Năm 2016 đánh dấu một cột mốc khó phai trong lịch sử của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) với chặng đường 40 năm đồng hành cùng đất nước sau Thống nhất.
Bắt đầu là một công ty có nguy cơ phải đóng cửa, đến nay Vinamilk là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với những sản phẩm chất lượng xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Đứng sau những thành công không tưởng đó là một người phụ nữ có vẻ ngoài giản dị nhưng ẩn giấu bên trong là chất thép mà nhiều người phải nể phục, bà Mai Kiều Liên, 4 năm liên tiếp lọt vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Forbes bình chọn.
Con đường dẫn tới sữa của nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á được bắt đầu từ lời khuyên của bố - một bác sĩ Việt kiều Pháp hồi hương theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Năm 1970, cô sinh viên Mai Kiều Liên được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cử đi Nga học.
Cô chọn ngành công nghiệp chế biến sữa. “Là bác sĩ nên bố tôi rất hiểu tầm quan trọng của sữa.Ông khuyên tôi nên chọn ngành sữa bởi sau khi chiến tranh kết thúc, trẻ suy dinh dưỡng sẽ rất nhiều, mà sữa là thức ăn tốt nhất cho trẻ suy dinh dưỡng. Thế là tôi học, cố gắng nghiên cứu xem phải làm sao để sữa phải gần giống sữa mẹ nhất, và càng ngày càng yêu thích”.
* Bà về nước vào thời điểm sau khi chiến tranh kết thúc, mọi thứ đều rất thiếu thốn. Khi đó, có những bước đột phá cho cả một ngành mà bây giờ nhìn lại chúng ta có thể thấy rất “ấu trĩ” không?
- Lúc đó, không có ngoại tệ thì không thể nhập nguyên liệu để sản xuất. Tất cả các công ty cần ngoại tệ đều chỉ trông vào hai nguồn: một là công ty xuất khẩu thủy sản Seaprodex và hai là từ nguồn xuất khẩu tại chỗ của du lịch.
Thế là các công ty trao đổi sản phẩm của mình cho họ. Chúng tôi giao sữa cho họ bán để lấy tiền thu mua thủy sản của ngư dân, rồi họ xuất khẩu thủy sản để thu ngoại tệ về.
Nhưng chúng tôi không nhận lại đôla mà nhờ họ dùng chính số tiền đó mua nguyên vật liệu cho mình. Chúng tôi yêu cầu bột, sữa, bơ, dầu... của các nước. Nhờ thế, chúng tôi giải quyết được vấn đề thiếu
nguyên liệu.
|
Bà Mai Kiều Liên, người tạo nên tên tuổi Vinamilk, người 4 năm liên tục có mặt trong Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. |
Vào những năm 1981, 1982, Nhà nước có chính sách ba kế hoạch cho các công ty. Kế hoạch A là Nhà nước đưa bao nhiêu nguyên liệu, mình sản xuất và giao lại hết sản phẩm cho Bộ Nội thương. Với kế hoạch B: mình có quyền sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước nhưng phải tự tìm nguyên vật liệu và sau đó tự tiêu thụ sản phẩm.
Còn kế hoạch C thì mình hoàn toàn không sử dụng máy móc thiết bị của Nhà nước, nguyên vật liệu và tiêu thụ thì tự lo. Và chúng tôi kết hợp với Seaprodex để trao đổi. Với cách kết hợp này, công ty dùng khoản lãi thu được để mua thêm nguyên liệu, sản xuất giao thêm sản phẩm cho Bộ Nội thương.
Sản phẩm làm thêm được như kem thì chúng tôi cho đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn đi bán lẻ vào thứ Bảy, Chủ nhật. Số tiền thu được dùng để bổ sung thêm lương cho anh em công nhân.
Đó là những cách làm rất mới. Nhiều người giờ nhìn lại nghĩ: ô, sao hồi đó lại làm vậy?
Nhưng quan điểm của tôi là làm quản lý thì đầu tiên phải làm đúng quy định của Nhà nước, nhưng cần vận dụng trên cơ sở MINH BẠCH. Mọi người cũng bảo là thời kỳ đó thật khó khăn, nhưng tôi thấy đó là cơ hội. Vì khi đó thị trường quá sơ khai, nhu cầu thì lại
quá lớn…
* Động lực thúc đẩy cho những nỗ lực của bà thời đó là gì?
- Thời kỳ đầu còn rất khó khăn, công nhân tìm cách lấy cắp nguyên vật liệu bằng cách buộc vào bụng, chân... để mang ra ngoài bán. Nếu bị bảo vệ khám bắt được sẽ bị buộc thôi việc. Tôi mới hỏi các em sao lại làm thế, mất việc có phải uổng không? Họ trả lời: “Chị ơi, con em không có gì để ăn”.
Nghe xong tôi chỉ biết lờ đi, không thể làm gì cả, nhưng trong đầu luôn đau đáu phải làm sao để lương của công nhân được càng nhiều càng tốt. Có họ thì mới có công ty.
Mọi thứ có được là do con người hết.
* Vậy là nhờ các kế hoạch A, B, C, nhờ những sáng kiến phá rào mà Vinamilk đi qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Nhưng đến những năm 1990, khi đất nước mở cửa, hàng loạt công ty nước ngoài đổ vào Việt Nam. Câu chuyện cạnh tranh khi đó là gì?
- Khi các công ty nước ngoài vào Việt Nam thì không còn tình trạng một mình một chợ như trước nữa. Chúng tôi bắt đầu phải cạnh tranh, mà là cạnh tranh trực tiếp bởi họ sản xuất sữa ngay tại Việt Nam.
Nhưng đối thủ cạnh tranh chính là người thầy để mình học hỏi. Chúng tôi thấy mình yếu cái gì, thì phải thay đổi luôn.
Ví dụ như: thấy nguồn nhân lực của mình yếu, thì tuyển thêm nguồn nhân sự đa quốc gia - cũng là người Việt để về làm việc thay vì cử người đi học 3 - 5 năm mới trở về.
Đúng là thời kỳ đầu cạnh tranh rất là khó khăn, đến mức mà người ta cứ nói là Vinamilk chỉ tồn tại được 3 - 5 năm... Các công ty, tập đoàn nước ngoài thì thế như chẻ tre, họ đề nghị mình bán lại hoặc liên doanh với họ...
Nhưng khi đó, chúng tôi chọn không liên doanh, và chính vì không liên doanh nên mới có Vinamilk ngày nay.
Chúng tôi nghĩ rằng thời kỳ khó khăn nhất là khoảng năm 1978 - 1980, không có nguyên liệu để sản xuất mà mình còn vượt qua được thì giờ cũng sẽ vượt qua được.
Nếu liên doanh thì lương của cán bộ cao, mà lãnh đạo cũng sướng hơn nhiều nhưng liên doanh thì phải trả giá đắt lắm. Liên doanh thì bao giờ họ cũng đề nghị họ 70; mình 30. Nếu họ lỗ thì họ sẽ bắt mình nộp vào, và dần giảm tỷ lệ đóng góp của mình xuống, và cuối cùng mất hết cổ phần.
* Việc quản trị doanh nghiệp trong giai đoạn đó hẳn đầy thách thức?
- Vinamilk thì từ trước luôn là xí nghiệp liên hợp. Đến năm 1988, khi Nhà nước giao quyền tự chủ thì mọi người hiểu là giao quyền tự chủ cho từng nhà máy, nhưng tôi lại cho rằng đó là quyền tự chủ của tổng công ty.
Lúc đó, tôi phân tích là giả dụ cả công ty có 100 đồng, nếu chia hết cho các nhà máy ở các tỉnh tự chủ thì mỗi nơi chỉ còn có vài đồng. Vậy thì 10 năm sau cũng chẳng có nhiều.
Nhưng nếu trên công ty giữ cả 100 đồng thì năm nay mình chọn ra ba nhà máy có những mặt hàng bán tốt để tập trung đầu tư, khi có lãi sẽ tái đầu tư và chuyển sang nhà máy khác.
Ví dụ Vinamilk lúc đầu chỉ có hai nhà máy, thì chúng tôi tập trung vốn để phục hồi nhà máy sản xuất sữa bột Dielac. Sau có lãi, thì chúng tôi mở thêm nhà máy thứ ba, thứ tư, rồi sau đó hàng loạt nhà máy tiếp tục mọc lên, nở như bánh bao...
Năm 2003, Vinamilk bắt đầu cổ phần hóa. Thực ra chúng tôi muốn cổ phần hóa từ năm 1997 rồi. Khi đó tư tưởng cổ phần hóa chưa thực sự được cổ vũ, mọi người cứ nghĩ rằng chỉ những công ty làm ăn thua lỗ mới phải cổ phần hóa.
Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Dù vẫn đang có lãi, vẫn đang phát triển nhưng tự thấy mình còn yếu thì phải thay đổi, và cập nhật cái mới.
Hơn nữa, quan điểm của Vinamilk là mở rộng sản xuất nhưng không thỏa hiệp về chất lượng. Có chất lượng là có tất cả. Chúng tôi sản xuất sản phẩm để mình ăn được, cha mẹ mình ăn được, con cái mình ăn được - quyết không như kiểu trồng rau, bên này cho gia đình ăn, bên này để bán...
* Trên chặng đường đi tới thành công, bà và Vinamilk dần bước qua những trở ngại, thế còn những vấp váp thì sao, thưa bà?
- Ồ, có chứ. Mấy năm trước, chúng tôi gặp khủng khoảng truyền thông về việc người ta bảo rằng sữa Vinamilk không phải là sữa tươi. Thực ra thế này: Trong công bố đăng ký với Cục An toàn thực phẩm thì chúng tôi đề là "100% sữa tươi" trong khi trên bao bì lại ghi là "sữa tươi nguyên chất".
Như vậy là không được, khi công bố thế nào thì ở trên nhãn phải đúng như thế. Trong sữa bột có bổ sung vitamin và các chất khoáng thì mình không đề là sữa tươi nguyên chất, vì nó gọi là sữa tiệt trùng.
Khi đó, chúng tôi bị thanh tra toàn bộ. Chúng tôi rất bất ngờ và cũng rất mệt mỏi phải đi trả lời trong khi lại không hề có kinh nghiệm truyền thông.
Tuy nhiên, bây giờ thì mọi người hiểu được rằng chúng tôi sai trong cách công bố. Đó là một bài học cần ghi nhớ về quản trị rủi ro.
Nếu không quản trị hết tất cả rủi ro, để người ta nhắm được vào thì mình sẽ thua. Như gót chân Asin vậy. Anh ta khỏe thế nhưng nếu để ai nắm được gót chân thì sẽ thua cuộc. Bây giờ càng có nhiều đối thủ thì chúng tôi càng phải quản trị rủi ro ở tất cả các lĩnh vực.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và Vinamilk một năm mới thành công hơn nữa!
- Bà yêu thích nhất môn học nào?
MKL: Vật lý bởi vì thích học cái mới.
- Tính cách nổi bật nhất của bà?
MKL: Coi trọng sự logic. Luôn cân nhắc yếu tố hiệu quả lên hàng đầu, có mục đích và không làm gì thừa.
- Quan điểm kinh doanh của bà?
MKL: Chất lượng là số 1. Và không có việc gì khó đến mức mình không làm được.
- Điều bà tự hào nhất?
MKL: Vinamilk đã tạo được thói quen uống sữa tại Việt Nam.
Tạ Bích Loan