Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có bằng Pro AFC

26/09/2023 - 05:49

PNO - Cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Văn Thị Thanh vừa trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có được bằng Pro AFC - tấm bằng huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp cấp cao nhất do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấp.

Muốn giúp sức cho bóng đá nước nhà

Khóa học kéo dài từ ngày 9/6/2022 đến 16/9/2023. Đây là khóa học chuyên nghiệp thứ hai dành cho các huấn luyện viên cấp quốc gia, sau khóa đầu vào năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chủ động mời giảng viên sang giảng dạy. Khóa học bằng Pro AFC có 11 học viên và Văn Thị Thanh là học viên nữ duy nhất, bên cạnh 10 học viên nam. 

Được đại diện học viên khóa học phát biểu, Văn Thị Thanh nói: “Những kiến thức được tiếp thu ở khóa học này rất bổ ích. Đối với huấn luyện viên, ngừng học hỏi nghĩa là dừng công việc của mình. Bằng cấp của khóa học lần này quan trọng, nhưng mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới là giúp sức cho nền bóng đá quốc gia trong tương lai”.

Văn Thị Thanh đại diện học viên phát biểu trong buổi lễ tổng kết khóa đào tạo huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp cấp cao nhất của AFC - Nguồn ảnh: VFF
Văn Thị Thanh đại diện học viên phát biểu trong buổi lễ tổng kết khóa đào tạo huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp cấp cao nhất của AFC - Nguồn ảnh: VFF

Chia sẻ này cũng là triết lý cuộc sống của Thanh: không ngừng học hỏi và luôn trăn trở, khát khao được đóng góp vào sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Đứng lên sau biến cố

Năm 2002, khi 17 tuổi, Văn Thị Thanh đã khoác áo đội tuyển quốc gia và 1 năm sau đó, cô ghi bàn duy nhất trong trận chung kết thắng Myanmar 1-0, giúp đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoạt Huy chương Vàng SEA Games 22. Cùng năm 2003, Thanh đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng. 

Thanh rất giỏi trong những tình huống sút phạt. Thanh xử lý bóng tốt cả 2 chân nên chơi tốt ở cả 2 cánh. Thanh có những pha đi bóng lắt léo, bất ngờ đổi hướng khiến đối thủ chôn chân. 

Cuộc sống trên sân bóng của Thanh đẹp nhưng đường tình duyên của Thanh lại trắc trở: ly hôn sau 6 năm chung sống với người mà cô đã dành trọn tuổi thanh xuân để yêu. Dù là người mạnh mẽ, Thanh vẫn trải qua 2 năm mất phương hướng. Có những lần, Thanh phải chạy xe lên cầu để hét thật to nhằm giải tỏa mọi ức chế bị dồn nén.

Thanh rơi vào bế tắc, nhìn đâu cũng thấy màu xám. Nhưng rồi, cô nhận ra rằng, không ai cứu được mình ngoài chính mình. Cô đã đứng lên, và con trai chính là nguồn động lực để cô mạnh mẽ bước tiếp.

Bóng đá là cuộc đời

Diễn tả cuộc sống từ lúc bắt đầu đến với bóng đá cho tới sau ly hôn, cựu tiền vệ Văn Thị Thanh ví von: “Cuộc đời đã chuyền cho Thanh những đường bóng quá khó mà Thanh phải đón nhận và tìm cách xử lý”. 

Cha mẹ Thanh làm nghề nông, sinh 4 anh em mà Thanh là con gái duy nhất. Khi còn nhỏ, nhà Thanh rất nghèo. Năm 14 tuổi, Thanh chỉ cao 1,46m, là cầu thủ nhỏ con nhất lớp năng khiếu bóng đá nữ tỉnh Hà Nam. 

Nhưng bằng lòng đam mê và sự khổ luyện, Thanh dần vượt qua mặc cảm thể hình, gia cảnh. Thanh luôn nỗ lực gấp đôi so với những người khác, luôn đến sân sớm nhất, rời sân trễ nhất để rèn luyện thêm các kỹ năng, thể lực khi đã có sẵn năng khiếu xử lý bóng khéo léo. 3 năm sau, Thanh cao 1,58m, thể lực sung mãn, di chuyển không biết mệt mỏi và được triệu tập vào đội tuyển quốc gia.

Năm 2009, Thanh giã từ đội tuyển quốc gia và 2 năm sau, cô giã từ đời cầu thủ khi mới 26 tuổi, để tập trung học cho xong đại học. Sau khi “treo giày”, Văn Thị Thanh kết hôn với người bạn học chung đại học nhưng chia tay sau 6 năm chung sống. Sau 2 năm khủng hoảng hậu ly hôn, cô mở Trung tâm Bóng đá cộng đồng Văn Thị Thanh và làm huấn luyện viên. Hiện cô là trợ lý huấn luyện viên đội tuyển bóng đá U16 quốc gia. 

Trăn trở cùng bóng đá nữ

Sau khi có bằng A huấn luyện viên, Thanh học khóa Pro AFC bởi cô không chỉ muốn trở thành huấn luyện viên giỏi mà còn muốn làm giảng viên để đào tạo thêm nhiều huấn luyện viên giỏi cho bóng đá Việt Nam. 

Nói về bóng đá nữ Việt Nam, Thanh mong các cấp lãnh đạo, người hâm mộ, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, thực tế hơn, để các cầu thủ nữ an tâm cống hiến. 

Theo cô, cầu thủ nữ khổ hơn cầu thủ nam, nên cần cố gắng sắp xếp thời gian để đi học, có tri thức và bằng cấp để dễ xoay xở sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ. Thanh cho rằng, 2 yếu tố quan trọng nhất để đi đến thành công là kỹ năng sống và sự kiên trì luyện tập.

Văn Thị Thanh nói rằng, bóng đá đã sinh ra cô lần thứ hai, bởi bóng đá cho Thanh tên tuổi, tài chính và giúp Thanh thay đổi được bản thân sau những biến cố trong cuộc đời.

Đặng Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI