Người phụ nữ một tay hơn 40 năm ngồi khâu nón lá Huế

21/08/2018 - 07:00

PNO - Nhắc đến nghề chằm (khâu) nón lá bài thơ xứ Huế, không ai không nể phục cô Trần Thị Thúy - người phụ nữ hơn 40 năm tỉ mỉ với từng chiếc lá, sợi chỉ... làm nên chiếc nón Huế nổi tiếng chỉ với một bàn tay.

Được sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường nhỏ phía sau nhà thờ Phủ Cam tìm đến ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, ngăn nắp của chị Trần Thị Thúy (51 tuổi).
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue
Đón khách bằng nụ cười hiền lành, e ấp của người phụ nữ Huế, chị Thúy cho biết đông đảo du khách trong lẫn ngoài nước ghé thăm nhà chị mỗi ngày. Có lẽ họ hiếu kỳ về câu chuyện đằng sau những chiếc nón lá của xứ Phủ Cam.
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue
Chị Thúy kể, chị làm nghề chằm nón lá được hơn 41 năm, đã có biết bao chiếc nón lá ra đời, mang niềm tự hào của người dân Huế đi khắp bốn phương. 
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue
“Phủ Cam thời xưa là ‘thủ phủ’ của nón lá. Nhà nhà, người người gắn với chiếc nón để mưu sinh, vừa là một nét văn hóa riêng. Chằm nón ngấm vào máu, vào cuộc đời tôi như một lẽ đương nhiên… Ít vùng nào nổi bật về nghề chằm nón như ở Phủ Cam, thậm chí còn nổi tiếng ở khắp miền”, chị Thúy tâm sự.
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue

Nghề chằm nón lá đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, trau chuốt trong từng đường kim, mũi chỉ. Với người bình thường đã không dễ, với chị Thúy lại càng khó gấp bội. Thiếu một bàn tay, chị phải càng nổ lực để vượt qua, nhưng chị chưa bao giờ coi đây là một sự mất mát.

Nhìn chị Thúy móc đường kim, mũi chỉ bằng cánh tay không nguyên vẹn nhưng lại rất thuần thục, không ai không cảm thấy nể phục, càng trân quý từng sản phẩm chị làm ra.

Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue
Theo lời chị Thúy, gia đình chị có truyền thống làm nón nhiều đời. Ngay từ khi 10 tuổi, chị đã tập tành nứt vành, ủi lá,… Lúc đầu, chị làm vì muốn có được một công việc nuôi sống bản thân. Không ngờ, 41 năm trôi qua, chị vẫn gắn bó với nghề bằng tất cả đam mê và niềm tự hào.
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue
“Nhà chị 3 đời làm nón, tiếc là đến đời chị có lẽ sẽ ‘đứt gánh’ vì chị không có con cái để truyền lại. Mấy đứa nhỏ làng này đã đi thành phố làm việc hết vì tuy nghề làm nón lá nhàn hạ nhưng thu nhập lại không bao nhiêu. Thành ra lớp nhỏ sau này không ai chịu làm”, chị Thúy nuối tiếc.
Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue

Để làm ra được một chiếc nón bài thơ mất khá nhiều công đoạn, từ ủi lá, nứt vành, sấy khung nón hay đắp lá rồi chằm. Từng đó công đoạn, thế nhưng mỗi nghệ nhân sẽ "thổi hồn" vào nón theo cách riêng của mình.

Nón của chị Thúy, bên trong từng lớp lá được ép vào là những công trình kiến trúc nổi tiếng xứ Huế bằng giấy báo cắt, từ chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền,… nên khi soi dưới ánh sáng sẽ thấy công trình hiện ra, đầy thi vị.

Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue

“So với nón lá thường, làm nón lá bài thơ khó hơn hẳn. Vì nón thường có 3 lớp lá nên việc lựa lá không quá khắt khe. Nón bài thơ lại khác. Muốn đẹp, từng chiếc lá chọn phải cho đều màu, mỏng và óng mướt. Lớp lót giữa là giấy trổ hình, trổ chữ, ẩn mình dưới sự trong ánh của lá cọ đã được sấy thơm mùi. Lá càng đều màu, bài thơ được ẩn trong nón lại càng rõ, càng dễ đọc”, chị Thúy cho biết.

Kỳ công là thế, nhưng khi bán ra giá mỗi chiếc nón chỉ 60.000 đồng. Khách du lịch đến tham quan, nhìn nghệ nhân làm nón, khi ra về đều không quên mua nón lá Huế làm kỷ niệm, làm quà. 

Nguoi phu nu mot tay hon 40 nam ngoi khau non la Hue

“Ai cũng tò mò sao có thể chằm nón với một tay được. Có lẽ nhờ vậy mà mọi người hay mua nón của chị. Mấy chục năm gắn bó với nghề, chị không biết đã làm ra bao nhiêu nón, bán đi khắp nơi. Có khách đặt mấy trăm chiếc, chị phải thuê thêm người về chằm phụ chứ sức đâu mà chằm cho ngạ (cho hết - PV)”, chị Thúy vui vẻ cho biết.

Đáng tiếc, nghề làm nón bài thơ ở làng Phủ Cam hiện chỉ còn trên dưới 5 hộ. Nón lá bán trong chợ hay những nơi du khách thường xuyên lui tới chủ yếu là nón từ các làng nghề vùng quê mang đến. Nón làng Phủ Cam chủ yếu bán cho những người biết đã biết tiếng về nó, rồi nghề cũng mai một dần. Thế nhưng, với những người yêu nón như chị Thúy, có lẽ nón sẽ còn ở với chị cả đời.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI