Với giới doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, cái tên Robin King Austin không hề xa lạ. Đúng ra, bà là một vị khách “đặc biệt” của họ. Gọi là “đặc biệt” vì bà thường đến với họ trong tư cách một vị khách… không mời.
Thế nhưng, với sự duyên dáng, lịch thiệp, đặc biệt là những câu chuyện rung động lòng người, bà khiến cho những gặp gỡ ngoài dự kiến ấy trở nên vô cùng ý nghĩa. Những cuộc gặp ấy luôn có một chủ đề duy nhất: trẻ em nghèo Việt Nam.
|
Say đắm với trẻ thơ Việt Nam |
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Đó là cách Robin thường giải thích khi ai đó hỏi “vì sao lại gắn bó với đất nước và con người Việt Nam đến vậy?”. Bà kể: “Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1974 với tư cách là khách du lịch. Điều lạ kỳ là sau chuyến đi ấy, tôi tin sẽ có ngày mình trở lại nơi này. Có lẽ linh tính ấy đã xui khiến cho tôi gặp được chồng tôi bây giờ. Tháng 9/2003, chúng tôi cưới nhau và chọn TP.HCM để hưởng tuần trăng mật”.
Ngay trong tuần trăng mật, Robin đã tranh thủ dành hai ngày để đi thăm một số công trình cung cấp nước sạch của Tổ chức Đông Tây hội ngộ (East Meets West (EMW) Foundation) - một tổ chức phát triển nhân đạo phi chính phủ có trụ sở chính tại Mỹ - cho một ngôi làng hẻo lánh ở Quảng Nam. Khi đó, bà đang là thành viên của một tổ chức từ thiện thường tài trợ cho các chương trình của EMW.
Robin nhớ lại: “Khi tôi đến làng, bất ngờ có một cô bé khoảng 6-7 tuổi nắm lấy áo, kéo bằng được tôi đến nhà em. Thì ra em muốn khoe với tôi nhà mình đã có nước sạch. Cũng trong chuyến tham quan ấy, lần đầu tiên tôi gặp một cậu bé 13 tuổi nhưng cơ thể bé choắt. Cậu sống trong một ngôi nhà rất nhỏ. Lúc đó, cậu đã được gửi đến TP.HCM hai lần để khám, chuẩn bị cho ca mổ tim nhưng cậu không mổ được vì quá yếu.
Khi cưới nhau, chúng tôi nghĩ rằng trong phần đời còn lại của mình, sẽ làm những điều thật ý nghĩa cho một đất nước mà mình nghĩ là tuyệt vời nhất. Sau chuyến đi ấy, tôi nhận ra đất nước tuyệt vời ấy chính là đây: Việt Nam”. Năm 2004, từ vai trò một tình nguyện viên, Robin chuyển sang làm nhân viên chính thức cho EMW với tư cách là người phụ trách phát triển quỹ và dự án của EMW.
“Hành khất” thời @
Trước giờ, tuy giúp trẻ em Việt Nam nhưng mọi cuộc quyên góp, gây quỹ, EMW chỉ thực hiện ở Mỹ. Bà dí dỏm: “Công việc chính của tôi là quan hệ với tất cả mọi người và luôn nói về trẻ em nghèo Việt Nam”. Nghe đơn giản, nhưng thật ra công việc của bà cực kỳ căng thẳng, nó không chỉ đòi hỏi Robin phải có tài thương thuyết, một trái tim nhạy cảm mà còn phải có tác phong chuyên nghiệp rất cao.
Đầu tiên, bằng mọi cách bà phải tìm từ mọi nguồn để có trong tay danh sách tất cả các công ty nước ngoài đóng tại Việt Nam, khoảng 2.000 doanh nghiệp, và giới thiệu về mình, về EMW. Nếu có công ty nào hồi âm, bà xin họ buổi hẹn chừng một tiếng. Robin tâm sự: “Trong vòng một tiếng ấy, tôi phải nói làm sao để khi nghe xong, người ta có thôi thúc làm ngay một việc gì đó cho trẻ em nghèo Việt Nam”.
Ngoài nhiệm vụ xin tiền gây quỹ, bà cũng có trách nhiệm theo dõi sát sao việc thực hiện các dự án để báo cáo cho nhà tài trợ. Làm được điều đó không dễ chút nào, đòi hỏi người thực hiện phải có trách nhiệm cao.
Bích Châu - thư ký của Robin, cho biết: “Khi bắt đầu một chương trình mới, Robin lại phải viết email cho từ 2.000-3.000 nhà tài trợ để vận động gây quỹ. Trong số đó có ít nhất 200 - 300 người sẽ email lại cho bà. Cứ thế, thư đi tin lại liên tục, có những buổi sáng bà thức dậy với hơn 200 cái email phải trả lời!”.
|
Robin trong lễ khánh thành phân khoa Chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương |
Còn đó những trăn trở
Cùng EMW, Robin đã mang đến cho trẻ thơ Việt Nam hàng loạt dự án, chương trình mang tính nhân đạo rất lớn như: mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo; sáng kiến chăm sóc trẻ sơ sinh, dự án nước sạch; chương trình ngăn chặn việc mua bán trẻ em gái ở An Giang sang Campuchia làm gái mại dâm, dạy nghề cho những em quá tuổi đi học, xây trường học, cấp học bổng cho học sinh nghèo, xây làng Hy Vọng nuôi trẻ mồ côi, xây bệnh viện, nhà tình thương… Tất cả những chương trình ấy chỉ tập trung cho một mục đích duy nhất: thay đổi cuộc sống của trẻ em nghèo Việt Nam.
Robin nói: “Cái này nối cái kia, thấy một đứa bé bị bệnh tim sắp chết, điều đầu tiên là phải giúp em mổ tim. Mổ tim xong, thấy em cần phải đi học để thay đổi cuộc đời, chúng tôi cấp học bổng cho em đi học. Sau đó, thấy nhà của em dột nát, cả làng của em phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, chúng tôi lại xây nhà cho em, xây cho làng em một hệ thống nước sạch. Và khi nhận ra nơi ở của em quá xa xôi, chúng tôi xây một trường học để em không phải đi học xa… Nghĩa là những chương trình chúng tôi làm đều có liên quan với nhau, không thể nói cái nào quan trọng hơn cái nào”.
Tuy nhiên với Robin, chương trình mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo hiện vẫn là nỗi ám ảnh và thôi thúc bà nhiều nhất. Bà tâm tư: “Toàn Việt Nam hiện nay có hơn 20.000 trẻ phải chờ để được mổ tim. Mỗi năm lại có thêm bao nhiêu trẻ nữa sinh ra bị bệnh tim, thế là danh sách ấy cứ dài mãi. Trong khi đó, cả khu vực phía Nam, chỉ có TP.HCM có thể mổ tim với một số bác sĩ có chuyên môn này”.
Chính vì tâm tư ấy mà Robin mong muốn chương trình này sớm được mở rộng hơn nữa, cụ thể như: xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị, máy móc, đặc biệt là mời cho được các bác sĩ từ nước ngoài vào hỗ trợ. Tuy nhiên, theo bà, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh.
Để ngăn chặn tình trạng trẻ bị hở van tim ngày một nhiều, bà chuẩn bị sẵn một chương trình với những nội dung dự kiến: mở lớp tư vấn cho những bà mẹ mang thai, cung cấp vitamin cùng những chất cần thiết cho bà mẹ để trẻ được khỏe mạnh từ lúc còn trong bụng mẹ… Bên cạnh đó, làm thế nào để mổ tim cho trẻ ngay lúc bệnh mới phát để tránh tốn kém, để bệnh không trở nặng thêm cũng làm bà toan tính, trăn trở không nguôi.
Bà tiên của trẻ bị bệnh tim
Những kỳ vọng, trăn trở ấy của Robin có lẽ sẽ khó thành hiện thực nếu bà không có cuộc gặp gỡ tình cờ với ông Don Lâm, giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital. “Ý tưởng lớn gặp nhau”, năm 2007, Quỹ tài trợ VinaCapital (VCF) chính thức ra đời.
Chương trình Nhịp tim Việt Nam - chuyên giúp đỡ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn; chương trình Nâng cao năng lực chăm sóc nhi khoa - chuyên bồi dưỡng năng lực chăm sóc nhi khoa, chăm sóc tim mạch thông qua trang thiết bị y tế và các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ; chương trình Nâng cao năng lực quản lý thông qua giáo dục/hỗ trợ giáo dục - chuyên tổ chức các khóa đào tạo, cấp học bổng, tư vấn, hỗ trợ học tập và hàng loạt những chương trình khác.
Có thể nói, với chừng ấy chương trình, Robin và cộng sự gần như phải lăn xả đêm ngày cho những tâm huyết không mệt mỏi của mình. Và họ được đền đáp bằng những kết quả “trên cả tuyệt vời”: hơn 5.000 ngàn trẻ bị bệnh tim được phẫu thuật; gần 40.000 em được tiếp cận với chương trình khám sàng lọc bệnh tim, 4.000 thiết bị chuyên dụng được tặng cho các bệnh viện ở Việt Nam với trị giá trên 820.000 USD. Chưa kể các hội thảo đào tạo cho các bác sĩ, y tá… Từ năm 2007 đến nay, VCF đã gây quỹ được hơn 8 triệu USD cho các chương trình về trẻ em ở Việt Nam - một con số đáng kinh ngạc cho cả những người trong cuộc.
Dù đã gần 15 năm trôi qua kể từ ngày Robin quyết định tham gia cùng EMW để được “đa đoan” với trẻ thơ Việt Nam. Giờ đây, bà đã là giám đốc điều hành của VCF, cùng với đội ngũ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên đồng hành, Robin vẫn tiếp tục bản “trường ca bất tận” về trẻ em nghèo Việt Nam, như thuở ban đầu “vào nghề”.
Bài và ảnh: Hạnh Vân