Người phụ nữ “lì đòn” trong tâm dịch

08/03/2022 - 09:57

PNO - Trong tâm dịch, chị Ngọc Lan vừa chăm cho con gái bị suy thận, vừa cố gắng để chị em công nhân khó khăn có thể trụ lại thành phố trong những ngày giãn cách.

Đến bây giờ, mỗi lần nhắc về giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, chị Phạm Ngọc Lan - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Phó trưởng ban Dân vận quận Tân Phú (TPHCM) vẫn cho rằng may mắn lớn nhất là con gái chị không bị lây nhiễm.

“Con tôi vốn bị suy thận nhiều năm, lúc dịch cao điểm cũng là khi bác sĩ nói cháu cần phải được ghép thận. Thời điểm đó, điện thoại cầu cứu cứ reo lên, tôi không ở yên được. Xong việc, tôi cứ chần chừ không biết có nên vào nhà không, lỡ như tôi bị COVID-19, lây sang cho con gái thì phải làm thế nào. Nhưng mà, không đi tôi không yên tâm”, chị mở đầu câu chuyện.

Chị Lan (bìa phải) trong lần tổ chức trung thu cho trẻ em thuộc gia đình khó khăn, ảnh NVCC
Chị Lan (bìa phải) trong lần tổ chức tết trung thu cho trẻ em thuộc gia đình khó khăn (Ảnh NVCC)

Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, chị Lan phải làm đủ nghề để kiếm sống và đi học. Từng đảm nhiệm nhiều vị trí gắn liền với đời sống công nhân, người lao động khó khăn, chị Lan càng thấu hiểu sự cố gắng vươn lên và luôn tìm cách giúp đỡ họ. Nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại TPHCM, chị càng không thể làm ngơ chỉ nghĩ đến sức khỏe của con gái mình mà bỏ mặc công nhân bị "kẹt" lại thành phố.

Thời điểm dịch bệnh, quận Tân Phú có khoảng 50.000 công nhân lao động, 80% trong số đó là dân nhập cư, ở trọ đời sống vô cùng khó khăn. Nhờ quá trình công tác, chị Lan quen thuộc từng con đường, ngõ hẻm tại địa phương, nhanh chóng hỗ trợ cho các hộ dân, công nhân, bảo vệ làm việc tại các xí nghiệp lúc TPHCM siết chặt giãn cách xã hội. 

Chị Lan nói: “Lúc đó, có tiền cũng khó thể mua được thực phẩm, nhu yếu phẩm, đặc biệt về dinh dưỡng, thuốc thang. Thế nên ở ban dân vận, hay công đoàn… điện thoại chúng tôi reo liên tục. Thậm chí, các anh bảo vệ ở nơi công ty, xí nghiệp thường ngày vốn ít nói, vậy mà vẫn thay nhau hỏi đồ hỗ trợ, làm sao mình có thể ngồi yên được. 

Chị Lan cùng đồng nghiệp khuân vác hàng hóa hỗ trợ, chia phần và mang đến cho các hộ gia đình cũng như chị em công nhân, (Ảnh NVCC)
Chị Lan cùng đồng nghiệp khuân vác hàng hóa hỗ trợ, chia phần và mang đến cho các hộ gia đình cũng như chị em công nhân (Ảnh NVCC)

Cũng may, mỗi khi tôi liên hệ, các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp đều sẵn sàng tặng đồ ăn, thức uống để chúng tôi có thể làm cầu nối trong hàng tháng liền. Tôi cũng rất biết ơn các anh chị bác sĩ luôn bên cạnh con gái tôi mỗi khi tôi gửi con đến bệnh viện chạy thận, nếu không một người mẹ đơn thân như tôi rất khó để chu toàn”.

Mỗi lần chở con vào ra bệnh viện chạy thận, trên đường đi, chị Lan tranh thủ lên danh sách những hộ gia đình khó khăn. Khi con cùng với bác sĩ vào bên trong, ngoài này chị tất tả mang nhu yếu phẩm đi tặng để kịp giờ con chạy thận. Chở con gái về nhà, chị chỉ kịp dọn cơm, ép con phải ăn cho đủ sức, rồi lại ngày đêm mang đồ ăn, thức uống đến cho hàng chục ngàn công nhân, người yếu thế tại địa bàn của mình. 

Khi được hỏi năng lượng từ đâu để một người phụ nữ mảnh mai lại có thể khuân vác 60-70 tấn gạo, rau củ, nhu yếu phẩm… chi viện, chị Lan cười hiền: “Tôi cũng không biết nữa, lúc đó chỉ biết phải làm và làm thật nhanh, nếu không sẽ không còn sức để làm. Mà không chỉ mình tôi, các chị em tại quận hay ai trong hoàn cảnh đó cũng sẽ không hiểu được vì sao mình lại mạnh mẽ như vậy. Nhưng trên hết, chỉ cần làm được, chúng tôi sẽ làm”.

Trải qua nhiều gian khó, chị Lan thấu hiểu nỗi cơ cực của công nhân, người lao động trước dịch bệnh, (Ảnh NVCC)
Trải qua nhiều gian khó, chị Lan thấu hiểu nỗi cơ cực của công nhân, người lao động trước dịch bệnh (Ảnh NVCC)

Những ngày thành phố dần tươi sáng trở lại, cuộc gọi từ bác sĩ như tiếp thêm sức mạnh cho người phụ nữ kiên cường này: “Chị có thể ghép thận khác nhóm máu cho cháu”. Nước mắt như bật lên thành tiếng: “Con tôi có hy vọng rồi”. 

Gần 10 năm hy vọng, chị đã có thể lấy thận của mình để tái sinh tương lai của con. Cô con gái mạnh mẽ của chị đã không làm mẹ thất vọng, em đậu vào đại học từng bước kiên trì hướng về các hoạch định của hai mẹ con, mang lại niềm tự hào cũng như sự động viên lớn cho mẹ.

“Tôi và con đã qua rất nhiều bệnh viện, cuối cùng các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đã đồng ý tiếp nhận hai mẹ con ghép thận. Chúng tôi đang làm các bước xét nghiệm trước khi lên bàn mổ nên chưa có ngày ấn định phẫu thuật, nhưng tôi tin, tôi và con gái mình sẽ làm được. Đến lúc đó, con gái tôi sẽ tự tin hơn trong hành trình tươi đẹp của mình. Tôi cũng sẽ yên tâm tiếp tục công tác, tiếp tục chăm lo cho chị em công dân cũng như người lao động khó khăn tại quận”, chị Lan hy vọng.

Nghe câu chuyện của chị Lan, ai cũng bật lên “đúng là người phụ nữ... lì đòn” và ai cũng cầu mong cho sự “lì đòn” này sẽ lần nữa dìu dắt chị và con gái trải qua cuộc phẫu thuật lớn thật thành công để đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao mà chị đáng được nhận.

Phạm An - Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI