Người say không biết mình say

18/07/2015 - 07:46

PNO - PN - Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và một công ty taxi vừa ký kết thực hiện mô hình thí điểm. Theo đó, khách hàng ăn uống nếu say sẽ được nhà hàng giữ xe giùm qua đêm, gọi taxi chở về nhà. Giai đoạn đầu tiên của dự án này...

Nghĩ đến tương lai ngồi xe taxi về, các bàn nhậu rộn ràng sôi nổi bàn tán. Vấn đề cốt lõi, ai là người có đủ thẩm quyền quyết định để đưa ra kết luận rằng anh A, anh B đã say? Đây là quyết định vô cùng khó khăn, vì trong cùng bàn nhậu có người uống có người không uống, uống cùng một lượng bia rượu có người say có người chưa say, gầy độ nhậu cùng một giờ có người quắc cần câu trước có người còn tỉnh táo tính tiếp tăng 2, tăng 3...

Nguoi say khong biet minh say

Chỉ có một đặc điểm chung là tất cả những người say đều không nhận là mình say. Quyết định bỏ lên xe taxi chở về thường phải là quyết định mang tính cưỡng bức. Ai sẽ đưa anh về? Đường về nhà quanh co xa lắm, khi say chạy xe về nhà theo… quán tính, bản năng, có khi quên cả đường về. Triển khai chương trình ở Đà Nẵng, đường taxi nó… ngắn, mai kia vô tới TP.HCM, từ quận này sang quận khác thì tiền taxi còn hơn mấy lần tiền nhậu, nhất là đối với những tay nhậu… ké, tiền đâu mà trả taxi?

Xem ra, mục tiêu tốt đẹp của chương trình: nhằm hình thành thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”, phần nào bị hiểu thành giải quyết một vấn nạn xã hội: nạn ăn nhậu đến mức nghiện ngập. Một thói quen không đẹp của cánh đàn ông đã làm hao tổn tâm trí của toàn xã hội, khiến cộng đồng phải nghĩ đến một chính sách chăm sóc riêng, như loại chính sách dành cho một đối tượng xã hội mang tính đặc biệt. Chẳng biết điều này có đánh động đến lòng tự trọng của cánh mày râu?

Vốn họ không phải là những đối tượng có khiếm khuyết về thể chất hay tinh thần - như người khuyết tật, hay trẻ em, người già, mà cần đến một chính sách đặc biệt. Họ là lực lượng lao động chính, là trụ cột của gia đình. Vậy mà khi có rượu bia vào, họ trở thành người... hỏng toàn tập, trở thành kẻ không chỉ gây hại cho mình mà còn gây hại cho người khác, đến mức cả xã hội phải xây dựng mô hình để chăm lo cho họ cũng là để giảm rủi ro cho mình.

Nghĩ cho cùng, đây cũng là một kiểu dị tật tinh thần, một kiểu khiếm khuyết về ý thức, không làm chủ được thói quen, hành vi. Bao nhiêu người vợ đã khổ vì chồng nhậu nhẹt, bao nhiêu gia đình đã tan nát vì chuyện chồng sớm xỉn chiều say. Một thói quen xấu đã hình thành ảnh hưởng đến cả lớp thanh niên, cứ hết giờ, cứ rảnh, là gầy bàn nhậu. Chất lượng giống nòi suy giảm từ đây. Vậy mà đâu phải đã hết, nay còn phải thu xếp giữ đồ, kêu xe đưa các bợm nhậu về nhà, quả là chuyện hi hữu, vô lý, mà xã hội phải đành.

Chắc chắn sau thời gian thí điểm, chủ trương này sẽ có chỗ đứng trong xã hội. Đầu tiên là an toàn giao thông, có thể sẽ bớt những tai nạn do người đã uống say, không làm chủ được phương tiện giao thông gây ra. Tiếp theo là những biện pháp mà nhà hàng phải thực thi để khuyến cáo khách hàng đừng “tới bến” đến không biết trời trăng mây nước gì nữa.

Phần trách nhiệm của nhà hàng cũng được đưa vào đạo đức kinh doanh, không phải cứ cố gắng khui thật nhiều chai mà không quan tâm đến hậu quả. Các bà vợ tất nhiên là cằn nhằn về khoản tiền taxi phải trả thêm, nhưng chắc là cũng bớt nỗi lo lắng thường xuyên. Nghĩ cho cùng, dù chưa phải là cách giải quyết tối ưu, giải quyết tận gốc rễ vấn đề, nhưng đây là cách làm mang tính hạn chế, giảm thiểu tác hại.

Thôi thì “khi yêu củ ấu cũng tròn”, taxi sẽ chở các đệ tử lưu linh về nhà. Lần một lần hai. Nhưng khi tỉnh rồi xin hãy thử nghĩ, rằng mình có lạm dụng tình yêu ấy quá không?

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI