Người phụ nữ Thái Lan được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng

30/04/2015 - 08:43

PNO - PN - Là phụ nữ gốc Thái Lan, mẹ có năm người con tham gia kháng chiến giành độc lập cho dân tộc Việt Nam. Trong đó, hai người con của mẹ đã vĩnh viễn không trở về.

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 2014, mẹ Tống Thị Hiền (SN 1921, ở khối Đồng Tâm 2, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ là phụ nữ Thái Lan duy nhất vinh dự nhận danh hiệu cao quý này.

Nguoi phu nu Thai Lan duoc phong tang danh hieu Me Viet Nam anh hung

Mẹ Tống Thị Hiền không nguôi nỗi nhớ hai người con đã hy sinh

Theo chồng về vùng lửa đạn

Sinh ra và lớn lên ở Xài Mun, Xà Cồn, Thái Lan, cô gái Tống Thị Hiền (tên tiếng Thái là Khăm Xón Chèm Chăn) gặp và nên duyên vợ chồng với người con trai Việt Nam tên Tống Văn Hiền, quê Hà Tĩnh. Thời điểm đó, ông Tống Văn Hiền theo gia đình sang sinh sống tại Thái Lan, cùng nhóm thợ làm việc tại bản Xài Mun nơi cô giáo Chèm Chăn dạy học. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, chàng trai Việt đã “chết” đứng trước vẻ đẹp của cô gái Thái đang độ tuổi 20.

Một đám cưới nhỏ được tổ chức. Hai ông bà sinh được sáu người con, cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc tại Thái Lan. Lúc ấy, ở Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào thời khắc khó khăn, ác liệt nhất. Làm ăn sinh sống ở xứ người, ông Hiền luôn mong ngóng mọi thông tin ở quê nhà. Mỗi lần nghe tin chiến sự là cả đêm ông không thể chợp mắt. Hình ảnh quê nhà bị tàn phá dưới thảm bom của giặc Mỹ luôn luôn xuất hiện trong tâm trí người con xa quê.

“Năm 1960, Đảng và Bác Hồ kêu gọi những người con của Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Thái Lan về tham gia kháng chiến. Ông nhà tôi nghe được, sau mấy đêm liền mất ngủ, quyết định đưa cả gia đình về Việt Nam. Tôi lo lắm. Mình chưa biết tiếng Việt, các con cũng thế. Dù vậy, ông ấy đi đâu thì mẹ con tôi theo đó”, mẹ Hiền nhớ lại thời khắc khó khăn khi phải rời bỏ nơi mình đã sinh ra và lớn lên để theo chồng.

Sau bữa cơm chia tay gia đình, người thân, mẹ Hiền cùng chồng và các con lên chuyến tàu số 31, lênh đênh trên biển suốt hơn hai tháng ròng rã mới về đến Việt Nam. Do bất đồng ngôn ngữ, nếp sinh hoạt, bệnh tật do thay đổi môi trường sống... gia đình nhỏ của mẹ gặp nhiều khó khăn. Hình ảnh không bao giờ xóa nhòa trong ký ức của mẹ về thời chiến tại Việt Nam là làng quê bị tàn phá do bom đạn, mất mát chia ly, rồi thiên tai lũ lụt khiến làng quê tiêu điều.

Tại vùng Phủ Quỳ (thị xã Thái Hòa, Nghệ An bây giờ), người phụ nữ Thái Lan quen dần với phong tục tập quán, cách trồng lúa, quen với nắng, gió khắc nghiệt… Dù vất vả, khó khăn nhưng vì chồng con, mẹ không quản mưa gió, khó nhọc. Cuộc sống của cả gia đình dần ổn định.

Dòng máu Thái hòa mình vào đất Việt

Cuộc kháng chiến của dân tộc chuyển sang những bước ngoặt mới. Lúc này cùng với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cả dân tộc dốc toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người con trai đầu của mẹ là Tống Văn Hiếu lên đường nhập ngũ. “Lúc nó đi, tôi chỉ kịp gấp vội một cái khăn, vay được 10 đồng bạc để con lên đường. Mẹ con ôm nhau mà khóc. Nó đi đằng đẵng không có thư từ gì về cho mẹ. Mẹ lo lắm, đêm nào cũng nằm mơ thấy nó thôi, sau đó mới nhận được tin nó hy sinh”, mẹ Hiền rưng rưng nước mắt nhớ về con trai.

Sau đó, do bệnh tật triền miên, ông Tống Văn Hiền qua đời. Đau thương mất mát dồn dập ập đến với gia đình mẹ. Thời khắc ấy tưởng chừng như mẹ gục ngã. “Ông ấy mất để lại cho tôi đàn con thơ, đứa nhỏ nhất chưa đầy một tuổi …”, mẹ Hiền nghẹn giọng.

Rồi, bốn người con của mẹ lần lượt lên đường nhập ngũ. Năm 1972, một lần nữa mẹ nhận được giấy báo tử anh Tống Văn Xiên hy sinh tại chiến trường Lào. Tiếp đó, một người con khác trở về sau khi bị thương nặng tại chiến trường.

Nhắc đến anh Tống Văn Xiên, mẹ vẫn nhớ như in bức thư duy nhất anh gửi về cho mẹ từ chiến trường. Nội dung chỉ vỏn vẹn có đôi dòng. “Nó nói nhớ mẹ, nhớ gia đình rồi dặn tôi đừng có đánh đòn thằng út, chăm cho các em học hành. Rồi nó bảo bận đánh giặc không thể viết thêm thư về được nữa. Rồi từ đó, tôi không nhận được tin tức gì, cho tới lúc đơn vị báo nó đã hy sinh”, mẹ kể.

Các con mẹ đã vĩnh viễn ra đi, hòa máu mình tô thắm thêm lá cờ tổ quốc giữ vững chủ quyền của dân tộc. Dòng máu Thái Lan của mẹ chảy trong cơ thể các anh hòa mình vào đất Việt trong cuộc chiến tranh khốc liệt. Dù đau đớn, nhưng mẹ tin các con của mình rất tự hào vì được cầm súng, được chiến đấu, được dâng hiến.

Năm 2014, ghi nhận những hy sinh, cống hiến, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ. Ngày đón nhận danh hiệu cao quý, mẹ nghẹn ngào: “Nhà nước tặng mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng mẹ vinh dự lắm. Mẹ cũng được chính quyền tặng một căn nhà tình nghĩa. Mẹ rất tự hào về các con của mình. Nhưng mẹ còn một trăn trở, thằng Hiếu chưa được nhận bằng Tổ quốc ghi công”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tự Minh - Trưởng phòng LĐ-TB-XH thị xã Thái Hòa cho biết: Đối với trường hợp liệt sĩ Tống Văn Hiếu, phòng đã gửi hồ sơ đề nghị phong tặng bằng Tổ quốc ghi công lên cấp trên. Hiện đang trong thời gian chờ kết quả, nhưng mọi chế độ liệt sĩ vẫn đảm bảo đầy đủ.

Hiện mẹ Hiền đang sống trong căn nhà tình nghĩa, các con cháu của mẹ đều sống quây quần gần đó. Tuổi đã cao nhưng mẹ còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, và luôn mong ước những năm cuối đời được trở về nơi chôn nhau, cắt rốn, thăm lại người thân.

NGHĨA ĐÀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI