"Người phụ nữ trong chiếc váy vàng" của Gustav Klimt

13/12/2020 - 12:01

PNO - Bức chân dung "Người phụ nữ trong chiếc váy vàng" - Woman in Gold đánh dấu giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của Klimt. Bức tranh được bán với giá 135 triệu USD vào năm 2006 - mức đấu giá cao nhất cho một bức tranh thời bấy giờ. Hiện tác phẩm đang tọa lạc tại Phòng trưng bày nghệ thuật Neue Galerie ở New York (Mỹ).

Câu chuyện đằng sau tác phẩm Chân dung Adele Bloch-Bauer I (còn được biết đến với tên gọi Golden Adele hoặc Woman in Gold) do Gustav Klimt thực hiện chắc chắn không khỏi khiến người xem xúc động, bởi nó là vật chứng cho tình yêu vụng trộm, sự hy sinh, tội ác chiến tranh và cả công lý.

Cuộc tình vụng trộm 

Chân dung Adele Bloch-Bauer I là bức chân dung đầu tiên trong số hai bức chân dung Gustav Klimt vẽ Adele, được coi là cột mốc quan trọng cho “giai đoạn vàng son” của Klimt. Nhân vật chính trong tranh là Adele Bloch-Bauer khi cô 25 tuổi. Chồng của Adele - ông trùm ngành sản xuất đường tại Séc Ferdinand Bloch-Bauer - đã ủy quyền cho họa sĩ nổi tiếng người Áo Gustav Klimt vẽ hai bức chân dung tặng vợ mình. 

Ngoài đời, Adela Bloch-Bauer là một trong những người bạn và khách quen của Klimt, “nàng thơ” duy nhất mà họa sĩ đã vẽ tận hai lần. Cô và chồng là một trong những gia đình sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Vienna. Thế nhưng sự thật đằng sau đấy, Ferdinand Bloch-Bauer biết được rằng Adele đã lừa dối mình, cả thành phố Vienna bắt đầu đồn đãi về mối tình lãng mạn giữa Adele và Gustav Klimt.

Bức Chân dung Adele Bloch-Bauer I trong sắc vàng rực rỡ mang đậm phóng cách Ai Cập vào thời kỳ đỉnh cao của Gustav Klimt
Bức Chân dung Adele Bloch-Bauer I trong sắc vàng rực rỡ mang đậm phóng cách Ai Cập vào thời kỳ đỉnh cao của Gustav Klimt

Dù vậy, Ferdinand không thể ly hôn vì cuộc hôn nhân của họ dựa trên sự hợp nhất của hai gia đình Do Thái giàu có, Bloch và Bauer. 

Ferdinand suy nghĩ kế hoạch trả thù và chợt nhớ rằng người Ấn Độ cổ đại từng chia rẽ những cặp đôi yêu nhau bằng cách xích họ với nhau, cho đến khi cả hai bắt đầu chán ghét nhau. Ferdinand quyết định đặt mua một bức chân dung của vợ mình từ Klimt, với yêu cầu tuyệt tác này có thể tồn tại hàng thế kỷ. Người chồng ghen tuông mong rằng sẽ mất nhiều thời gian để Klimt hoàn thành bức tranh và lúc ấy người họa sĩ sẽ chán ngấy Adele. Kết quả, Klimt đã thực hiện khoảng 100 bức phác thảo và hoàn thành bức chân dung vào năm 1907. Và như những gì Ferdinand tính toán, mối quan hệ giữa Adele và Klimt cũng dần lắng xuống. Ferdinand hài lòng với kết quả và treo bức chân dung ấy trong phòng khách.

Hành trình dài trong chiến tranh

Chiến tranh thế giới thứ nhất đến gần cũng là lúc Klimt qua đời ở tuổi 52 vào năm 1918 vì đột quỵ. Adele qua đời bảy năm sau đó vì bệnh viêm màng não. Trong di chúc của mình, bà đề nghị chồng để lại cả hai bức chân dung và một số tác phẩm khác của Klimt cho Phòng trưng bày quốc gia Áo khi ông qua đời. Tuy nhiên, sau đó, bức tranh vẫn được treo trong ngôi nhà của gia đình Bloch-Bauer. Khi Đức Quốc xã xâm lược Áo, Ferdinand chạy trốn đến Thụy Sĩ, các tác phẩm nghệ thuật và tài sản quý giá khác của ông bị tịch thu.

Hitler rất thích các tác phẩm của Gustav Klimt. Trước đó, Hitler từng muốn tham gia một số lớp học do Klimt giảng dạy. Klimt từ chối, nói rằng Adolf Hitler đủ tài năng và không cần theo học. Kết quả, Hitler đánh mất suất vào học viện nghệ thuật, thất bại trước một họa sĩ người Do Thái và đó có thể là một lý do khiến Hitler ghét người Do Thái. Nhưng lòng căm thù của Hitler không làm thay đổi góc nhìn của ông về Gustav Klimt. Chính nhà độc tài đã ra lệnh cứu những bức tranh của Klimt khỏi ngọn lửa chiến tranh. 

Chân dung Gustav Klimt - họa sĩ bậc thầy người Áo
Chân dung Gustav Klimt - họa sĩ bậc thầy người Áo

Ngược lại, Hitler không chấp nhận đưa bức chân dung của Adele vào bộ sưu tập do vẻ ngoài của người phụ nữ quá đậm chất Do Thái. Bức tranh biến mất kể từ đó. Sau này, gia đình Bloch-Bauer mới biết rằng Alois Kunst - bạn trai cũ của người cháu gái - đã cứu bức tranh và đem về đặt trong bảo tàng Belvedere, nơi Kunst làm giám đốc. Bức tranh được mua lại bởi nước Áo sau giai đoạn Đức chiếm đóng. Trong suốt năm thập niên, Woman in Gold vẫn được treo tại bảo tàng Belvedere ở Vienna. Năm 1998, Áo ban hành đạo luật mới nhằm phục hồi hơn 100.000 tác phẩm nghệ thuật bị Đức Quốc xã cướp phá và đó là khởi đầu của cuộc chiến giữa Áo và người thừa kế thực sự của bức tranh.

Cuộc chiến pháp lý giữa người thừa kế và nước Áo

Maria Viktoria Bloch-Bauer, sinh ngày 18/2/1916, tại Vienna, Áo. Cô là con của Gustav Bloch-Bauer và Therese Bauer. Mặc dù Maria chưa đủ lớn để biết về Gustav Klimt, cô vẫn nhớ hình ảnh của chú Ferdinand và dì Adele cùng ngôi nhà lớn của họ, nơi chứa đầy tranh ảnh. Maria và Alois Kunst - bạn trai đầu tiên của cô - thường đến thăm dì Adele dù cuối cùng Maria đã kết hôn với một người đàn ông khác, Frederick “Fritz” Altman và trở thành Maria Altmann.

Khi quân Đức xâm lược, chồng cô đã bị bắt và gửi đến trại tập trung Dauchau. Sau khi Fritz được trả tự do, anh cùng Maria vượt biển đến định cư tại California (Mỹ).

Trong nhiều năm, Maria Altmann yêu cầu nước Áo trả lại bộ sưu tập nhưng đều bị từ chối với lý do bà Adele muốn quyên tặng số tác phẩm cho bảo tàng. Mọi thứ dần chìm vào yên lặng cho đến khi Áo thông qua luật buộc chính phủ phải minh bạch hơn về các tác phẩm do Đức Quốc xã cướp phá và một nhà báo phát hiện ra rằng Adele không sở hữu số tranh bởi người thuê Klimt là Ferdinand và Ferdinand chưa bao giờ tặng bộ sưu tập cho Áo. Thay vào đó, ông để lại tất cả tài sản cho các con của anh trai mình. Vào thời điểm ấy, bà Maria là người thừa kế duy nhất ở tuổi 80.

Bà Maria cố gắng thương lượng, thậm chí cho phép Áo giữ quyền sở hữu bức chân dung. Tuy nhiên, thỏa thuận không thành công. Bà buộc phải kiện chính phủ Áo thông qua các tòa án tại Áo. Bức chân dung được định giá 135 triệu USD, vì vậy, phí nộp đơn để khởi kiện là 1,5 triệu USD - một số tiền không tưởng với gia đình bà. Do đó, người phụ nữ ngoài 80 quyết định chuyển vụ việc sang tòa án Mỹ, sử dụng cách tiếp cận sáng tạo là viện dẫn “ngoại lệ tước quyền sở hữu” từ Đạo luật miễn trừ chủ quyền nước ngoài (FSIA) năm 1976 để đưa chính phủ Áo ra tòa ở Mỹ.

Bà Maria Altmann tại nhà riêng ở Los Angeles vào ngày 9/1/2004, đứng trước một bản sao chép từ bức tranh Woman in Gold
Bà Maria Altmann tại nhà riêng ở Los Angeles vào ngày 9/1/2004, đứng trước một bản sao chép từ bức tranh Woman in Gold

Trên thực tế, chính phủ Áo biết rằng bộ sưu tập bị phát-xít Đức cướp bóc. Như vậy, chính phủ Áo hoàn toàn hiểu rằng chủ sở hữu thực tế có quyền đòi lại tài sản của mình. Tòa án tối cao Mỹ đã đồng ý, đưa ra phán quyết vào năm 2004 rằng chính phủ Áo không có quyền miễn trừ và vụ kiện có thể được tiến hành.

Sau một số phiên tòa, Áo quyết định trả lại năm bức tranh bao gồm cả bức chân dung của Adele cho bà Maria Altman. Không lâu sau đó, bà Maria đã bán bức chân dung Adele cho Ronald Lauder, chủ sở hữu hãng nước hoa Estee Lauder với giá 135 triệu USD - người đã đặt nó trong phòng trưng bày nghệ thuật của ông ở New York, Neue Galerie. 

Câu chuyện của bà Maria đã truyền cảm hứng cho một bộ phim ra mắt vào năm 2015. Vai Maria Altmann do diễn viên Helen Mirren đảm nhận.

Maria Altman qua đời ở tuổi 94 vào năm 2011. Đến nay, tất cả người tham gia câu chuyện ly kỳ đằng sau bức chân dung đều không còn nhưng chắc chắn Woman in Gold sẽ sống mãi với thời gian. 

Ngọc Hạ 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI