1. Hội hoa xuân công viên Tao Đàn
|
Hội hoa xuân công viên Tao Đàn (quận 10) từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của TP.HCM khi xuân về, là dịp giao lưu giữa các nhà vườn, nghệ nhân hoa kiểng trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm của mình, cũng là dịp để người dân thành phố có cơ hội chiêm ngưỡng các giống cây trồng đẹp mắt, độc đáo.
|
|
Năm nay, hội hoa khai mạc từ tối 22/1 (25 tháng Chạp) và kéo dài đến hết mùng 6 Tết. Tương tự mọi năm, hội hoa xuân vẫn có các bộ sưu tập hoa, kiểng, tiểu cảnh, non bộ mới lạ, phong phú, đặc biệt là bộ sưu tập hoa lan rừng với nhiều loại quý hiếm, một số bộ sưu tập lần đầu xuất hiện như đỗ quyên, cúc tần, bông xanh.
Hoa xuân công viên Tao Đàn là hội chợ hoa xuân lớn nhất TP.HCM, cũng được kỳ vọng là nơi quy tụ nhiều loại hoa nhất. Giá vào Hội hoa xuân Tao Đàn năm nay là 30.000 đồng/người. |
2. Chợ hoa Công viên 23/9
|
Nếu hội hoa xuân tại công viên Tao Đàn là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật về hoa cảnh ở TP.HCM, thì chợ hoa trong công viên 23/9 là nơi bày bán nhiều loại hoa dịp Tết. Công viên 23/9 chạy dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 là địa điểm đẹp, nằm ngay trung tâm để người dân tới du xuân và mua sắm cây cảnh cho dịp Tết. Chợ hoa công viên 23/9 cũng là chợ hoa cấp thành phố mỗi dịp Tết đến. |
3. Chợ hoa Phú Mỹ Hưng
|
Chợ hoa Phú Mỹ Hưng (quận 7) được xem là chợ hoa của nhà giàu vì hội tụ nhiều loại “kỳ hoa dị thảo” ở phía Nam thành phố. Các nhà vườn đem đến nhiều cây kiểng độc lạ như gốc lêkima hàng chục năm tuổi tạo dáng bonsai giá tầm 90 triệu đồng, mai non bộ với mức giá 800 triệu đồng... Gây tranh cãi nhất là cặp khế cổ thụ 300 năm tuổi được chủ nhân định giá 12 tỷ đồng. Năm nay, chợ Hoa xuân Phú Mỹ Hưng sẽ có khoảng 55.000 cây hoa các loại. Ngoài những loài hoa trái quen thuộc, tại đây còn có cánh đồng hoa cải và hoa hướng dương để mọi người chụp ảnh.
|
4. Chợ hoa Bến Bình Đông
|
Bến Bình Đông (quận 8) là chợ hoa “trên bến dưới thuyền” duy nhất của TP.HCM. Đa số hoa kiểng ở chợ được vận chuyển bằng thuyền từ miền Tây lên và bán trên thuyền, nhìn như những vườn hoa giữa sông. Tuy không phong phú về chủng loại hoa như nhiều chợ khác nhưng hoa ở đây rất tươi và khung cảnh sông nước độc đáo nên thu hút được rất nhiều khách đến mua sắm và tham quan.
|
5. Chợ hoa Đầm Sen
|
Chợ nằm trên đường Nguyễn Văn Phú (quận 11) với một mái vòm lớn bao bọc toàn thể khu chợ. Chợ hoa Đầm Sen đa dạng tất cả mặt hàng hoa, từ hồng, cúc, phong lan, có cả loại hoa đặc biệt của Hà Lan như tulip, những loài hoa quý hiếm như thiên điểu, cát tường, thủy tiên… Cũng như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen là điểm trung chuyển, mua bán hoa từ các tỉnh phía Bắc, miền Tây và hoa nhập từ nước ngoài.
Chợ hoạt động nhộn nhịp nhất từ 12h đêm đến 7h sáng, mỗi ngày cung cấp cho các nơi khoảng 40 tấn hoa tươi. Vào dịp lễ, Tết, lượng hoa bán ra có thể lên tới hàng trăm tấn.
|
6. Chợ hoa công viên Làng hoa
|
Chợ hoa công viên Làng hoa (Gò Vấp) tổ chức trong 7 ngày, từ ngày 21/1 đến ngày 27/1 tại Công viên Làng hoa Gò Vấp (ngã tư đường Lê Văn Thọ - Cây Trâm và tuyến đường Phạm Huy Thông). Chợ có 373 lô, chủ yếu trưng bày, bán các loại hoa, cây kiểng, bonsai và rau quả từ các nhà vườn truyền thống trong quận.
|
7. Chợ hoa Bình Điền
|
Chợ hoa xuân Bình Điền (quận 8) năm nay có 222 gian kinh doanh các loại hoa Tết của các nhà vườn đến từ huyện Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), hoa Đà Lạt và TP.HCM. Đây cũng là chợ đầu mối hoa lớn của TP.HCM, trong tương lai còn là điểm kinh doanh hoa tươi tập trung lớn nhất thành phố, khi tiểu thương 2 chợ hoa sỉ trong nội thành (Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen) được giải tỏa, dời về.
|
8. Chợ hoa Gia Định
|
Chợ hoa Công viên Gia Định (Phú Nhuận) cũng là chợ hoa được tổ chức với quy mô cấp thành phố mỗi dịp Tết đến. Nơi đây có hơn 400 lô kinh doanh hoa Tết, có giá thuê từ 2-2,5 triệu cho mỗi gian hàng trưng bày và buôn bán các loại hoa kiểng, mai vàng và các loại hoa quả ghép cành khác như thanh long, bưởi, cam, phật thủ… |
9. Làng mai Bình Lợi, Thủ Đức
|
Làng mai Bình Lợi (Thủ Đức) có đặc trưng là phần nhiều bày bán mai và bonsa. Đây nơi trồng mai lớn nhất thành phố nên cũng phát triển nhiều dịch vụ đi kèm. Ngoài “mua đứt bán đoạn”, ở đây còn cho thuê mai dịp lễ Tết, chăm sóc mai sau Tết… với đa dạng hình thể như mai ghép, mai thế… Làng mai Bình Lợi vẫn nhộn nhịp vì ngoài các hộ dân thì nơi đây có lượng lớn khách hàng là các doanh nghiệp có nhu cầu mua mai làm quà biếu hay trang trí văn phòng, cao ốc…
|
10. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ
|
Chợ đầu mối hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) là chợ hoa lâu đời của TP.HCM, bán liên tục 24/24 giờ. Ở đây có rất nhiều loại hoa tươi phong phú về chủng loại, đa dạng về màu sắc, từ những loại hoa quen thuộc như: hoa hồng, hoa lan, ly, hoa sen, hoa cúc, hướng dương… đến các loại hoa dân dã như chuối rừng, chuối pháo, chuối lửa… hoặc các loài hoa nhập khẩu từ phương Tây. Tuy nhiên do diện tích chợ nhỏ lại tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc của quận 10 nên những ngày cao điểm thường xảy ra ùn tắc.
|
11. Chợ hoa công viên Lê Văn Tám
|
Chợ hoa công viên Lê Văn Tám (quận 1) là một trong ba chợ hoa lớn nhất cấp thành phố cùng với chợ hoa công viên Gia Định và chợ hoa công viên 23/9. Năm nay chợ có 120 gian hàng bán các loại hoa kiểng. Nếu như chợ hoa công viên Gia Định là nơi tập kết đào xứ lạnh thì chợ hoa công viên Lê Văn Tám chính là địa điểm của quất kiểng đủ loại, đa dạng giá. Chợ mở cửa từ 23 tháng Chạp và sẽ dọn dẹp, trả lại mặt bằng cho du khách vui chơi Tết vào trưa 30 tháng Chạp. |
Tết Đinh Dậu 2017, TP.HCM tổ chức 131 chợ hoa cấp thành phố và các quận huyện. Trong đó, 3 chợ hoa cấp thành phố là chợ hoa công viên 23/9, chợ hoa công viên Gia Định và chợ hoa công viên Lê Văn Tám. Từ ngày 23 tháng Chạp, tất cả 113 chợ hoa Tết tại TP.HCM sẽ đi vào hoạt động. Việc vận chuyển, buôn bán hoa kiểng được kết hợp một số mặt hàng dưa hấu, trái cây Tết tại chợ hoa Tết quận 7, 8 và chợ đầu mối nông sản Bình Điền được cho phép từ ngày 12/1 (nhằm ngày 15 tháng Chạp). Đến 12h ngày 30 tháng Chạp, toàn bộ chợ hoa phải thu dọn sạch sẽ, trả lại mặt bằng để đón Tết. |
Hải Linh - Nhiên Di (Tổng hợp)