Người phụ nữ Mường và những đóng góp cho khu phố

01/12/2023 - 06:26

PNO - Đi lên từ hoạt động Hội Phụ nữ, bà Phạm Thị Nhàn - một phụ nữ Mường ở TPHCM - đã góp sức làm nên những đổi thay tích cực cho khu phố nơi bà sinh sống.

Chẳng quản nắng mưa

Chuyện đời bà Nhàn rất dài, theo lời nhiều cán bộ Hội Phụ nữ ở phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) thì kể mấy ngày cũng không hết. 

Bà Phạm Thị Nhàn xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Tuổi đôi mươi bà đã vào Học viện Lục quân (Đà Lạt). Năm 1998, bà về hưu với cấp bậc thượng úy và quyết định chọn TPHCM làm nơi sinh sống. Cũng như bao phụ nữ khác, bà mở quán nước mía tại ngã ba Trạm 2, lăn lộn với bao nhọc nhằn nơi miền đất mới để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Chồng bà, lúc ấy, vẫn còn công tác tại Học viện Lục quân. Rồi tai họa ập đến với bà khi chồng bị đột quỵ phải nằm một chỗ. Thế là suốt 12 năm, kể từ năm 2002, một mình bà gồng gánh gia đình, vừa chăm sóc chồng, vừa tham gia công tác địa phương. Cậu con trai duy nhất vào học nội trú tại Trường Thiếu sinh quân TPHCM. 

Bà Nhàn (bìa trái) giới thiệu với chị em địa phương về bộ gối đỏ và những tấm chăn thổ cẩm mà các cô gái Mường sẽ mang theo khi về nhà chồng trong ngày cưới để tặng ba mẹ chồng
Bà Nhàn (bìa trái) giới thiệu với chị em địa phương về bộ gối đỏ và những tấm chăn thổ cẩm mà các cô gái Mường sẽ mang theo khi về nhà chồng trong ngày cưới để tặng ba mẹ chồng

“Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển về sinh sống tại tổ 4, khu phố 5, phường Linh Trung vào tháng 7/1998. Đến tháng Chín cùng năm tôi được chị em bầu làm tổ trưởng phụ nữ. Cả tổ chỉ có 8 hội viên phụ nữ. Lo quá! Nhưng là một người lính, tôi không thể thoái thác” - bà Nhàn bộc bạch. Chúng tôi hỏi, rồi bấy giờ xây dựng phong trào phụ nữ ra sao? Bà Nhàn cười: “Đâu có dễ! Chị em quý vì thấy mình là bộ đội, nhưng đâu có nghĩa là họ sẽ nghe và tin mình ngay. Phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất”. 

Mỗi buổi chiều xuống, bà Nhàn dọn dẹp quán rồi đi lòng vòng quanh xóm, ghé nhà này nhà kia, hỏi thăm chuyện bán buôn của người lớn, chuyện học hành của các cháu nhỏ. Địa bàn khu phố 5 là nơi hội tụ nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Mường, Nùng, Khơ Me… cùng sinh sống. Chị em buôn thúng bán bưng hoặc làm thuê, hầu hết đều trong tình cảnh khó ngặt.

Hẻm 589 xa lộ Hà Nội chỉ là con đường đất nhỏ, ban đêm tối om vì không có đèn. Bà Nhàn rất muốn trang bị đèn chiếu sáng ở đây, nhưng không dám vận động nhân dân vì có đến 20/45 hộ trong hẻm thuộc diện nghèo và cận nghèo. “Lương hằng tháng của tôi được 2,5 triệu đồng. Có nhà hảo tâm cho 1,2 triệu đồng, thế là tôi trích 1,3 triệu đồng nữa cho đủ kinh phí lắp bóng đèn.

Đường hẻm sáng choang mở ra một bước ngoặt cho cuộc sống, lúc ấy bà con bắt đầu lắng nghe tôi kỹ càng hơn. Từ 8 hội viên, tổ phát triển lên 150 hội viên. Các hộ trong khu phố cũng thấy đó mà mở lòng, họ thường kêu tôi lại nhà cho các thứ đồ cũ (như xe đạp), nói cứ đem cho ai cần. Tôi rất mừng, vì nhiều người cần lắm. Những hư hỏng như trật sên, trượt mắt cá, hay xẹp lốp… thì tôi tự sửa. Khó hơn thì đem ra tiệm sửa đàng hoàng rồi mới tặng”.

Năm 2003, bà Nhàn trở thành Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5. Thấy nhiều chị em không có việc làm, bà tìm cách lân la đến các cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) xin nhận công việc kết cườm lên váy, áo. Để được giao hàng, bà phải học việc rồi về khu phố hướng dẫn lại cho chị em, thậm chí còn phải mời thợ tới dạy thêm cho chị em thuần thục. Sau đó, bà nhận hàng về cho mình và chị em cùng làm.

“Ngoài ra, tôi còn kiếm đầu mối cho chị em gia công thêm quần áo trẻ em nữa. Ai có máy may thì ráp, không có thì cắt chỉ. 11 tổ trưởng phụ nữ của khu phố cùng choàng gánh công việc với tôi. Chúng tôi mua trứng gà, hoa atiso đỏ, dầu gội… để bán kiếm lời, tạo nguồn vốn cho các chị em mượn buôn bán nhỏ. Không biết sao lúc đó mình có sức lo toan dữ vậy. Không có ngày nào tôi ngủ trước 12 giờ đêm” - bà Nhàn nhớ.  

Quả ngọt sau những nỗ lực không mệt mỏi của bà Nhàn là bà con trong khu phố và chị em hội viên đã hết lòng tin tưởng, đồng hành. Chẳng hạn như chị Lê Thị Thanh - một trong những nhà tài trợ và luôn có mặt trong mọi hoạt động chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo của khu phố - là người từng được bà Nhàn dẫn dắt theo nghề kết cườm, gia công quần áo. 

Và những tuyến đường xanh, sạch, đẹp

Đến khu phố 5, phường Linh Trung, đi dọc theo đường số 17, ai cũng phải trầm trồ trước hàng hoa chuông vàng rực rỡ. Ở đó, bà Nhàn đang cùng chị em quét dọn rác dọc 2 bên vỉa hè. Bà Nhàn khoe: “Hoa này do nhà hội mình trồng đó. Khu phố 5 có nhiều tuyến đường hoa như vầy lắm, chuông vàng, bông trang, sao nhái… đều đang nở rộ, rất đẹp”. 

Để có những tuyến đường hoa đẹp chưa bao giờ là chuyện dễ. Vỉa hè đường 17 ngày trước đầy cỏ rác và xuống cấp trầm trọng. Thấy vậy, năm 2019, bà Nhàn đứng ra vận động người dân và các doanh nghiệp đóng góp kinh phí sửa sang vỉa hè, xây bồn trồng hoa và chăm chút từng ngày. 

Bà Nhàn (thứ ba từ trái sang) giới thiệu với lãnh đạo địa phương những bồn hoa, chậu cây trong hẻm 1078 Quốc lộ 1 sau khi hoàn thành  cải tạo
Bà Nhàn (thứ ba từ trái sang) giới thiệu với lãnh đạo địa phương những bồn hoa, chậu cây trong hẻm 1078 Quốc lộ 1 sau khi hoàn thành cải tạo

Hẻm 1078 Quốc lộ 1 (tổ 7, khu phố 5, phường Linh Trung) cũng từng là nỗi ám ảnh của người dân vì nhiều đoạn bê tông nứt nẻ, không có đèn, không có cống thoát nước, không có nhà dân; 2 bên đường có 3 công ty (vận tải và sản xuất gạch men) và một ngôi miếu. “Tôi vào gặp ban giám đốc các công ty nói chuyện. Tôi nói, đường sá như vầy thật nguy hiểm. Xe chở hàng của họ ra vô thường xuyên, nên thật tốt nếu ủng hộ địa phương nâng cấp đường, làm cống và lắp đèn. An toàn cho dân cũng chính là an toàn cho công nhân của họ. Bà con khu phố khó khăn, nhưng sẵn lòng bỏ công ra phụ làm. Sau những đắn đo, cuối cùng, cả 3 công ty đều hỗ trợ. Con đường hoàn thành vào cuối năm 2022, tôi huy động chị em trồng hoa và lắp mấy bộ dụng cụ thể dục ngoài trời” - bà Nhàn chia sẻ.

Gần nhất, vào giữa năm 2023, bà đã kêu gọi nhiều tấm lòng ủng hộ làm rào chắn quanh suối Bà Tô (đường 18, khu phố 5), cải tạo bãi đất ven suối thành sân chơi, thể dục thể thao, lắp máy đi bộ và trồng cây xanh. 

Và còn rất nhiều tuyến đường, những ụ rác lâu năm, nay đã được “thay áo mới” nhờ sự kiên trì vận động, góp công, góp tiền của bà Nhàn. Ở tuổi 61, bà Phạm Thị Nhàn đang là Phó bí thư chi bộ, kiêm Trưởng khu phố 5. 

Mở không gian văn hóa Mường ngay tại trụ sở khu phố

Cô Nhàn rất coi trọng việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ năm 2019, cô bắt đầu góp nhặt, sưu tầm nhiều vật dụng trong đời sống, lao động của đồng bào Mường như chiếc gùi đi nương, chiếc cày chìa vôi, cái bừa đơn, bàn ủi than, đồng xu cổ, cuốp - biếng (bộ nồi nấu xôi), bộ gối đỏ mà các cô gái mang về nhà chồng, cây bông trong lễ hội Pôồn Pôông… và xây dựng không gian văn hóa Mường ngay tại trụ sở khu phố, bên cạnh Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Cô cũng thường tổ chức cho bà con địa phương giao lưu, cùng chơi các trò chơi dân gian, nấu những món ăn đặc sản của đồng bào để chia sẻ cho nhau. Mới đây, cô còn thành lập đội văn nghệ Khơ Me và ấp ủ việc sưu tầm các vật dụng của người Khơ Me Nam Bộ để đưa về khu phố trưng bày. 

Chị Nguyễn Thị Bích Nghĩa
Chủ tịch Hội LHPN phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM 


Thảo Nguyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI