Người qua hai cuộc chiến, hai tên đường gửi lại nhân dân

02/09/2022 - 08:09

PNO - Đường Phạm Đức Sơn (quận 8) và đường Phan Đức (huyện Cần Giờ) đặt theo tên và bí danh của nhà cách mạng Phạm Đức Sơn, người đi qua hai cuộc chiến.

 

Nhà làm phim Phạm Kháng Trường bên con đường mang tên bí danh của cha ông thời kháng Pháp
Nhà làm phim Phạm Kháng Trường bên con đường mang tên bí danh cha của ông thời kháng Pháp - Ảnh: T.Q

Một ngày cuối tháng 8, tôi cùng tác giả - nhà làm phim Phạm Kháng Trường tìm đến đường Phan Đức (bí danh cha của ông - nhà cách mạng Phạm Đức Sơn) tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM. Con đường, giao với đường Duyên Hải, đoạn nhiều cây xanh và kéo dài đến bãi biển 30/4.

Từ Xứ ủy Nam bộ đến Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định

Nhà làm phim Phạm Kháng Trường (sinh năm 1953, hội viên Hội Điện ảnh TPHCM) cho biết, tên cha của ông còn được đặt cho một con đường ở quận 8: đường Phạm Đức Sơn giao với đường Hoàng Ngân và đường Trương Đình Hội. Câu chuyện ký ức về cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung của cha ông đã bắt đầu từ những tên đường.

Nhà cách mạng Phạm Đức Sơn sinh năm 1919 tại Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay). Ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm, tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ phản đế (giai đoạn 1936-1939) và được kết nạp vào tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940, khi mới 21 tuổi.

Năm 1944, ông nhận nhiệm vụ vào Nam bộ xây dựng cơ sở cách mạng ở Gò Vấp - Hóc Môn.

Chính ông cùng với đồng chí Trần Văn Giàu đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hóc Môn - Bà Điểm, tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn vào năm 1945. Trong cuốn sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến (tập Một, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2010) có ghi chép thông tin về 12 ủy viên chính thức của Xứ ủy Nam bộ 1954. Trong đó có đồng chí Phạm Đức Sơn, bên cạnh Bí thư Lê Duẩn, Phó bí thư Phạm Hữu Lầu, Ủy viên thường trực Hoàng Dư Khương và các Ủy viên thường vụ: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Minh Đường, Phan Văn Đáng, Lê Toàn Thư, Nguyễn Đức Thuận, Văn Viên, Phạm Văn Xô và Phạm Thái Bường.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà cách mạng Phạm Đức Sơn từng đảm nhận các chức vụ: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, tỉnh Sa Đéc; Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy, Phó trưởng ban Đảng vụ Xứ ủy Nam bộ, Bí thư Liên tỉnh miền Đông Nam bộ, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương cục miền Nam…

Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, ông còn dùng các bí danh Lê Văn Mại, Phan Đức, Tư Trường, Chín Nhỏ…

Nhà cách mạng Phạm Đức Sơn (khoanh tay, thứ 4, hàng đầu, từ phải sang) cùng các cán bộ Xứ ủy Nam kỳ, trong cuộc gặp gỡ với Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, tại Đồng Tháp Mười, 1954. (Ảnh gia đình cung cấp)
Nhà cách mạng Phạm Đức Sơn (đứng thứ 4, hàng đầu, từ phải sang) cùng các cán bộ Xứ ủy Nam kỳ, trong cuộc gặp gỡ với Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, tại Đồng Tháp Mười, 1954 (Ảnh gia đình cung cấp)

Nhà làm phim Phạm Kháng Trường nói, ông vẫn luôn ấp ủ thực hiện bộ phim tài liệu về Ban binh vận Trung ương cục miền Nam, tổ chức nơi cha cùng đồng đội đã có nhiều đóng góp, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Binh vận là một trong ba mũi giáp công quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (quân sự, chính trị, binh vận).

Những người làm công tác binh vận đã dũng cảm xâm nhập vào hàng ngũ kẻ thù, từ trong đánh ra, phối hợp với lực lượng bên ngoài. Một cách đánh được gọi là “nội công, ngoại kích” mà các chiến sĩ binh vận nhận bội phần nguy hiểm.

“Tôi muốn kể lại một giai đoạn của binh vận từ lịch sử hình thành, phát triển, những chiến công trong suốt thời gian hoạt động. Ba tôi và rất nhiều đồng đội ông đã hy sinh, nhiều người còn sống khi hòa bình lập lại nhưng đến giờ, rất nhiều người cũng đã mất, hoặc già yếu. Tôi hy vọng sẽ sớm tìm được nguồn kinh phí để thực hiện. Sợ bây giờ mình không làm, thêm một thời gian nữa cũng không bao giờ còn cơ hội gặp lại những chứng nhân của một thời” - nhà làm phim Phạm Kháng Trường chia sẻ.

Nhà cách mạng Phạm Đức Sơn chụp ảnh với vợ - bà Nguyễn Thị Minh và con trai Phạm Kháng Trường, tại công viên Thống Nhất, Hà Nội 1963 Ảnh gia đình cung cấp
Nhà cách mạng Phạm Đức Sơn chụp ảnh với vợ - bà Nguyễn Thị Minh và con trai Phạm Kháng Trường, tại công viên Thống Nhất, Hà Nội 1963 (Ảnh gia đình cung cấp)

Người ngã xuống và tên đường ở lại

Đồng chí Phạm Đức Sơn cùng đồng đội đã chiến đấu và góp sức làm nên những chiến công hiển hách trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hoạt động công khai rồi hoạt động bí mật, bao phen bị kẻ thù lùng bắt nhưng ông đều thoát được. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, ông phụ trách một mũi tiến công trọng yếu của quân đội ta, đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy.

Trong trận càn Junction City của Mỹ đổ bộ xuống căn cứ Tây Ninh vào mùa khô năm 1967, đồng chí Phạm Đức Sơn cùng đồng đội chiến đấu anh dũng, ông bị thương và lạc rừng suốt hơn một tuần, tìm mọi cách để sinh tồn. Sau đó được đồng đội tìm thấy. Nhưng may mắn đã không đến lần thứ 2, khi ông cùng với đồng chí Trần Đình Xu, Tư lệnh Phân khu 1 trên đường về Tây Ninh công tác vào tháng 3/1969. Trên đường ngang qua ấp Trà Quao (Trảng Bàng, Tây Ninh), xe đã đi vào đoạn đường bị Mỹ rải mìn bướm và bom từ trường. Theo lời kể của đồng đội ông với gia đình, có thể chuyến đi của đoàn hôm ấy đã bị mật báo và phục kích.

“Tư lệnh Trần Đình Xu hy sinh. Ba tôi cố lết ra bờ ruộng, chỗ bụi rơm và hy sinh tại đó. Đồng đội tìm cách cứu và đã có thêm bốn đồng chí nữa hy sinh vì bom từ trường. Không thể vào được bãi mìn, Trung đoàn cuối cùng buộc phải rút ra khỏi khu vực, phải chấp nhận mất người. Một năm sau, khi mìn đã nổ vãn, người dân mới vào được khu vực ấy và phát hiện xác ba tôi đã chết khô cùng các chiến sĩ đã hy sinh. Dân chôn cất các thi thể trong một ngôi mộ tập thể. Sau này, khi đi tìm hài cốt ba, gia đình tôi đã gặp được đúng người đã từng chôn cất ông. Đó là vào tháng 10/1998, một năm sau ngày mẹ tôi đời” - nhà làm phim Phạm Kháng Trường nhớ lại.

Cho đến những ngày cuối đời, mẹ ông - bà Nguyễn Thị Minh - vẫn đau đáu về việc chưa thể tìm được hài cốt của chồng. Suốt cuộc đời làm vợ, thời gian bà sống cùng ông đếm lại chỉ vỏn vẹn hai năm. Đồng chí Phạm Đức Sơn đã dành trọn cuộc đời mình cho cách mạng.

Đường Phan Đức (Cần Giờ) trên bản đồ
Đường Phan Đức (Cần Giờ) trên bản đồ

Trên hồ sơ liệt sĩ, ngày hy sinh của nhà cách mạng Phạm Đức Sơn được ghi là ngày 22/3/1969. Khi mất, ông đang ở cương vị là Thường vụ khu ủy Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn mở rộng, Bí thư chính ủy Phân khu 1. Ông đã nằm lại miền Đông đất đỏ, bên bụi rơm suốt một năm mới được tìm thấy. Lễ cải táng ông được Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Thành ủy TPHCM tổ chức trọng thể vào ngày 15/10/1998. Hiện hài cốt ông được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Năm 2001, nhà cách mạng Phạm Đức Sơn được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

“Mỗi điểm 10 của con là một viên đạn bắn vào giặc Mỹ”

Chân dung nhà cách mạng Phạm Đức Sơn lúc sinh thời
Chân dung nhà cách mạng Phạm Đức Sơn lúc sinh thời

Nhà làm phim Phạm Kháng Trường cho biết, năm 1954, mẹ ông đưa ba con ra Bắc tập kết. Năm 1959, cha ông mới ra Hà Nội nhưng năm 1963 lại lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ mới. Khi ấy cậu bé Phạm Kháng Trường chỉ mới lên 10. Chia tay ba vào buổi đêm, cậu còn mơ ngủ và cũng không ý thức được rằng, đó là lần sau cùng được trò chuyện cùng ông.

Năm 1965, khi quân đội Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Phạm Kháng Trường vào học ở trường Thiếu sinh quân Việt Nam.

Trong ký ức của nhà làm phim Phạm Kháng Trường đến giờ, vẫn còn nhớ rất rõ lời ba dạy trong những bức thư gửi về: “Con hãy ráng học cho thật giỏi. Mỗi điểm 10 của con là một viên đạn bắn vào giặc Mỹ”. Cậu bé năm xưa đã học với tinh thần ấy, tinh thần chiến đấu của một đội viên, một cậu học trò mặc áo lính và thuộc lòng 10 lời thề danh dự của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Học cho thật giỏi, cũng chính là cách mà cậu cảm thấy tuổi nhỏ của mình cũng có thể đóng góp vào cuộc chiến.

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI