Người phụ nữ vượt qua biến cố, trả nghĩa Sài Gòn bao dung

21/04/2021 - 09:57

PNO - Sau bi kịch gia đình, chị Lê Thị Kim Ngân héo hon rời quê, dắt díu con vào Sài Gòn sinh sống. Ở nơi không có người thân bên cạnh, chị vẫn được thương yêu, san sẻ những nỗi nhọc nhằn. Khổ chưa thôi, nhưng để trả nghĩa Sài Gòn bao bọc, chị tình nguyện làm những việc thiện trong khả năng bé nhỏ.

 

Video: Người phụ nữ vượt qua biến cố, trả nghĩa Sài Gòn bao bọc

Gió thốc làm cây dù che bình nước miễn phí ở trước cửa hàng bị xiêu vẹo, chị Lê Thị Kim Ngân (34 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) vội vàng chạy ra sửa lại. Đôi tay co quắp của chị cố sửa sang bình nước, cây dù cho ngay ngắn.

Ngày nào chị Ngân cũng mang bình nước miễn phí, che cây dù, đặt ở trước cửa hàng. Chị kể, hồi mới vô Sài Gòn, lúc vào trung tâm thành phố khám bệnh, chị và con trai hay ghé vào chỗ có bình nước miễn phí uống cho đỡ khát. Về nhà, chị nghĩ bụng chắc cũng có nhiều người giống mình nên mua nước để ngoài vỉa hè.

Nhiều người bán vé số, xe ôm, ve chai… đi ngang thấy bình nước miễn phí thì dừng lại uống hoặc lấy nước vào bình riêng rồi mang theo.

Chị Ngân cố gắng dùng đôi tay co quắp nắn nót dòng chữ Nước uống miễn phí
Chị Ngân cố gắng dùng đôi tay co quắp nắn nót dòng chữ "Nước uống miễn phí"

“Đâu cần có thật nhiều tiền mới làm chuyện tốt, mình làm được gì thì cứ làm thôi. Mà cũng lâu lâu mới có người ghé vào uống nên không tốn kém bao nhiêu”, chị Ngân chia sẻ.

Thu nhập của chị Ngân chỉ đủ đắp đổi qua ngày, lo cho 2 con trai ăn học. Vậy mà, ngoài nước uống miễn phí, vào mỗi cuối tháng, chị lại dẫn 2 con vào thăm trẻ mồ côi, khuyết tật… ở các mái ấm.

Chị Ngân chia sẻ: “Đi vào mái ấm, nhìn các bé, tôi thấy dễ chịu lắm. Cuối tháng, tôi dành riêng một số tiền để 3 mẹ con sinh hoạt, còn dư bao nhiêu thì mua bánh, sữa, đồ ăn… vào thăm các bé. Nhiều khách hàng biết tôi hay thăm các bé nên cũng chủ động gửi tiền thêm”.

Không đặt nặng lòng tốt đáng giá bao nhiêu tiền, bao nhiêu quà, có ít tiền thì chị mua một thùng sữa vào chia cho từng bé. Chị không ngại người khác dè bỉu. Điều chị tìm và thấy cần là tình yêu thương mà các bé dành cho 3 mẹ con chị.

“Thấy tôi, bé nào cũng giơ tay ra đòi ôm, nắm tay như gặp lại mẹ. Lúc tôi ra về, các bé khóc, níu tay níu chân”, chị Ngân xúc động kể lại.

Chưa dừng lại ở đó, chị Ngân còn ra sức phát triển Fanpage Câu lạc bộ Trái Tim Yêu Thương với hy vọng nơi đây trở thành kênh bán hàng online của người khuyết tật.

Chị Ngân thường dẫn 2 con trai đi thăm trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các mái ấm
Chị Ngân thường dẫn 2 con trai đi thăm trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các mái ấm

Chị vui mừng chia sẻ: “Tôi ráng tận dụng những kinh nghiệm mà mình biết để thu hút thành viên, người yêu thích Câu lạc bộ Trái Tim Yêu Thương. Hiện tại, câu lạc bộ đã có gần 2.000 người theo dõi. Các em khiếm thị, khuyết tật… có thể livestream bán hàng mà không mất phí. Các em có thể bán hoa giấy, đồ len… tự làm hoặc giới thiệu sản phẩm uy tín đến mọi người”.

Lý giải việc phát triển kênh bán hàng online cho người khuyết tật, chị Ngân bày tỏ, bản thân từng làm ra rất nhiều tiền một cách dễ dàng. Từ một người ở đợ, chị mua được đất, mở tiệm internet, mỗi tháng thu vào hàng chục triệu. Thế nhưng, từ sau biến cố bị chồng thiêu sống, gây bỏng 92%, nghĩ đến chuyện kiếm được 1 ngàn đồng, chị cũng thấy khó khăn.

“Gặp nạn, nằm một chỗ, trở thành người khuyết tật, tôi khát khao kiếm tiền hơn bao giờ hết. Bởi đã trải qua cảm giác đó, cho nên tôi hiểu những bạn có hoàn cảnh bất hạnh khác chắc cũng có mong ước kiếm được tiền. Không có tiền bạc để giúp các bạn nên tôi xây dựng kênh này để mọi người tự tìm kế sinh nhai”, chị Ngân chia sẻ.

Những việc tử tế mà chị Ngân làm có thể rất nhỏ nhoi với một số người nhưng nếu hiểu được hoàn cảnh của chị, chắc chắn không ít người thán phục.

Người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt cảm nhận cuộc sống thật đẹp khi được cho đi yêu thương
Người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt cảm nhận cuộc sống thật đẹp khi được cho đi yêu thương

Gợi một chút đau đớn của quá khứ để thấy thực tại thật đáng quý, lòng chị Ngân lại quặn thắt: “Sau khi người chồng đầu bỏ đi biệt xứ, tôi bơ vơ, lao đầu vào kiếm tiền. Vết thương lòng vừa kéo da non, tôi gặp người chồng sau. Người đàn ông này đã đẩy tôi vào biến cố kinh hoàng”.

Trước khi bị chồng thiêu sống, chị Ngân có trong tay nhiều thứ. Chị làm chủ một tiệm quần áo, 2 tiệm internet ở Phú Yên và có 2 cậu con trai ngoan ngoãn.

Chồng lâm bệnh, không phụ giúp được nhiều nhưng chị tận tụy chăm sóc. Ấy vậy nhưng anh lại nghiện cá độ bóng đá dẫn đến nợ nần.

Năm 2018, vào một đêm tháng 3, chồng của chị Ngân tưới xăng, châm lửa thiêu vợ con. “Tôi bị ám ảnh ngọn lửa bao trùm căn phòng năm đó. Người tôi chìm trong biển lửa. Tôi không thấy bỏng rát, lúc đó chỉ biết tìm cách đưa 2 con ra ngoài”, chị Ngân nhớ lại.

Đưa hai con ra được bên ngoài, chị Ngân ngất lịm. Lúc tỉnh lại, toàn thân của chị quấn kín băng. Sau đó, những cơn đau hành hạ thể xác cứ kéo đến liên hồi, có lúc nhấn chìm tinh thần lạc quan của người mẹ trẻ.

Có đêm, chị thảng thốt bật dậy, la hét kêu cứu. Vết thương kéo da mà nỗi sợ năm nào vẫn vẹn nguyên.

Chị Ngân không câu nệ việc nhỏ việc to, miễn tốt cho mọi người thì chị đều cố thực hiện
Chị Ngân không câu nệ việc nhỏ việc to, miễn tốt cho mọi người thì chị đều cố thực hiện

“Tôi biết mình còn có 2 con trai. Hai đứa con bé bỏng trở thành chỗ dựa tinh thần, nấu ăn cho mẹ, giúp mẹ đi lại, sinh hoạt cá nhân…”, chị Ngân cho biết.

Lạ thay, nỗi đau thấu trời của chị lại lành lặn sau quyết định viết đơn xin giảm án cho chồng. “Nếu cứ giữ mãi nỗi đau ấy trong lòng, tôi và các con sẽ mãi bị ám ảnh. Tôi muốn quên đi tất cả để nhẹ lòng bước đi trên một đoạn đường mới. Tôi rời quê, đưa con vào Sài Gòn, làm lại từ đầu”, chị Ngân cười.

Kim Ngân nói, Sài Gòn hào sảng sẵn sàng thu nạp, bao bọc những mảnh đời hiu hắt như 3 mẹ con chị. Ở vùng đất mới, chị tìm được việc làm với đôi tay co quắp, các con được đến trường, có mái nhà nhỏ chui ra chui vào, có mảnh sân trồng thêm bầu bí.

Người phụ nữ đi đường ghé vào uống nước và gửi lời cảm ơn chị Ngân
Người phụ nữ đi đường ghé vào uống nước và gửi lời cảm ơn chị Ngân

“Bóng đèn, cây quạt hư… cũng nhờ hàng xóm sửa giúp. Những lần tôi nhập viện điều trị, các con được bà con xung quanh trông nom. Bà chủ cửa hàng lúc nào cũng động viên, thấy tôi làm gì cũng ủng hộ, khen đẹp, khen tốt…”, chị Ngân chia sẻ.

Chị nói tiếp: “Nhiều người biết hoàn cảnh cũng muốn gửi chút tiền giúp 3 mẹ con nhưng tôi từ chối. Tôi sửa quần áo, bán hàng online… cũng đủ tiền trang trải. Bây giờ, tôi không mong ước nhà cao cửa rộng, chỉ mong được cùng con đi đây đi đó, thăm nom những hoàn cảnh khổ hơn mình”.

Chị tự nhận, trước đây, bản thân sống rất phù phiếm, đạt được mong ước này lại mong có nhiều hơn. Thật lạ, khoảng thời gian đó, chị chưa bao giờ cảm nhận được hạnh phúc. Hiện tại có vô vàn khó khăn nhưng chị lại cảm thấy bình yên.

Ngọc Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI