|
Mẹ chồng tôi và cháu của bà (ảnh tác giả cung cấp) |
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, nơi cuộc sống quanh năm quanh quẩn với ruộng lúa nương ngô, nơi con người phải tằn tiện, tích góp từng đồng, nơi ba má tôi ngày ngày dạy con phải biết sống tiết kiệm. 15 năm trước, tôi về làm dâu Sài Gòn. Cuộc sống mới ở miền đất lạ khiến tôi không ít lần cảm thấy rõ sự khác biệt văn hoá. Một trong những người khiến tôi có cảm giác ấy là mẹ chồng tôi.
Ngày tôi mới về nhà chồng, cuộc sống gia đình vẫn còn chật vật. Lương tháng của vợ chồng tôi chỉ đủ trang trải chi phí trong nhà và dành ra được chút ít phòng khi có chuyện phát sinh. Vậy mà, mẹ chồng tôi lại rất thoải mái trong chi tiêu, bà đặc biệt hào phóng với người lạ.
Tôi thắc mắc mà chẳng dám hỏi. Anh thợ sửa bếp ghé thay bình ga, mẹ gửi thêm người ta mấy chục ngàn uống cà phê. Anh đổ rác ghé thu tiền, mẹ cũng gửi dư, đến cuối năm mẹ còn tặng người ta lương tháng thứ 13. Bạn shipper (giao hàng) hằng ngày ghé chuyển đồ đều được tôi gửi thêm nhưng cuối năm mẹ vẫn chuẩn bị sẵn một phong bì “cho nó vui!”.
Mỗi lần về quê, mẹ mua quà, bánh lỉnh kỉnh xách về biếu. Mẹ nhớ rõ mồn một ai thích ăn món gì, ai thường uống nước chi để mua quà riêng cho từng người. Quê tôi ngày ấy còn nghèo, vài ba chục ngàn là một số tiền khá lớn đủ để đi chợ mua đồ nấu một bữa ăn cho cả nhà. Thấy mẹ hào phóng như vậy, tôi cũng xuýt xoa trong bụng.
Mãi sau này, khi đã đủ trải nghiệm trong đời, tôi mới biết đó là sự hào sảng, là sự cho đi mà không tính toán. Đó là sự quan tâm, san sẻ đến những người xung quanh, là cách thể hiện yêu thương giữa người với người từ những điều nhỏ nhất. Nó không được đong đếm bằng tiền mà được gói ghém bằng cả trái tim. Có lẽ khi thực sự muốn cho đi, người ta sẽ tìm cách cho chứ chẳng đợi đến lúc dư giả. Biết đến lúc nào mới trở nên giàu có, vật chất ngoại thân chẳng biết bao nhiêu mới đủ. Tôi chợt hiểu ra rằng thứ ta cần là sự bằng lòng với chính mình và chọn sống khác đi. Lúc cho đi cũng là khi ta nhận về, nhận niềm vui, nhận yêu thương và hạnh phúc trong mỗi khoảnh khắc dung dị nhất.
Trong xóm, mẹ rất được lòng mọi người. Ai có gì ăn cũng í ới gọi cô Hai, ai có món ngon đều mang sang biếu mẹ. Rồi mẹ cũng vậy, có gì ngon sẽ chia đều cho cả xóm. Dần dà, thói quen ấy trở thành văn hóa nơi tôi ở và khiến nơi đây lúc nào cũng đầy ắp những điều ngọt ngào giản dị, dễ thương mà mọi người dành cho nhau. Hễ nhà nào đi vắng vài ngày là mang chìa khoá sang gửi cô Hai. Gia đình nào lục đục cũng nhờ cô Hai hoà giải. Thậm chí, chị bán rau bị người ta nợ tiền không trả cũng nhờ cô Hai phân xử giúp. Chuyện gì vào tay cô Hai cũng biến thành chuyện nhỏ... Vậy nên, trong mắt mọi người mẹ tôi vừa đáng kính, vừa gần gũi nhưng cũng lắm khắt khe.
Sáng sáng, mẹ thức sớm mở cửa. Đều như vắt tranh, việc đầu tiên mẹ làm sẽ là cầm chiếc chổi để quét sân. Mẹ không quét mỗi sân của nhà tôi, mẹ quét luôn một đoạn hẻm của gần 10 nhà. Riết rồi mọi người quen dần nên cả xóm chỉ dùng chung một cái chổi. Ai rảnh sẽ tự động quét cả con hẻm chứ chẳng cần bảo ai. Cũng nhờ vậy, cái nghĩa cái tình lại thêm gắn kết. Mẹ tôi như cây cầu nối bao yêu thương nơi xóm nhỏ.
Trái ngược với tính cách hào phóng, rộng rãi ở bên ngoài, trong nhà mẹ lại chắt chiu từng chút một.
Mỗi lần mua gì mà có chai lọ dùng xong là mẹ rửa sạch, để khô rồi cất đó đến khi nào cần thì dùng. Túi ni-lông mẹ cũng giặt rồi xếp gọn gàng theo kích thước rồi mang cho chị bán rau. Có cái nồi mới thì mẹ cất nồi cũ đi chứ chẳng bỏ, hoặc không thì vẫn dùng nồi cũ, để dành cái mới. Tất cả những thứ còn dùng được mẹ đều giữ lại. Hộp nhựa đựng trứng gà hay hộp đựng trái cây mẹ cũng xếp ngăn nắp lại rồi mẹ mang ra chợ cho mấy chị bán hàng. Mua đồ ăn có muỗng nhựa thì mẹ cất đó, hôm sau mang cho chị bán xôi. Chén bát nhà tôi xài mấy chục năm vẫn còn mới cóng.
Mẹ hay nói đùa “Mai này mẹ mất gia sản để tại cho tụi bây là chén bát với xoong nồi.”. Trong nhà, đồ của mẹ có mấy món, màu sắc gì, hình hài ra sao, món nào để đâu... mẹ nhớ rõ mồn một. Lỡ ai làm mất hay dịch chuyển là mẹ biết liền. Đồ ăn bữa sáng không hết, mẹ để dành bữa trưa. Mãi sau này tôi thuyết phục dữ lắm mẹ mới bỏ dần cái tính “tiếc đồ ăn” vì nó ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chứ không đơn thuần là câu chuyện tiết kiệm.
Mẹ chồng tôi còn là người sống rất tình cảm. Trong mắt bà, chúng tôi luôn là những đứa trẻ. Mỗi lần đi đâu, mẹ đều nhắc mang theo cái này, chuẩn bị cái kia. Đi tới giờ chưa về, mẹ sẽ gọi điện tìm. Con tôi đi trại hè một mình, mẹ lo lắng đòi đi theo. Ngày trước tôi không thoải mái lắm, nhưng giờ đã hiểu tính mẹ nên chủ động chia sẻ để bà an tâm. Tôi cũng dạy con mình cách tự chuẩn bị những thứ thuộc về con và chia sẻ cùng bà. Chỉ cần bà thấy con làm tốt thì sẽ không còn lo lắng nữa. Người ta chỉ lo lắng khi thấy bất an thôi, một khi đã thực sự an tâm rồi thì mọi chuyện sẽ nhẹ tênh. Đây cũng là cách để chúng tôi gắn kết yêu thương trong gia đình và tạo nền tảng về sự quan tâm, tính trách nhiệm sau này cho con.
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà với nhiều người khác, mẹ luôn có một vị trí đặc biệt. Mẹ hiền hòa nhưng nghiêm khắc, rộng rãi nhưng cũng lắm chắt chiu. Tôi may mắn khi được làm dâu của mẹ. Nhờ mẹ, tôi thêm yêu vùng đất mang tên Bác, yêu cả những thứ thuộc về mình và thêm yêu cuộc sống này.
Sài Gòn trong tôi hào sảng như lòng mẹ. Thành phố này thân thương như cách mẹ gom góp từng chiếc lọ, từng bao ni-lông, chẳng phải để cho mình, mà cho một Sài Gòn xanh, sạch ngày mai.
Lê Xinh (TPHCM)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |