Cặm cụi chở ân tình qua từng thôn xóm nhỏ như câu thơ Trần Phước Ninh tự viết cho mình, người đàn ông không may mắn ấy đã dệt nên câu chuyện cổ tích và truyền đi những cảm hứng tươi đẹp…
|
Anh Ninh cùng các cháu trong lớp học tiếng Anh |
Hơn một năm rồi, tôi mới gặp lại Trần Phước Ninh (SN 1972, khối phố Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Lần trước, khi anh mở phòng đọc sách. Lần này, anh mở lớp dạy tiếng Anh.
Anh vẫn vậy, những bước chân run rẩy; lời nói bị cản nghẹn trong cổ họng, hơi khó nghe; tay chân hơi quăm quắp… Đó là những di chứng của cơn sốt đột ngột ngày anh còn là học sinh lớp 11. Trước cơn sốt, Ninh như một ngôi sao của Trường THPT Sào Nam, đặc biệt, anh rất giỏi thơ văn. Rồi tất cả đóng đột ngột.
Mười bảy tuổi, những mộng ước tuổi xanh cũng rấm rức khép lại. May thay, Ninh không phải là kẻ sẵn sàng đầu hàng, dù số phận nghiệt ngã đến đâu. Ninh nói đôi chân anh vẫn còn, đôi tay vẫn còn, giọng nói cũng thế… Hành trình mưu sinh, chưa bao giờ là dễ dàng. Với Ninh lại càng không.
Nhưng, Ninh không phải là người yếu đuối và tất nhiên, anh luôn tìm cách để vượt qua. Những câu thơ tự làm, những trang sách đầy chiêm nghiệm, là những điểm tựa để anh bấu víu vào, vịn lấy, rồi sải những bước chân về phía trước.
Cũng như bao lần, Ninh hầu như không nói về những khó khăn của mình, không muốn người ta nghĩ anh kể lể. Phải chăng vì lẽ đó, Ninh luôn dành mọi nỗ lực cho những việc trước mắt. Ninh chỉ kể về những ngày nhớ mẹ, nhớ đến đứt ruột, khi lang thang giữa Sài thành sôi động.
Có năm, Ninh không về tết, chiều ba mươi vẫn còn cầm xấp vé số trên tay. Ninh viết, như tự ôm lấy nỗi lòng của mình trong bài thơ Chiều ba mươi tết: “Giữa Sài Gòn có kẻ sống xa quê/ Chiều ba mươi khóc thầm nơi đất khách/ Giờ giao thừa chỉ còn trong khoảnh khắc/ Chuyến tàu về con hẹn chuyến tàu sau/ Tết năm nay con không về kịp đâu/ Thương đôi mắt mẹ già mòn mỏi đợi/ Giữa phố xá đông người con chới với/ Đành nhủ lòng… phải kiếm sống mẹ ơi!”.
10 năm trầy trật mưu sinh ở TP.HCM, Ninh ngược ra Đà Nẵng, cũng vẫn công việc bán vé số. Đến năm 2007, anh về hẳn quê nhà, vì thương mẹ đã già. Ninh mở quán cà phê với cái tên rất mộng: “Thi hữu quán” như để nhắc nhớ mình, đã từng vịn câu thơ để đứng dậy.
Và từ những vần thơ ấy, không ít bạn bè, thậm chí người dưng, đến với Ninh, như một sự sẻ chia. Sự sẻ chia mà Ninh nhận được từ thi hữu, rồi lan rộng ra cả thiên hạ. Cho đến bây giờ, người dân khối phố Xuyên Đông 2 vẫn chưa thể quên được hình ảnh Ninh ba bữa sớm, trưa, chiều tối đến lo cơm nước cho một bà cụ neo đơn cách nhà không xa.
Với Ninh, người phụ nữ nào cũng cần được nhận lấy yêu thương. Ninh tìm đến, không phải cúi xuống ban lòng trắc ẩn, mà là cách anh sẻ chia những thương yêu. Hơn một lần, Ninh nói rằng, anh xem bà cụ như mẹ mình. Tôi tin. Vì nếu anh không thương cụ, không xem cụ như mẹ mình, thì sự quan tâm không thể như vậy.
Vậy mà có lần Ninh… khoe rằng anh còn may mắn hơn nhiều người. Lần ấy, tôi học được bài học giản đơn, rằng chỉ cần khép bỏ những thương đau đời mình, mở lòng ra, đón nhận yêu thương, rồi san sẻ nó, thì cuộc đời, chả có gì là nhàu nhĩ. Nên Ninh không chỉ đến với bà cụ neo đơn, anh còn tìm đến nhà của những cô cậu học trò bất hạnh.
Khi thì anh cho quyển sách, lúc thì cuốn vở, cây bút… Không đủ đầy để giúp các em, anh chọn giúp những điều họ thiếu nhất. Hỏi thêm, Ninh cười, như nói mình đã từng bị tước đi những tháng năm áo trắng, nên hiểu những thiệt thòi mà các em đối diện.
|
Trong khi các bé lớn hơn đang học tiếng Anh, thì anh Ninh trìu mến bên em bé này |
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, anh lang thang trên mạng, kết nối với bạn thơ, những tấm lòng hảo tâm, để kêu gọi quyên góp quần áo, sách vở… mang đến cho các em học sinh ở các huyện vùng cao của Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang. Hôm tôi đến thăm, có gặp ông Nguyễn Văn Tin, người đồng hành cùng Ninh trong nhiều chuyến thiện nguyện.
Ông kể, có những quãng đường khá xa, đường xấu, sức khỏe Ninh thì yếu. Đến nơi, Ninh ngất đi. Vậy mà khi tỉnh dậy, anh vẫn hòa vào với mọi người. Tôi nhìn Ninh, thấy anh đang ngó lên mấy ngọn cây xanh trước nhà. Chẳng biết anh giấu gì vào những làn khói thuốc.
Thì ra câu chuyện bắt đầu từ việc, khi biết hoàn cảnh của Ninh, nhiều người tìm đến giúp đỡ, ủng hộ. Ninh nhận hết, nhưng anh không nhận cho mình, mà dành hết cho những mảnh đời còn khốn khó hơn quanh mình. Rồi thấy trẻ trong xóm thiệt thòi không có sách đọc, anh kêu gọi bạn bè mở phòng đọc.
Phòng đọc ra đời vào tháng 4/2015, với hơn 2.000 đầu sách các loại. Phòng đọc mới đầu khá xập xệ, bây giờ khang trang thoáng đãng hơn, là nhờ các tấm lòng hảo tâm đóng góp, dù hơi còn bề bộn. Ướm chừng ý hỏi ấy, anh bảo, phòng đọc vẫn đang hoàn thiện!
Từ những kệ sách, tôi ngoái lên cột nhà, có gắn tấm biển hình tròn, bằng giấy, phông nền màu nâu, hiện dòng chữ màu vàng: “Một cuốn sách hay sẽ thay đổi đời người”. Anh khẳng định điều đó đúng, mà cuộc đời anh là một ví dụ sinh động.
Nghe tin anh mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo, khó khăn trong vùng, tôi gọi điện, anh xác nhận “cái rụp”. Hôm tôi ghé, khi các em đang chuẩn bị vào lớp học, Ninh thì đang cầm mấy cuốn vở cùng hộp kẹo bên nhà sang phòng học, các cháu nhỏ òa lên thích thú.
Anh nhớ cụ thể cháu nào đang thiếu vở, bút, anh gọi lên đưa cho các cháu. Trong khi chờ cô giáo đến, ông Tin tổ chức cho các cháu chơi trò chơi liên quan đến từ vựng tiếng Anh. Phần thưởng cho những ai hoàn thành phần chơi, là viên kẹo mút ngọt ngào. Tôi để ý thấy, Ninh nhìn các em chơi bằng tất cả trìu mến.
|
Cô giáo Lương Thị Thảo cùng bạn người Anh trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh cho các cháu |
Cô giáo của lớp tên Lương Thị Thảo, 24 tuổi, tốt nghiệp đại học gần hai năm, cũng là người cùng quê với Ninh. Thảo kể, nghe anh Ninh rủ rê, thế là Thảo gật đầu. Thảo không nói nhiều về công việc, mà chỉ tâm sự rằng, điều đó là nên làm. Hôm nay, Thảo còn dắt theo anh bạn người Anh, là một giáo viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm ngoại ngữ ở Hội An.
Thảo nói ngay, sẽ cố gắng “rủ rê” những người bạn nước ngoài về lớp học để giúp các em thêm tự tin trong giao tiếng bằng tiếng Anh. Lớp học mới mở giữa tháng 9/2016, vậy mà qua những gì các cháu nói chuyện với anh bạn người Anh, có thể khẳng định được thầy cô đã dạy các em rất tốt.
Ninh cho biết, có tất cả năm giáo viên đồng ý tham gia dạy lớp tiếng Anh miễn phí này. “Còn bàn ghế, phòng học thì sao?” - tôi hỏi. Ninh hắt cái nhìn về phía ông Tin. Thì ra, ông Tin và một số người bạn khác, cùng nhau đóng góp kinh phí để mở lớp. Ông vừa trở về từ Sài Gòn, nói đang xin kinh phí cho cái cửa của phòng học. Tôi giật mình, thì ra phòng học chưa có cửa.
Rồi họ liệt kê những thứ cần bổ sung trong tương lai. Nhưng điều kiện không cho phép, họ đành thực hiện dần, theo đóng góp của những tấm lòng hảo tâm, tất nhiên, là ưu tiên những gì cần thiết nhất. Xen kẽ giờ giải lao, các em, nhóm thì chơi nhảy dây, nhóm thì kéo vào phòng đọc để đọc sách.
Những lúc ấy, Ninh lặng lẽ dõi theo các em, rồi thỉnh thoảng phá lên cười, khi bắt gặp những khoảnh khắc ngộ nghĩnh của tuổi hồng đang bày ra trước mắt. Bấy giờ, tôi mới phát hiện một điều, là Ninh của bây giờ, trông bớt khắc khổ hơn hai năm trước, phải chăng vì Ninh đã cúi xuống, rũ bỏ những nỗi đau của mình, rồi vươn người ôm lấy những thương yêu mà người đời dành cho, rồi cặm cụi chở những ân tình qua từng thôn xóm nhỏ…?
Lê Xuân