Người phụ nữ kiên cường vượt qua nghịch cảnh

31/05/2024 - 06:20

PNO - Đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng chị Lê Thị Bảo Linh (47 tuổi) vẫn lạc quan, yêu đời, hòa mình vào các hoạt động xã hội.

Thêm 100 bước chạy mỗi ngày

Quê ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, 12 tuổi, Lê Thị Bảo Linh theo cha và các anh lên TPHCM kiếm sống. Cha con chị tá túc nhà người quen tại quận 6. Anh trai chị hằng ngày đi bán báo dạo gom góp học phí cho em gái thỏa ước nguyện trở thành thợ may. “Lúc đó, cha tôi đặt cái bàn trước chợ Cây Gõ làm nghề “vô gas hộp quẹt”; 2 anh, người phụ hồ, người bán báo; em gái út còn nhỏ; tôi đi học nghề may, vừa học vừa phụ thầy ráp quần áo, được trả công nên tích cóp mua được chiếc máy may.

Từ năm 16 tuổi, ban ngày tôi phụ việc trong xưởng may, buổi tối nhận may đồ cho bà con lối xóm, bữa nào cũng miệt mài tới 2-3 giờ sáng. Vì mê khám phá nên rảnh là tôi đi bộ hoặc đạp xe đi khắp nơi cho rành đường, không ngờ thói quen này lại giúp ích cho mình khi tai ương ập tới” - chị Linh tâm sự.

Lập gia đình năm 23 tuổi, lần lượt sinh 3 đứa con, cuộc sống của chị trải qua không ít thăng trầm, làm thuê, rồi làm chủ, rồi lại làm thuê ròng rã hơn 20 năm. Dẫu nhọc nhằn nhưng chưa giây phút nào chị thôi cố gắng và hy vọng. Đầu năm 2019, hôn nhân đổ vỡ sau nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn, chị muốn thử một lần đi thật xa để bắt đầu lại bằng con đường xuất khẩu lao động.

Chị Lê Thị Bảo Linh trong một lần tham gia giải chạy bộ
Chị Lê Thị Bảo Linh trong một lần tham gia giải chạy bộ

Nhắc chuyện xưa, giọng chị Linh chùng xuống: “Đi khám sức khỏe, bác sĩ phát hiện tôi có dấu hiệu bất thường và chỉ định sinh thiết khiến tôi chết lặng. Tôi theo cha lên thành phố năm 1989, đến thời điểm đó là tròn 30 năm lao động không ngừng. Có giai đoạn khấm khá, sắm được xe tải, mình tôi khuân vác tới 7 tấn phân bón, loại bao 20kg, rồi còn cầm vô lăng xe 7 chỗ, 16 chỗ, chở khách về các tỉnh miền Tây. Tôi ngỡ mình rất khỏe, vậy mà lại bị ung thư”.

Nửa năm kể từ ngày biết bệnh, chị Linh từ chối điều trị khiến tế bào ung thư phát triển nhanh, di căn đến hạch nách. Chị thừa nhận thời điểm đó chị không còn động lực để cố gắng. Để động viên mẹ, con trai của chị - cháu Dương Trọng Phúc - đã kiên trì đi bộ cùng mẹ trên các tuyến đường ở khu phố 6, phường An Lạc A, quận Bình Tân, nơi chị dọn đến sống sau ly hôn. Tại đây, chị có cơ duyên gặp các chị em khu phố nên đã cùng ra công viên tập dân vũ.

Thấy chị Linh buồn, sáng nào các chị em cũng cùng đi bộ để làm quen. “Mọi người thương mình, trong khi mình lại bỏ bê bản thân thì tệ quá” - ý nghĩ này đã vực chị Linh dậy. Chị bắt đầu chú ý đến việc chăm sóc bản thân trong ăn uống cũng như tập luyện, kết hợp với đi bộ và tập những bài dân vũ đơn giản.

Chị Linh bắt đầu cuộc chiến với ung thư từ đầu năm 2020 bằng một tinh thần mới, lạc quan. Sau ca phẫu thuật và điều trị kéo dài nhiều tháng trong bệnh viện, chị tìm hiểu và đến với bộ môn chạy bộ.

“Có lẽ vì tôi vẫn còn yêu cuộc đời này nên những biến cố chưa thể đánh gục mình. Tôi lại có các con, có các chị em khu phố đồng hành. Chẳng những luyện tập cùng, các chị còn mua tặng tôi từng đôi giày chạy, từng bộ đồ thể thao. Những ân cần đó đã vực tôi dậy, nâng tôi lên. Sau khi lượng sức mình, tôi đặt mục tiêu, mỗi ngày phải duy trì 30 phút đi bộ, sau đó là chạy. Bắt đầu chạy 300 bước và mỗi ngày thêm 100 bước nữa. Bất kể ở đâu, hễ không ảnh hưởng đến giao thông là tôi chạy” - chị Linh chia sẻ.

Luôn tin vào những điều tử tế

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Bảo Linh trong rất nhiều hoạt động của Hội Phụ nữ. Có hôm chị tới giáo xứ Thánh Phaolô (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) từ rất sớm để chuẩn bị bữa ăn cho các em học sinh lớp tình thương Hướng Tâm. Hôm khác, chị lại cùng các dì, các chị tỉ mẩn nấu cơm, xào bún tặng bà con nghèo. Có hôm lại gặp chị xuống khu phố gõ cửa từng nhà kêu gọi hiến máu cứu người.

Ngày 8/3 năm nay, cùng gần 5.000 người, chị mặc áo dài diễu hành ở đường Nguyễn Huệ, quận 1. Chị cũng là gương mặt quen thuộc trong các chương trình đi bộ đồng hành, chạy bộ gây quỹ vì người nghèo của địa phương. Và mỗi tối thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần, chị luôn có mặt trong công viên đối diện trụ sở UBND phường An Lạc A để cùng chị em tập dân vũ. Từ “lính mới”, đến nay, chị trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân vũ của Hội LHPN phường An Lạc A và là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6.

Bà Huỳnh Đặng  Hà Tuyên (giữa) - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân -  đến thăm, động viên chị Linh (bìa trái)
Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên (giữa) - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân - đến thăm, động viên chị Linh (bìa trái)

Gần 4 năm kể từ khi đến với chạy bộ, chị đã tham gia hàng chục giải tại TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Bến Tre, Côn Đảo, Cà Mau… ở 2 cự ly 5km và 10km. Đường chạy mới nhất mà chị góp mặt là giải Half-marathon “Tự hào Tổ quốc tôi” do Báo Người Lao Động tổ chức vào tháng Tư vừa qua. Chị cũng đã đăng ký hiến mô, tạng với hy vọng sau khi nhắm mắt vẫn còn có ích cho người khác, cho y học. Cởi mở và sôi nổi, ở chị luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực nên ít ai biết phía sau con người lanh lợi ấy là một cuộc đời nhiều biến cố.

Những biến cố cũ chưa qua thì đầu năm 2023, biến cố mới lại ập tới, nặng nề và đau đớn hơn cả căn bệnh hiểm nghèo chị đang chống chọi. Con trai chị, cháu Dương Trọng Phúc, vừa tròn 20 tuổi, đang học Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Phú Lâm, đột ngột liệt 2 chi dưới do viêm tủy cấp. Hơn 1 năm qua, chị Linh và con sống trong các bệnh viện nhiều hơn ở nhà.

Từ một chàng trai khỏe mạnh, chịu khó chạy xe giao hàng sau giờ học để có tiền phụ mẹ chữa bệnh và đồng hành cùng mẹ trong nhiều giải chạy bộ, Phúc phải trải qua nhiều đợt lọc máu, điều trị viêm tủy, tập hồi phục chức năng và phẫu thuật ghép da lưng. Trong tình cảnh éo le như vậy, chị Linh càng khiến nhiều người cảm phục vì vẫn giữ thói quen chạy bộ và chưa bỏ Câu lạc bộ Dân vũ buổi nào.

Chị bộc bạch: “Như cách con từng làm chỗ dựa cho tôi, tôi muốn dùng hành động thay lời động viên con. Tôi chạy bộ trong bệnh viện. Chiều tối, giúp con ăn uống xong là tôi về khu phố, quay video từng buổi diễn cùng câu lạc bộ dân vũ cho con coi. Cháu nói, cháu an lòng về mẹ. Tôi tin vào những điều tử tế và phước lành nếu mình kiên trì. Sau hơn 1 năm, nay Phúc đã có thể ngồi dậy, tự múc ăn và đặc biệt, tinh thần rất lạc quan”.

Hiện, chị Linh sống dựa vào tiệm tạp hóa nhỏ nằm trong con hẻm trên đường Khiếu Năng Tĩnh, khu phố 6, phường An Lạc A. Tiệm do một công ty hỗ trợ chị theo dạng khởi nghiệp “0 đồng”. Tuy khó khăn, chị vẫn quyết định kết hợp Hội Chữ thập đỏ phường xây dựng tiệm thành “Điểm bán hàng nhân ái”, sẵn sàng giảm 5 - 30% giá bán tất cả mặt hàng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân - cho biết, trong tháng Năm vừa qua, Hội LHPN quận Bình Tân (TPHCM) tổ chức cuộc thi video “Chi hội và tôi”. Trong 56 sản phẩm dự thi, câu chuyện về hành trình chiến đấu với bệnh hiểm nghèo và hòa mình vào các hoạt động thiện nguyện, thể dục thể thao của chị Lê Thị Bảo Linh, thật sự gây xúc động.

Sau lễ trao giải vào ngày 9/5 vừa qua, đoàn cán bộ hội đã đến thăm hỏi, động viên chị Linh. Nhà tuy nhỏ, nhưng mọi thứ được bài trí ngăn nắp. Bên cạnh những kệ hàng là góc treo huy chương các giải chạy bộ và sấp quần áo cũ vừa được giặt sạch, gấp gọn. Chị Linh khoe: “Cũ người mới ta, áo dài, áo kiểu, đồ lao động, cái nào cũng có. Đây là tấm lòng từ nhiều chị em gửi cho, tôi giặt sạch, phân loại rồi gọi các cô bán vé số, thu mua ve chai hay chị em làm phụ hồ lấy về mặc”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI