Người phụ nữ trẻ chinh phục ước mơ cầu lông quốc tế chỉ với 1 chân

28/10/2020 - 16:02

PNO - Manasi Joshi, cô gái người Ấn Độ bị mất chân vì tai nạn giao thông, nhưng cô ấy đã tìm thấy niềm đam mê - và sự công nhận quốc tế - trên sân cầu lông.

Cách đây 8 năm, Joshi là một kỹ sư phần mềm 23 tuổi đang lái chiếc xe tay ga đến làm việc ở Mumbai thì chiếc xe tải lao đến, khiến cô bị dập nát chân trái và bị thương cả hai tay.

Các bác sĩ phải cắt cụt chân của Joshi và cô phải đối mặt với nhiều tháng phục hồi chức năng để học cách đi lại. Thế nhưng tai nạn không thể làm tổn thương tinh thần và cô gái trẻ đã quyết tâm vực dậy chính mình bằng cách chơi môn thể thao yêu thích: cầu lông.

Manasi Joshi và búp bê Baribie dựa trên hình mẫu của cô.
Manasi Joshi và búp bê Baribie dựa trên hình mẫu của cô

Joshi (31 tuổi) nói với AFP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại tại nhà riêng ở thành phố Ahmedabad, miền Tây Ấn Độ: “Đó là một hành trình về việc học hỏi và chấp nhận những điều khác biệt. Làm việc chăm chỉ với những thứ tưởng chừng khó khăn giờ đây đã trở thành điều bình thường với tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã đi được một chặng đường dài".

Dùng chân giả 3 tháng sau vụ tai nạn, cô quay trở lại sân cầu để theo đuổi đam mê của mình.

Joshi bắt đầu chơi cầu lông năm 6 tuổi và sử dụng các kỹ năng được mài dũa thông qua thành công trong các cuộc thi ở trường để tìm lại lợi thế chiến thắng của mình.

Năm tháng sau khi đeo chân tay giả, Joshi đã giành được huy chương vàng đầu tiên trong một giải đấu văn phòng trước những người chơi có thể hình tốt.

Được khích lệ, cô tập luyện chăm chỉ hơn với sự hỗ trợ của gia đình và cuối cùng bỏ hẳn vị trí kỹ sư phần mềm để chơi cầu lông vào năm 2016.

Hai năm sau, cô gia nhập học viện của huấn luyện viên quốc gia Pullela Gopichand ở Hyderabad, và trở thành thành viên của đội tuyển cầu lông quốc gia Ấn Độ.

Năm 2019, Joshi giành huy chương vàng nội dung đơn tại giải vô địch cầu lông thế giới dành cho người khuyết tật - biến năm 2019 trở thành năm quan trọng đối với các tay vợt nữ của Ấn Độ khi người “đồng nghiệp” PV Sindhu cũng là nhà vô địch thế giới.

Tạp chí Time đã giới thiệu Joshi trên trang bìa của ấn bản châu Á tháng 10/2020 với tư cách là một trong tám nhà lãnh đạo "thế hệ kế tiếp" toàn cầu.

Các nhà sản xuất búp bê Barbie nổi tiếng của Mỹ đã ghi dấu những thành tựu của Joshi vào ngày Quốc tế Trẻ em gái vào hôm 11/10 với một búp bê Barbie được làm theo hình mẫu của cô ấy.

"Tôi cảm thấy vinh dự khi được trở thành một phần của tất cả những điều này. Tôi nghĩ chúng sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để tin rằng mọi thứ đều có thể xảy ra", Joshi thổ lộ và nói thêm rằng ngày càng có nhiều sự thừa nhận về thành tích của các vận động viên có trình độ khác nhau.

Giờ đây, nhà vô địch thế giới đầy cảm hứng đang nhắm tới huy chương vàng Paralympic khi môn thể thao này ra mắt tại Tokyo vào năm 2021.

Manasi Joshi tập luyện cùng anh trai tại nhà riêng của gia đình ở Ahmedabad.
Manasi Joshi tập luyện cùng anh trai tại nhà riêng của gia đình ở Ahmedabad

Một thử thách mới hiện đang chờ đợi Joshi khi Paralympic diễn ra ở Nhật Bản vào năm tới với nội dung đôi nam nữ và đôi nữ, chứ không có sự kiện đánh đơn nào khác diễn ra.

Cô đang tập luyện sáu ngày một tuần, đôi khi hai lần một ngày, tập trung vào việc tăng cường sức mạnh và khả năng chịu đựng của cơ thể.

Bước cùng trên con đường tìm kiếm thành công luôn là gia đình của cô ấy, đặc biệt là người anh trai kiêm huấn luyện viên Kunjan Joshi.

Nữ tuyển thủ nhận xét: "Gia đình hiểu rõ tôi đang làm việc chăm chỉ để thay đổi toàn bộ kịch bản của cuộc đời tôi và đảm bảo rằng tôi luôn cống hiến 100% sức lực, tinh thần của mình".

Linh La (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI