1. Tối 27/3, chị Lê Thị Kim Chi, chủ một khu nhà trọ ở khu phố 3, P.An Phú, Q.2 đi gõ cửa cả 40 phòng để thông báo tiếp tục giảm tiền thuê phòng 500.000 đồng/phòng trong tháng Tư. Ngoài ra, chị còn xách theo mì gói, gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn để tặng các phòng. Nợ tiền trọ đã vài tháng, chủ không đòi mà nay còn giảm và tặng quà khiến chị Lê Thị Kim Phượng, 38 tuổi, lặng lẽ xúc động, cúi đầu.
Quê Bình Định, vô Sài Gòn làm công nhân dọn dẹp vệ sinh tại các công trình xây dựng, chị Phượng đã có thâm niên 10 năm ở trọ khu này. Chồng chị - anh Nguyễn Đức Trung, chạy xe chở hàng. Hai đứa con, bé lớp Sáu, bé lớp Ba. Tiền chợ, tiền trọ, tiền học cho con vốn phải “giật gấu vá vai”, chị Phượng lại bị u nang buồng trứng, thuốc thang liên miên. Đại dịch COVID-19 như sợi dây thòng lọng siết chặt thêm cuộc sống vốn đã khó thở nơi gia đình chị khi chồng không có đơn hàng để chạy, công việc của vợ cũng bấp bênh. “Cố lên nha em! Chỉ cần giữ được sức khỏe, qua đại dịch mình làm lại từ đầu”, chị Chi động viên.
Khu trọ của chị Chi hiện có khoảng 120 người đến từ các tỉnh miền Trung và miền Tây, đa phần làm công nhân ở các công trình xây dựng, công nhân vệ sinh, chạy xe ôm, cắt tóc, nhân viên văn phòng. Từ giữa tháng Ba, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều anh em tạm thời thất nghiệp, chị Chi đã giảm tiền thuê nhà 500.000 đồng/phòng. Chị chia sẻ: “Lo cho anh em lắm, không làm ra tiền, con cái gửi ông bà chăm, về quê không được mà ở lại thành phố cũng chẳng xong. Qua tháng Tư, để xem tình hình thế nào, tôi sẽ giảm thêm. Sẻ chia cho nhau là điều nên làm trong lúc này. Mong mọi người bình tĩnh cùng chung tay chống dịch”.
2. Bà chủ trọ Trần Thị Hiệp, ở khu phố 3, P.Bình An, Q.2 cũng quyết định giảm 50% giá thuê phòng (từ 2,5 - 3 triệu đồng/phòng/tháng) hoặc miễn hoàn toàn (trong trường hợp mọi người đều ở nhà) cho cả khu 15 phòng kể từ tháng Tư đến khi Chính phủ thông báo hết dịch. Đối với những cảnh đời tha hương nơi đất khách thì đây là một tin vui giữa trăm ngàn nỗi lo. Trước đó, chị cũng tặng mỗi phòng một thùng mì gói và trấn an mọi người rằng, từ tháng Tư, phòng nào không đủ nhu yếu phẩm, chị sẵn sàng hỗ trợ. Mẹ chồng chị Hiệp ở Q.9 cũng gọi điện dặn con dâu đừng để ai cảm thấy lạc lõng lúc này, nếu thiếu gạo, thiếu mắm thì con chạy về đây lấy chia sẻ cho mọi người. Tấm lòng của bà chủ trọ khiến chị Kiều Thị Hà, 44 tuổi, quê Thanh Hóa, xúc động: “Mẹ con tôi đều mất việc vì COVID-19. Trong lúc ngặt nghèo, được cô Hiệp giúp cho vầy, mừng dữ lắm”.
Là mẹ đơn thân, những ngày đầu ở trọ Sài Gòn, chị Hà loay hoay không biết làm gì kiếm tiền. Thấy vậy, chị Hiệp vừa khích lệ, vừa hỗ trợ một phần chi phí giúp chị Hà mua xe, đầu tư bán bún thịt nướng, bánh mì, bún xào. Sau tết Nguyên đán, lo lắng vì dịch bệnh, mẹ con chị Hà chuyển qua phụ bán quán trên đường Trần Não. Rồi dịch bệnh bùng phát toàn cầu, quán xá tại Sài Gòn đóng cửa, mẹ con chị chưa biết kiếm việc gì.
3. Chị em cô Trần Ngọc Tuyết - Trần Thị Nhung quản lý khu trọ 12 phòng ở tổ 5, khu phố 3C, P.Thạnh Lộc, Q.12. Ngày cuối tuần, khu nhà trọ không còn rộn ràng tiếng cười nói như thường lệ. Tất cả các phòng đều đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng mới có người ló đầu qua cửa sổ khi nghe cô Tuyết hỏi vọng vào: “Các cháu có khẩu trang, nước rửa tay chưa?”. Khu này chủ yếu là công nhân, giáo viên và vài bạn sinh viên ở ghép với nhau. Sau tết Nguyên đán, trường thông báo nghỉ học, các bạn trụ lại Sài Gòn để đi làm thêm kiếm ít tiền trang trải, nhưng chẳng được mấy ngày thì hàng quán đóng cửa. “Giá cho thuê phòng là 1,4 triệu đồng. Phòng sinh viên cô không lấy tiền. Các phòng còn lại giảm 200.000 đồng tháng Tư, 400.000 đồng tháng Năm. Khó khăn quá thì cứ nói với chị em cô, đừng ngại”, cô Tuyết dặn lúc mang khẩu trang và nước rửa tay cho mọi người. Nghe thông báo, chị Nguyễn Thị Hà, 30 tuổi, giáo viên cấp II, quê Hà Nam bật tung cửa sổ, hỏi dồn “Thiệt ha cô, con mừng quá, bữa giờ con stress thật sự”.
Chị em bà Trần Ngọc Tuyết (trái) - Trần Thị Nhung quyết định tiếp tục giảm giá tiền phòng cho người thuê trọ trong những tháng tới
Như nhiều gia đình nhập cư khác, vợ chồng chị Dương Thị Hải Âu, quê Trà Vinh cũng lao đao vì COVID-19. Chồng chạy xe chở hàng, vợ làm công nhân nuôi hai con lớp Bốn và mẫu giáo. Hơn một tháng nay, chị Hải Âu mất việc, còn chồng cũng ở nhà phần lớn thời gian. Thấy cô Nhung có chiếc xe đạp cũ, chị Hải Âu rụt rè hỏi mượn chạy bán vé số, cô bảo lấy xài luôn đi. Nhưng ý tưởng vừa mới manh nha đã bị chặn lại, bởi từ ngày 1/4, vé số cũng ngưng phát hành. Tiếng thở dài kìm nén bấy lâu, nay bật ra hòa vào nước mắt. “Ráng lên em, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi” - cô Nhung trấn an chị Hải Âu.
Chị em cô Nhung - cô Tuyết mới bàn với nhau, sắp tới sẽ tiếp tục giảm tiền phòng dù họ vẫn đang còn nợ tiền đầu tư.
Ở Sài Gòn không thiếu những nữ chủ trọ hào hiệp, nghĩa tình như chị Chi, chị Hiệp và hai chị em cô Nhung, cô Tuyết. Các chị, các cô đang kề vai sát cánh, chia sẻ khó khăn với những người lao động đang thuê phòng trọ. Tại P.Tân Thuận Đông, Q.7, chị Ánh Tuyết khiến cả khu trọ 68 phòng ấm lòng khi thông báo giảm tiền thuê 500.000 đồng/phòng trong tháng Tư và tháng Năm. Tại Q.Thủ Đức, bà Trịnh Kết Hoa, ở P.Linh Tây giảm 500.000 đồng/phòng cho 24 phòng trọ. Còn tại P.Bình Chiểu, ba nữ chủ nhà trọ Ngô Thị Bích Thảo, Trần Thị Minh, Nguyễn Thị Nữ đã giảm từ 500.000 - 650.000 đồng/phòng kể từ tháng Ba cho đến khi dịch hoàn toàn bị đẩy lùi. Còn tại Q.2, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ quận, cho biết, các thành viên các câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ trên địa bàn đều đang dốc sức chia sẻ khó khăn với người lao động. Bên cạnh việc đồng loạt giảm giá thuê phòng từ 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng, các chị còn tặng gạo, mì, xà phòng, khẩu trang, nước rửa tay. Ngoài ra, các chị còn đồng hành với Hội trong việc nấu cơm, làm nước giải khát, mua quà tiếp sức đội ngũ nhân viên y tế, bộ đội và tình nguyện viên làm nhiệm vụ tại khu cách ly và các chung cư bị phong tỏa.
Món quà bất ngờ
Sáng hôm qua, 31/3, nhận phần quà gồm thùng mì, 10kg gạo, đường, sữa, bánh, nước tương, nước mắm từ một người lạ là chị Nguyễn Thị Phương - chủ một doanh nghiệp trên địa bàn H.Hóc Môn, chị Nguyễn Thị Tứ, khiếm thị, bán vé số dạo, rưng rưng.
Chị Tứ nói: “Người sài gòn tốt đến bất ngờ. Hai ngày nay, chưa tới 10g sáng, tôi đã bán hết vé số, ai cũng mua giúp tôi cả chục tờ rồi còn kêu tôi bán nhanh rồi về nghỉ, đừng đi nhiều, mắc vi-rút nguy hiểm lắm. Bây giờ tôi lại được cho quà”.
Sáng 31/3, tại Q.6, chị em cán bộ hội viên phụ nữ đã trao 55 suất quà cho những gia đình người mù, người khuyết tật làm các nghề lao động phổ thông, bán vé số. Mỗi phần quà gồm các nhu yếu phẩm trị giá 400.000 đồng và 100.000 đồng tiền mặt.
Chị Tứ ở trọ tại ấp Mỹ Huề, xã Tân Xuân, H. Hóc Môn cùng chồng và hai con nhỏ. Mười năm trước, chị từ Mộ Đức, Quảng Ngãi vào TP.HCM kiếm sống và gặp chồng, một phu khuân vác tại chợ đầu mối nông sản Tân Xuân. Nhưng sức khỏe chồng chị kém, nay yếu mai đau nên thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/ tháng, tằn tiện lo cho hai đứa con ăn học và trả tiền trọ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Vé số tạm ngừng phát hành, chị Tứ sẽ thất nghiệp, đang bối rối không biết phải làm sao để có cái ăn trong những ngày sắp tới thì chị bất ngờ nhận được quà của chị Phương.
Đáng quý hơn nữa là doanh nghiệp của chị Phương cũng đã phải đóng cửa từ hai tuần nay do không có đơn hàng mới, tuần trước chị đã phải hỗ trợ công nhân, nhưng tuần này vẫn lo 40 phần quà cho những người buôn bán dạo khắp các chợ ở H.Hóc Môn.
Cùng với suy nghĩ của chị Phương, bà Ngọc Bích - chủ một cơ sở may khác cũng gửi 400 cái khẩu trang, chị Lan Anh - chủ một shop thời trang cũng gửi một triệu đồng để cùng chăm lo.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.