|
Hằng đang làm những công việc của một thanh niên lực lưỡng tại cơ sở nước đá - Ảnh Quốc Ngọc |
Con chó liếm liếm những mụn nước đọng quanh ca trà đá cạnh tấm ván bày vé số ở lề đường. Tôi chờ đèn đỏ và ngất ngây cách giải cơn khát của chú cún con. Cô bé đang lim dim bật dậy, nhìn nó cười cười, thích thú. Không đợi tiếng rên ư ứ, bé mở nắp nghiêng vào lòng bàn tay, cho nó uống thỏa thích. Bé cũng hớp mấy ngụm, nhìn quanh…
Tháng Tư luôn là thời điểm Sài Gòn tiến dần đến cực đỉnh của mùa khô, nhiệt độ cao dần, mặt trời chỉ chực đổ lửa, tưởng chừng chẳng bao giờ muốn lui về phía Tây. Ngày mưu sinh bởi thế có lẽ cũng dài hơn, nhọc nhằn hơn.
Nắng vầy chứ nắng nữa, cũng phải lao ra đường
Những tấm vé số truyền thống in màu thật đẹp, cùng những tờ mã vạch “vé số kiểu Mỹ”, cô bé cảm ơn khi tôi mua vài tờ cầu may. Ngã tư có bóng cây, cha của em lánh tạm vào tấm bạt che tiệm quần áo cùng thúng đậu luộc, nhường chỗ râm nhất để con gái tựa lưng vào tường ngủ trưa. “Chút mát mát cha con tui đi. Cũng may giờ ngày nắng quá không ai dẹp lề đường” - người đàn ông cười.
Ông Phong (47 tuổi, quê Phú Yên) cho biết, hết hè sẽ cho con về quê học lớp 1. “Oi bức quá. Bữa trước nó bị tiêu chảy, nổi sảy đỏ lòm, định gửi về nhà sớm vì ở đây tiền đâu mua thuốc. Nhưng nó không chịu vì thích ở với tui. May có bác sĩ ở gần khu nhà trọ cho thuốc uống, giờ đỡ rồi” - người đàn ông bán đậu phộng kiêm vé số nhìn con gái, xót xa.
|
Những ngày đầu tháng Tư nắng nóng, người Sài Gòn phải dùng nhiều cách giải nhiệt. |
Gần đó, anh Nguyễn Thành Hóa (38 tuổi, nhân viên bảo vệ Công ty An Việt) đang trực trước cửa hàng số 614 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 vẫy tay ra hiệu cho cha con ông Phong chạy qua để anh châm thêm nước vào ca. “Nhờ có cái quạt câu từ trong nhà ra chứ không cả ngày ngồi đây thì chết luôn” - anh Hóa giải thích rồi tiếp: “Nói cha con ổng qua ngồi mà ổng ngại. Tui ở tuốt Nhà Bè, cũng có con gái cỡ tuổi con ổng. Hôm nay đi làm cả ngày nhớ nó quá”. Anh nheo mắt, những giọt mồ hôi nhỏ xuống bộ đồng phục.
Đèn xanh đã bật lên mấy lần, tiếng còi xe inh ỏi, tôi rồ ga chạy đi. Qua kính chiếu hậu, cô bé vẫn nở nụ cười ngái ngủ, con chó đã nằm im, ca nước đá đầy tràn, khiến màu trưa dường như xanh mướt, dù rằng đang mùa khô rang.
Dự báo của đài khí tượng thủy văn, nhiệt độ cao nhất khu vực Nam bộ đang ở mức gần 370C, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Dinh (69 tuổi, ngụ Q.Tân Phú), với kinh nghiệm “dang nắng dầm mưa” xe ôm 30 năm của mình, thì đó chỉ là nhiệt độ trong không khí. Hơi nóng, với cánh xe ôm, là từ mặt đường hắt lên. “Nhiệt độ trên mặt đường nhựa chắc chắn phải hơn nhiệt độ mà thời tiết dự báo.
|
Một người dân ra công viên để có bóng mát nghỉ trưa. |
Đỉnh điểm mùa nắng nóng của Sài Gòn còn lên tới 39 - 40 độ mà. Ra đường là héo như con khô mực thôi. Nhưng mà người nghèo như tụi tui, mưa nắng gì cũng cực hết. Nắng cỡ này chứ còn nắng nữa cũng phải lao ra đường kiếm cơm chớ” - ông Dinh vừa nói, vừa với tay vặn vòi thùng trà đá miễn phí trước số nhà 270 Lý Thường Kiệt, P.6, Q.Tân Bình tu liền ba ly.
Những người đàn bà nắng chiếu thẳng đứng
Tôi cũng khát khô cuống họng và muốn tạt ngay vào quán nước nào đó bên đường để được như ông Dinh ực cho đầy bụng. Hàng nước của chị Nguyễn Lê Huỳnh (40 tuổi, ngụ Q.10) cách thùng trà đá miễn phí vài trăm thước. Chị kể đã ngồi bán nước ở lề đường này hơn 20 năm. Khách vãng lai ít, chủ yếu bán cho khách quen, khách mối từ các văn phòng, công ty xung quanh.
Hồi mới ra, chị còn quấn vải từ mặt đến cổ, tay chân để chống cái nắng Sài Gòn, nhưng sau hàng chục năm mưu sinh lề đường, chị đã “xả hàng”. Chị nói: “Trước sợ nắng lắm, nhưng giờ thì nắng nó phải sợ mình rồi chú ơi. Giờ chỉ sợ công an thôi, chứ mà còn sợ đen, sợ nám như hồi con gái mới ra thì cả nhà đói chắc”. Chị hàng nước hiện đang nuôi một con trai đang học cấp III và một con gái mới ba tuổi.
Nghỉ trưa, Phan Minh Thành (thường gọi Tèo, 30 tuổi, quê Phú Thọ) là mối ruột của chị Huỳnh, ra quán chị tranh thủ làm điếu thuốc, lon bò húc. Tèo là chủ tiệm photocopy cạnh cổng Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Anh than trời nắng như thiêu như đốt mà máy móc cứ hư suốt, sáng đến giờ chỉ muốn đóng cửa tiệm. Chị Huỳnh cười và tặng thêm cho Tèo ca trà đá để hạ hỏa. Không chần chừ, anh ta uống ừng ực, rồi dội luôn cả ca nước lên đầu cho tỉnh.
|
Công nhân đường sắt làm việc dưới cái nắng như đổ lửa của Sài Gòn. |
Lấy làm lạ với người con gái nhỏ nhắn điều khiển xe máy “hủi” giữa trưa nắng giao nước đá cho chị Huỳnh, tôi bám theo hỏi thăm. Cô tên Trần Thị Hằng, năm nay 28 tuổi, quê ở Thanh Hóa, đang làm cho cơ sở kinh doanh nước đá Lê Văn T. ở Q.11. “Cái gì con trai làm thì mình cũng phải làm được họ mới nhận vào chứ” - Hằng cười sau lớp khẩu trang. Cô cho biết, trung bình mỗi ngày, cơ sở bán khoảng 50 - 60 bao đá các loại (đá bi, đá bào, đá cắt), đầu tháng Tư, bắt đầu tăng lên khoảng 70 bao/ngày.
Riêng cô, mỗi ngày giao chừng 15 bao, mỗi bao khoảng 20kg. Cái bóng của Hằng chạy xe “hủi” đổ thẳng xuống mặt đường bốc khói. Tôi đếm rõ trên chiếc xe cà tàng trơ khung sườn, còn đến ba bao nước đá tiếp tục phải được giao cho các nơi. Cũng như cánh mày râu, đến nơi giao hàng, Hằng mỏng manh chống xe, vác bổng bao 20kg xuống, nhẹ không như tôi quàng ba lô chứa vài ba cuốn sổ ghi chép.
Tôi ghé vào quán nước khác lấy sức. Người phụ nữ nhặt phế liệu cũng trú nắng, gọi một ly nước mía. Đã qua giờ ngọ, nhưng có lẽ giờ mới là bữa cơm của người đàn bà đen sạm, răng sọc đen, quê Bắc Giang. Bà lôi ra từ giỏ xe nửa khúc bánh mì cắn dở từ sáng. Và đúng như tôi dự đoán, đó là bữa trưa của bà ăn kèm ly nước mía Sài Gòn.
|
Công nhân của một công trình xây dựng ở Q.Bình Tân tranh thủ tắm buổi trưa để chống nóng. |
Bà bảo một ngày chỉ dám tiêu 20.000 đồng. Mọi khoản kiếm được từ nhặt phế liệu, bà gửi về quê cùng chồng lo cho con trai lớn đang là sinh viên Trường đại học Y Dược Thái Nguyên. Hớp nước mía mà miệng tôi khô khốc nhìn bà quảy xe đạp chất đầy phế liệu. Nắng chiếu thẳng vào cái dáng xiêu vẹo cứ thế đạp xe, từ từ mất hút vào phía trước. Tôi vẫn kịp bắt gặp nụ cười và ánh mắt lóe lên niềm tự hào của bà khi nhắc về chàng bác sĩ tương lai của bà.
Tình trạng nắng nóng được dự báo còn kéo dài đến nửa đầu tháng Năm. Nhiệt độ cao nhất của khu vực Đông Nam bộ, đặc biệt TP.HCM, có thể lên đến 390C. Tuy nhiên, cũng theo dự báo, trong những ngày nắng nóng, vẫn có thể xảy ra mưa dông. Hệt như nụ cười trên những gương mặt nhễ nhại mồ hôi của người lao động lương thiện mà chúng ta vẫn luôn bắt gặp đâu đó.
Sống, kiếm sống, giúp nhau sống để nụ cười còn đó và để người quan sát họ còn biết đo lường được tình người. Nó đáng yêu giữa thời tiết khắc nghiệt của tháng Tư - giai đoạn Sài Gòn giao mùa.
Quốc Ngọc