Người Sài Gòn mơ về những công viên xanh mát ven sông

04/07/2024 - 06:10

PNO - Từ khi được khánh thành (cuối tháng 12/2023), mỗi cuối chiều, công viên bờ sông Sài Gòn nối từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm, thuộc phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức nhộn nhịp người đến vui chơi, hóng mát, ngắm cảnh, chụp hình. Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có nhiều công viên bờ sông tương tự.

Người dân  đến vui chơi  tại công viên  bờ sông  Sài Gòn (phường  Thủ Thiêm,  TP Thủ Đức)
Người dân đến vui chơi tại công viên bờ sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức)

Công viên hiện đại thay cho lau lách

Thường xuyên đến công viên bờ sông Sài Gòn chụp ảnh cùng bạn bè, chị Nguyễn Ngọc Xuân (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng, việc xây công viên ở đây là rất phù hợp bởi vừa rộng rãi, mát mẻ, vừa kết hợp với sông Sài Gòn tạo nên cảnh thơ mộng, hài hòa. Chị nói: “Đứng ở đây chụp hình, có thể thấy được các công trình có tiếng của TPHCM như cầu Ba Son, tòa nhà Bitexco, bến Bạch Đằng...”.

Lần đầu tiên đến công viên bờ sông Sài Gòn, anh Mạnh Cường (huyện Bình Chánh, TPHCM) tỏ ra thích thú bởi công viên rộng, đẹp, lại có nhiều cây xanh, hoa lá: “Ở đây có bãi gửi xe, nhà vệ sinh, cửa hàng bán đồ ăn, thức uống, 2 bên vỉa hè còn có mái che, ghế ngồi. Tôi nghĩ khi mấy cây lấy bóng mát này lớn hơn, công viên sẽ càng thêm mát. TPHCM có nhiều sông, rạch. Tôi mong sao có nhiều công viên ven sông, rạch như thế này để vừa có chỗ dạo chơi, vừa giúp cảnh quan đỡ bức bối do quá nhiều bê tông”.

Công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm có diện tích 19,7ha. Trước khi được cải tạo, nơi đây là một dải đất toàn lau lách um tùm, đối lập hoàn toàn với công viên Bến Bạch Đằng hiện đại bên phía quận 1. Sau khi được lãnh đạo thành phố chấp thuận chủ trương triển khai đề án “Cải tạo, chỉnh trang công viên bờ sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức”, ngày 23/12/2023, UBND TP Thủ Đức đã tổ chức lễ khánh thành công viên (giai đoạn 1) sau hơn 6 tuần thi công.

Khi đó, dù chỉ có một số hạng mục như vườn hoa hướng dương, chuỗi bè nổi thủy sinh nhưng công viên đã thu hút cả ngàn người đến tham quan. Đến nay, các hạng mục chính gồm bãi đậu xe, sân sinh hoạt cộng đồng đa năng, bến tàu thủy, chuỗi bè nổi thủy sinh, cánh đồng hoa hướng dương, đài phun nước, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống màn hình LED... đã hoàn thành.

Nên có thêm nhiều công viên dọc sông Sài Gòn

Cùng chồng đi dạo trong công viên bờ sông Sài Gòn, bà Quỳnh Thị Kim Chi - 64 tuổi, ở quận 5 - nhận xét: “Nơi đây có quang cảnh đẹp, không khí trong lành. Nếu TPHCM có thêm những công viên bên sông như vầy sẽ rất hay, làm giảm đi cảm giác bức bối của đường nhựa, nhà bê tông”.

Có lẽ nhiều người có mong ước như bà Chi và TPHCM có điều kiện để thực hiện mong ước đó bởi quỹ đất ven sông còn nhưng nhiều chỗ đang bị bỏ hoang. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, một trong những chiến lược được viện này đưa ra là tái cấu trúc các công viên lớn hiện hữu, đặc biệt là ở ven sông, để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hoạt động lễ hội đông người.

Theo đó, đề xuất chia sông Sài Gòn thành 3 khu vực theo chiều dài sông để phát triển 17 công viên ven bờ sông. Cụ thể, khu vực phía bắc (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12) phát triển 4 công viên ven sông. Khu vực phía nam (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ) có 7 công viên. Khu vực trung tâm thành phố có 6 công viên, gồm công viên Tam Phú, công viên văn hóa Gò Vấp, công viên Thanh Đa, công viên Rạch Chiếc, công viên Thủ Thiêm, công viên chân cầu Phú Mỹ.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, việc phát triển thêm nhiều công viên ven sông là một định hướng tốt bởi đô thị càng phát triển, người dân càng cần môi trường sinh thái tự nhiên nhiều hơn, mà nơi đáp ứng nhu cầu đó tốt nhất chính là không gian ven sông.

Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM có thể lấy hành lang bảo vệ sông để tăng không gian xanh vốn đang rất thiếu. Tuy nhiên, khi quy hoạch sông Sài Gòn, phải nhìn tổng thể để tăng tính khả thi. Sông Sài Gòn chảy qua TPHCM dài 80km, diện tích đất 2 bên sông rất lớn. Do đó, cần phải xác định trong tổng thể đó, bao nhiêu phần trăm làm công viên, bao nhiêu phần trăm làm dự án để lấy vốn đầu tư. Ông nói: “Cần phải chỉ ra quỹ đất nào mà Nhà nước có thể thu hồi, đấu giá, lấy tiền xây hạ tầng 2 bên sông. Nếu chỉ nói tới ước mơ mà không nói tới thực tế “tiền đâu để làm” thì khó khả thi”.

Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI