạm thời để Trang có thể vay hộ tiền.
"Tại đây, Trang có viết cho tôi một văn bản ghi lại việc tạm thời làm hợp đồng chuyển nhượng. Sau đó cô ấy dẫn một người đến thẩm định nhà đất và đuổi vợ chồng tôi ra, dặn không nói gì để cho người thẩm định làm việc", bà Th. kể.
Chỉ đến khi một nhân viên của ngân hàng VPbank đến thông báo, ngôi nhà đã đứng tên một người tên Hà để vay tiền, lúc đó vợ chồng bà Th. mới biết mình đã bị lừa. Sau này khi tìm hiểu, bà Th. mới biết nhiều người khác trong khu vực quận Long Biên, Gia Lâm đều bị lừa bằng trò chuyển nhượng đất tạm thời này.
Chồng bà Th. do quá uất ức nên đã phát bệnh tai biến nằm liệt giường. Bà Th. cũng bị con cái, anh chị em trong nhà chì chiết vì việc bị lừa mất trắng ngôi nhà một cách không ai ngờ tới.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Bắc cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vì uất ức bị rơi vào trò lừa của các đối tượng lừa đảo, chồng của bà Bắc đã phát bệnh thần kinh, lúc tỉnh lúc mê, khiến gia đình của bà này càng thêm gánh nặng.
Theo thông báo số 994 của Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên tiếp nhận đơn thư tố giác của nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn quận. Các công dân này tố giác một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay tiền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Theo đó, nội dung kết quả xác minh của cơ quan điều tra có nêu: "Nội dung vụ việc của các cá nhân đứng tên tố cáo nêu trên đều xuất phát từ nhu cầu vay tiền để tham gia đầu tư kinh doanh theo mô hình 'kinh doanh đa cấp' với công ty Thiên Ngọc Minh Uy nên đã tự nguyện ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (có công chứng); các cam kết giữa ông, bà với người môi giới, bên nhận chuyển nhượng về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thời hạn 3 đến 5 năm là cam kết, thỏa thuận dân sự".
|
An Vũ