Người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ và cú ngược dòng ngoạn mục (phần 1)

11/01/2019 - 06:20

PNO - Nhiều người thán phục bà, cũng không ít người chỉ trích bà, nhưng nỗ lực trở lại chính trường của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là câu chuyện phi thường về sự sống còn trong chính trị.

Nguoi phu nu quyen luc nhat nuoc My va cu nguoc dong ngoan muc (phan 1)
Nancy Pelosi lội ngược dòng ngoạn mục, lần thứ hai giữ chức Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

Khi Nancy Pelosi nhậm chức Chủ tịch Hạ viện trở lại, bà không chỉ trở thành chính trị gia quyền lực thứ ba của Mỹ mà còn là lãnh đạo phe đối lập với Tổng thống Donald Trump. 

Xuất thân từ gia đình chính trị

Nancy Pelosi là con út và cô con gái duy nhất trong gia đình bảy người con của Thomas "Big Tommy" D'Alesandro Jr - thị trưởng thành phố East Coast (Baltimore, Maryland).

Trở thành chính trị gia tại Baltimore lúc đó yêu cầu phải thành công theo bộ máy Dân chủ lỗi thời: không bỏ qua bất kỳ đặc ân nào có thể nhận được và cho đi; xác định phải giúp đỡ ai và cần tấn công ai, và làm sao để đạt được cả hai. Bà Pelosi quản lý các liên lạc chính trị của gia đình, gồm việc trả lời tám đường dây điện thoại được kết nối với ngôi nhà.

Nancy Pelosi học đại học ở Washington, gặp gỡ và kết hôn với nhà tài chính Paul Pelosi. Nữ chính trị gia từng có thời gian làm nội trợ và sinh năm người con trong chỉ sáu năm.

Nguoi phu nu quyen luc nhat nuoc My va cu nguoc dong ngoan muc (phan 1)
Bà Nancy Pelosi cùng chồng Paul Pelosi và các con cháu.

Năm 1976 đánh dấu thời điểm Pelosi bước vào chính trường, sử dụng các mối quan hệ của gia đình cha mẹ đẻ để giúp Thống đốc bang California, lúc đó là Jerry Brown, tranh cử tổng thống và giành chiến thắng tại tiểu bang Maryland.

Nữ chính trị gia không ngừng vươn lên hàng ngũ Đảng Dân chủ của bang, cuối cùng trở thành chủ tịch. Năm 1988, với sự thúc giục của đảng Dân chủ sắp mãn nhiệm, bà tranh cử một ghế trong Quốc hội và chiến thắng.

Dù được yêu hay bị ghét, Nancy Pelosi đã có những đóng góp tiến bộ khi làm việc trong Hạ viện. Đại diện cho thành phố với cộng đồng đồng tính lớn, bà ưu tiên tài trợ cho nghiên cứu AIDS, quả cảm trong trận chiến quan liêu kéo dài nhiều năm để cuối cùng biến một căn cứ quân sự ở San Francisco thành công viên quốc gia.

Năm 2001, bà giành chiến thắng sít sao trong cuộc chạy đua với Steny Hoyer từ Maryland cho vị trí kế sau lãnh tụ (Whip). Một năm sau, bà trở thành lãnh đạo phe thiểu số sau khi Dick Gephardt từ chức.

Nguoi phu nu quyen luc nhat nuoc My va cu nguoc dong ngoan muc (phan 1)
Người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ đã trở lại trong vinh quang.

Nancy Pelosi là một trong những tiếng nói phản đối kịch liệt nhất, thẳng thắn nhất về cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ năm 2003, và năm 2005 đã giúp ngăn chặn thành công lời kêu gọi tư nhân hóa một phần chương trình hưu trí An sinh xã hội do chính phủ điều hành.

Tháng 1/2007, người phụ nữ đến từ California làm nên lịch sử với tư cách là nữ Chủ tịch đầu tiên của Hạ viện Hoa Kỳ. Nhưng bốn năm sau, đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện.

Dù kết quả không như mong đợi, bà Pelosi vẫn ngẩng cao đầu trên vùng nước chính trị hỗn loạn, vượt qua loạt các thất bại bầu cử và đánh bại vô số thách thức trong hàng ngũ của chính mình, để một lần nữa vượt lên, trở lại ghế Chủ tịch Hạ viện.

Quyền năng của chiếc búa

Nguoi phu nu quyen luc nhat nuoc My va cu nguoc dong ngoan muc (phan 1)
Bà Pelosi cầm trên tay chiếc búa quyền lực.

Chủ tịch Hạ viện là một công việc quốc hội được xác định chi tiết trong Hiến pháp Hoa Kỳ, chỉ sau Phó Tổng thống. Văn phòng đồ sộ tọa lạc trong tòa nhà Capitol với ban công riêng nhìn ra Đài tưởng niệm Washington.

Trong Hạ viện, Chủ tịch cùng các đại biểu và chủ tịch ủy ban xác định những dự luật được xem xét rồi bỏ phiếu. Họ đặt ra chương trình nghị sự và quyết định các quy tắc tranh luận.

Từ năm 2009 đến 2011, khi đảng Dân chủ thống nhất kiểm soát Quốc hội và Nhà Trắng, Hạ viện do bà Pelosi đứng đầu đã ban hành gói kích thích phát triển trị giá 840 tỷ USD sau khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Nancy Pelosi thông qua luật khí hậu (pro-union and cap-and-trade climate legislation) nhưng không được Thượng viện tán thành; cải cách tài chính cùng một dự luật cấm phân biệt đối xử về giới trong trả lương (đã hiện thực hóa); nỗ lực hết sức để có được Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.

Nguoi phu nu quyen luc nhat nuoc My va cu nguoc dong ngoan muc (phan 1)
 

Donna Edwards, khi đó là thành viên của Hạ viện từ Maryland, mô tả nỗ lực của Nancy Pelosi trên Washington Post: "Trong các cuộc đàm phán đó, tôi đã quan sát nhà chiến thuật Pelosi. Bà chủ trì nhiều cuộc họp bất kể ngày đêm, luôn bận rộn với những cuộc điện thoại với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, thư ký nội các, Tổng thống.

Tất cả là để chúng tôi nói 'đồng ý'. Bà đặc biệt chú ý đến các thành viên dễ tổn thương; Pelosi biết họ sẽ chấp nhận giá cao nhất để làm điều đúng đắn, thật vậy. Khi tất cả mọi người trong phòng muốn bỏ cuộc, bà bắt đầu đếm phiếu và thực hiện công việc tay chân cần thiết".

Tám tháng sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng đó, đảng Dân chủ mất 63 ghế trong Hạ viện và đa số, phần vì thái độ bực bội bảo thủ đối với cải cách y tế và vai trò của bà Pelosi khi đẩy mạnh nó. Pelosi trở thành cái tên nhạy cảm về mặt chính trị đến mức không thể đứng ra vận động công khai cho đảng Dân chủ.

Tận dụng thời cơ, chỉ riêng trong năm đó, Đảng Cộng hòa cho lên sóng hơn 150.000 điểm truyền hình với hình ảnh Pelosi, biến bà thành mục tiêu công kích hàng đầu. Đến năm 2015, giới báo chí thậm chí cho rằng bà đã "hết đường trở lại".

Và họ đã nhầm.

(Còn tiếp)

Ngọc Anh (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI