Người phụ thuộc có mã số thuế mới được giảm trừ

15/06/2013 - 11:21

PNO - Từ ngày 1/7, mã số thuế trở thành điều kiện tiên quyết để một cá nhân được xem là người phụ thuộc, mới được giảm trừ gia cảnh. Phản ảnh với lãnh đạo ngành thuế, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó thực hiện theo hạn định...

 Nguoi phu thuoc co ma so thue moi duoc giam tru

Nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN tại Cục Thuế TP.HCM cuối tháng 3/2013 - Ảnh: Ánh Hồng

Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật quản lý thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 14/6 ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bày tỏ băn khoăn khi áp dụng quy định này vào thực tế. Trong khi đó, cơ quan thuế cho rằng đây là “sáng kiến” hay nhằm tránh tình trạng nhiều cá nhân cùng đăng ký chung một người phụ thuộc.

Chưa có CMND làm sao đăng ký mã số thuế?

Tại hội nghị, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Thuế TNCN, Tổng cục Thuế - cho biết điểm mới trong dự thảo thông tư hướng dẫn Luật thuế TNCN sửa đổi, dự kiến áp dụng từ ngày 1/7 là với trường hợp đăng ký người phụ thuộc sau ngày 1/7, người phụ thuộc bắt buộc phải có mã số thuế (MST) mới được tính giảm trừ gia cảnh.

Về vấn đề này, đại diện Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng hiện nay việc cấp MST dựa vào chứng minh nhân dân (CMND). Nếu quy định như trên thì trường hợp người lao động sinh con, con mới ra đời chưa có CMND làm sao có thể làm MST để được giảm trừ gia cảnh? Trường hợp này cơ quan thuế có giải quyết cấp MST dựa vào giấy khai sinh hay không?

Đại diện Công ty Samsung đặt câu hỏi: có nhiều người phụ thuộc đến nay đã 80-90 tuổi, không còn CMND thì có thể căn cứ vào sổ hộ khẩu để xin cấp MST hay không? Nhiều doanh nghiệp cho rằng đến nay dự thảo thông tư hướng dẫn Luật thuế TNCN mới ở giai đoạn xin ý kiến thì ít nhất phải sát thời hạn 1/7 mới có thể ban hành. Do vậy nếu quy định từ ngày 1/7 bắt buộc người phụ thuộc phải có MST sẽ khó khả thi. Nên có thời gian cho người nộp thuế chuẩn bị, nhất là với những doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn.

Theo các doanh nghiệp, dự thảo thông tư không nói rõ với những người phụ thuộc đã phát sinh trước ngày 1/7 thì việc đăng ký MST do doanh nghiệp làm hay người lao động làm. Các doanh nghiệp đề nghị Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ để doanh nghiệp làm thông báo cho người lao động. Đại diện Công ty PouYuen VN nói doanh nghiệp có đến 80.000 lao động, sau này cơ quan thuế bắt buộc tất cả 80.000 lao động này phải đăng ký lại MST cho người phụ thuộc thì sẽ rất mất thời gian.

Cho dùng giấy khai sinh đăng ký MST

Bà Tạ Thị Phương Lan nói việc thay đổi của cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc không gây xáo trộn nơi người nộp thuế. Do vậy, quy định mới này chỉ áp dụng đối với những người phụ thuộc phát sinh từ ngày 1/7. Riêng với người phụ thuộc chưa có MST đã được đăng ký giảm trừ trước ngày 1/7 thì vẫn tiếp tục được giảm trừ gia cảnh đến khi được cấp MST. Với trường hợp người phụ thuộc phát sinh từ ngày 1/7 thì người phụ thuộc chỉ cần bổ sung thông tin, từ đó cơ quan thuế sẽ tự động cấp MST. Cơ quan thuế không yêu cầu cá nhân phải làm hồ sơ hay tự làm MST trước khi làm thủ tục đăng ký người phụ thuộc.

Ông Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nói mục đích của quy định mới này nhằm tránh tình trạng đăng ký trùng người phụ thuộc như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Về vấn đề cấp MST cho người phụ thuộc, Tổng cục Thuế đã có hồ sơ riêng trình Bộ Tài chính, nhưng trên tinh thần chung là sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Theo đó, từ ngày 1/7 những trường hợp đăng ký người phụ thuộc mới nhưng chưa có MST thì cơ quan thuế vẫn cho khấu trừ nhưng sẽ có hướng dẫn để người nộp thuế thực hiện đúng theo quy định và sẽ không quá cứng nhắc. Cũng theo Tổng cục Thuế, người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho một người phụ thuộc một lần suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh.

Liên quan đến bức xúc của người nộp thuế về quy định nếu thay đổi nơi làm việc thì người nộp thuế phải thực hiện lại việc đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký lần đầu, ông Cao Anh Tuấn nói Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến này và sẽ nghiên cứu cải tiến. Với trường hợp mới sinh con sau ngày 1/7, bà Phương Lan cho biết tới đây cơ quan thuế sẽ có hướng dẫn để người nộp thuế có thể dùng giấy khai sinh đăng ký MST cho con, sau này khi đứa trẻ đủ tuổi làm CMND thì cơ quan thuế sẽ cập nhật thông tin này vào hệ thống.

Có ưu đãi nhưng khó nhận

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp góp ý thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế. Đại diện Công ty 577 cho rằng Luật quản lý thuế mới cho phép doanh nghiệp khó khăn được nộp dần tiền thuế nợ tối đa không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu thời hạn cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Có quy định này doanh nghiệp rất mừng nhưng đọc kỹ thì thấy doanh nghiệp khó được hưởng ưu đãi vì cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải có bảo lãnh của ngân hàng. “Doanh nghiệp đi vay vốn kinh doanh phải trình lên trình xuống phương án vay, tài sản thế chấp... mới được ngân hàng xét duyệt. Ở đây doanh nghiệp nợ thuế mà đòi ngân hàng bảo lãnh rất khó” - đại diện công ty này nói. Vị này cũng cho rằng bất đắc dĩ doanh nghiệp mới phải chịu nợ thuế vì lãi phạt chậm nộp lên đến 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm, trong khi lãi vay trên thị trường hiện chỉ 12-13%/năm mà lại được đưa vào chi phí. Phần lãi phạt chậm nộp này doanh nghiệp không được tính vào chi phí, tính ra lãi phạt sau thuế lên đến hơn 22-23%/năm.

Đây cũng là bức xúc của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị. Trả lời vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn nói hiện nay nợ đọng thuế rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do xử phạt chưa nghiêm, do vậy vừa qua khi sửa đổi luật đã nâng mức phạt khai sai từ 10% lên 20%, phạt chậm nộp từ 0,05%/ngày lên mức 0,07%/ngày và chỉ áp dụng sau 90 ngày. Ông Tuấn cũng nói mức lãi suất ngân hàng mà doanh nghiệp nêu chỉ mới áp dụng vài tháng nay, còn ở thời điểm sửa đổi luật thì lãi suất ngân hàng đang ở mức 20-25%. Ông Tuấn đề nghị doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế để khỏi bị phạt chậm nộp với mức cao.

Theo ÁNH HỒNG (Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI