Người phụ nữ “vì nghĩa đồng bào, đồng đội”

30/08/2016 - 05:51

PNO - Chiến tranh đi qua, chứng kiến cảnh nhiều nhà mất người thân, nhiều anh em nằm xuống nhưng chưa được gia đình đưa về nhang khói, bà đau đáu, trăn trở.

Xuất thân trong gia đình có mẹ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha là liệt sĩ; em trai, chị gái và chồng đều hy sinh trong chiến tranh, bà Kiều Thị Nông đã mang trong mình dòng máu yêu nước, hun đúc lên phẩm chất của người cách mạng. 

Đặc biệt, chính mẹ bà đã truyền đam mê công tác hội phụ nữ (PN) cho con gái ngay từ thời niên thiếu, khi cô bé Nông mới 12 tuổi. Nông được mẹ giao sổ sách để ghi chép, viết tài liệu tuyên truyền về Hội; không biết tự bao giờ, cô gắn bó với Hội, đi theo Hội đến tận bây giờ - dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Nguoi phu nu “vi nghia dong bao, dong doi”
Bà Kiều Thị Nông bên cuốn sổ ghi chép xin bảo hiểm y tế cho người có công

Những ngày gian khổ trong chiến tranh, tuy gia đình bà nghèo khó nhưng vẫn là nơi lui tới của nhiều cán bộ cách mạng, là nơi nuôi quân, cưu mang những người từ miền Bắc vào Nam mà không có người thân thích. Cuộc sống thiếu thốn, đôi lúc cô bé Nông hỏi cha “tại sao phải làm thế? Có cách nào khác không?”. Ông cười, hỏi lại con gái: “Sống trên đời này, cái gì là quý nhất? Tại sao mình khó khăn mà người ta vẫn tìm đến, trong khi những người giàu có lại không ai lui tới?”. Không chờ câu trả lời, Nông đã hiểu lời dạy của cha.

Chiến tranh đi qua, chứng kiến cảnh nhiều nhà mất người thân, nhiều anh em nằm xuống nhưng chưa được gia đình đưa về nhang khói, bà đau đáu, trăn trở. Năm 1977, Nhà nước có chương trình quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bà tích cực tham gia. Bà lội xuống từng mảnh ruộng, đến từng con hẻm, thôn xóm hỏi thăm những người sinh sống trong khu vực để tìm hiểu thông tin về những người đã nằm xuống. Bà ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết về thời gian, ngày tháng, địa điểm và chuyển tải tất cả thông tin này cho ban tổ chức. Có những nơi, bà phải đến nhiều lần, hỏi thăm rất nhiều người mới tìm được địa điểm chính xác. Mỗi bộ hài cốt được tìm thấy, là thêm một lần thúc đẩy bà tiếp tục kiếm tìm.

Dù ở tuổi thất thập, nhưng bà Nông vẫn nhớ như in từng chi tiết của những ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ. Bà kể: Trong lần đầu tiên, tôi và các anh ở xã chỉ tìm được chín bộ, lần thứ hai tăng lên 17 bộ. Đến lần thứ ba tìm kiếm đại trà trên toàn ấp hàng trăm bộ hài cốt đã được tìm thấy. Có lần trong vài ngày, đoàn chúng tôi quy tập được 90 bộ, chưa kịp đưa về Nghĩa trang liệt sĩ của huyện, phải để tạm ở trường học. Không có người trông coi, tôi được giao nhiệm vụ nhang khói trong hai ngày, thiêng liêng và xúc động lắm!”.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ kết thúc, bà Nông lại đau đáu khi chứng kiến nhiều con em gia đình cách mạng có cuộc sống quá khó khăn. Lặn lội xuống từng nhà, bà tìm hiểu hoàn cảnh, vận động họ vào Hội để được hỗ trợ vốn làm ăn. Nhiều gia đình nhờ thế mà thoát nghèo.

Nói chuyện với chúng tôi, bà khoe quyển sổ ghi chép đầy đủ những hoàn cảnh được đề xuất cấp bảo hiểm y tế miễn phí, bởi hầu hết các trường hợp này đều là người có công với cách mạng. Đối với bà, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ là chuyện nên làm, vừa là nghĩa đồng bào vừa là nghĩa đồng đội, cũng là tưởng nhớ đến cha ông.

Bà Kiều Thị Nông (sinh năm 1936)

- Tổ trưởng PN ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù, đầy” năm 2002.

- Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc gia

đình thương binh liệt sĩ” do UBND TP.HCM cấp năm 2003.

- Bằng khen “Đã có thành tích tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn vượt lên thương tật, bệnh tật tích cực hòa nhập vào đời sống xã hội” do UBND TP.HCM cấp năm 2007.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI