Người “sống lâu trăm tuổi” đang tăng lên

07/11/2023 - 06:00

PNO - Người già trên 100 tuổi luôn được xem là một nhóm dân số tương đối nhỏ. Nhưng những năm gần đây, những người sống trăm tuổi đang tăng lên.

Theo thống kê, năm 2015, thế giới có hơn 450.000 người trên 100 tuổi, gấp hơn 4 lần so với năm 1990. Con số này được dự đoán sẽ lên đến 3,7 triệu người trên toàn cầu vào năm 2050. Nhật Bản và Hoa Kỳ là 2 quốc gia công bố mỗi năm đều có sự gia tăng những người sống trên 100 tuổi. Giữa tháng 9, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết nước này có tổng cộng 92.139 người trên 100 tuổi. Trong đó, có đến 81.589 người, tức 88,5% số người trên 100 tuổi, là phụ nữ. Tại Mỹ, có hơn 97.000 người hiện đang trên 100 tuổi.Nhật Bản và Mỹ là 2 quốc gia có sự gia tăng những người sống trên 100 tuổi hằng năm. Giữa tháng Chín, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, nước này có tổng cộng 92.139 người trên 100 tuổi. Trong đó, có đến 81.589 người (88,5%) trên 100 tuổi là phụ nữ. Tại Mỹ, có hơn 97.000 người hiện đang trên 100 tuổi.

Các chuyên gia về tuổi thọ đã nghiên cứu về những người sống trăm tuổi và cho biết: việc duy trì các sở thích, công việc hằng ngày, gia đình và bạn bè mang lại lợi ích to lớn cho khả năng sống thọ của họ. Những khu vực trên thế giới được gọi là “vùng xanh” là nơi nhiều người sống lâu nhất gồm các đảo Sardinia (Ý), Okinawa (Nhật Bản), Ikaria (Hy Lạp), Loma Linda (California - Mỹ) và bán đảo Nicoya ở Costa Rica…

Bà Iris Apfel (110 tuổi) được xem là một biểu tượng thời trang - Nguồn ảnh: Daily Mail
Bà Iris Apfel (110 tuổi) được xem là một biểu tượng thời trang - Nguồn ảnh: Daily Mail

Di truyền được xem là yếu tố quan trọng trong khả năng một người có thể đạt tới 100 tuổi. S. Jay Olshansky - giáo sư y tế công cộng tại Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ) - nói: “Bạn không thể sống lâu nếu không may mắn có được di truyền. Nhưng có rất nhiều yếu tố mà một người có thể áp dụng để giúp họ kéo dài tuổi thọ và sức khỏe”.

Theo các nghiên cứu, điểm nổi bật nhất của những người sống trên 100 tuổi chính là ý thức mục đích trong từng công việc, lựa chọn của mình và tận hưởng cuộc sống. Nhà biên kịch người Mỹ Norma Barzman (102 tuổi) nói rằng niềm vui với những sở thích khác nhau đã giúp bà mở rộng tầm nhìn và có nhiều mối quan hệ cộng đồng hơn. “Tôi thấy những người lớn tuổi khác không làm gì nhiều và không quan tâm nhiều đến bất cứ điều gì, trong khi tôi thích nhìn thấy những điều mới mẻ”.

Bà Iris Apfel - 110 tuổi, được xem là “biểu tượng thời trang” - cho rằng niềm đam mê với công việc thiết kế và người mẫu đã giúp bà luôn nhanh nhẹn và khỏe mạnh: “Tôi luôn nói rằng việc đam mê các dự án của mình và đặt cả trái tim và tâm hồn vào chúng đã giữ cho tôi tươi trẻ”.

Bà Apfel cho biết, công việc trong lĩnh vực thời trang đầu tiên của bà bắt đầu khi ở tuổi 84. “Đối với tôi, tuổi tác chỉ là một con số. Đó là lý do tại sao tôi không ngừng làm việc. Triết lý của tôi là sống trong hiện tại. Ngày hôm qua đã qua rồi. Bạn không biết liệu có ngày mai hay không, vì vậy bạn có thể tận hưởng ngày hôm nay”.

Tiến sĩ Gladys McGarey (102 tuổi) đã viết một cuốn sách về bí quyết sống lâu. Trong đó, bà nói, ý thức về mục đích là chìa khóa. Theo bà, khi tìm ra được một sở thích, mục đích sống, người già sẽ tìm thấy cộng đồng của mình, đó là lý do rất quan trọng để sống lâu và khỏe mạnh. “Những người sống trăm tuổi luôn hòa hợp chặt chẽ với cộng đồng của họ, cho dù đó là nhà thờ hay quán cà phê địa phương”.

Ngoài ra, những người sống trên trăm tuổi khỏe mạnh thường ít để sự căng thẳng ảnh hưởng đến mình và ngủ nhiều giấc trong ngày. “Căng thẳng mạn tính sẽ dần tạo ra sự hao mòn trên cơ thể. Căng thẳng đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, lo lắng, mất ngủ, huyết áp cao và thậm chí là hệ thống miễn dịch suy yếu. Một phương pháp thực hành đặc biệt hữu ích và phù hợp với lứa tuổi được gọi là đối phó chủ động, giảm thiểu tác động của chúng.

Người lớn tuổi vốn đã giỏi trong việc chủ động ứng phó để giảm bớt căng thẳng sau này” - tiến sĩ Carolyn Aldwin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lão hóa khỏe mạnh tại Đại học bang Oregon - nói thêm.

Tiến sĩ Aldwin cho biết: “Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều năm với những người 80 tuổi ở San Francisco và phát hiện ra rằng, họ đã làm rất nhiều việc chủ động. Chẳng hạn nếu họ lái xe đến thành phố, họ sẽ vạch ra các tuyến đường đến những nơi cần phải đến hoặc nếu định đi du lịch, họ đến sân bay trước 1 ngày để chắc chắn rằng họ biết nên làm gì, làm thế nào để không trễ chuyến bay”.

Lệ Chi (theo Guardian, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI