“Tôi chỉ muốn gặp con gái tôi. Tôi đã làm đủ mọi cách nhưng không ai giúp đỡ. Tòa án thì liên tục hoãn phiên xử vì nhiều lý do khác nhau”, chị Hà bức xúc phản ánh với báo Phụ Nữ TP.HCM.
Chị trình bày: năm 2010, chị quen và kết hôn với ông H.H.N., SN 1979, ngụ tại P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Đầu năm 2011, chị báo với chồng rằng mình có thai, nhưng chồng chị chẳng những không vui mừng mà còn tỏ ra lạnh nhạt, bảo “sinh con năm nay không hợp tuổi, làm ăn không phát đạt”. Từ đó, hai vợ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn.
“Ngày trở dạ, tôi phải một mình đến bệnh viện sinh con. Sau khi sinh, dù đang cho con bú, tôi vẫn bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Tôi đã ba lần nhập viện trong tình trạng đa chấn thương” - chị Hà kể trong nước mắt. Dẫn chứng lời mình vừa nói, chị trưng ra giấy chứng nhận thương tích do Bệnh viện Q.Bình Thạnh cấp.
Không chỉ bị đánh đập, chị Hà còn phải lo mọi gánh nặng cơm áo trong gia đình, còn chồng thì thất nghiệp, chỉ quanh quẩn ở nhà. “Lúc đầu, tôi làm quản lý cho một siêu thị ở Q.Bình Thạnh, sau đó nghỉ việc, mở công ty kinh doanh mỹ phẩm riêng, thu nhập tương đối khá. Trước đây, chồng tôi là giảng viên một trường đại học có tiếng ở TP.HCM nhưng không rõ lý do gì phải nghỉ việc. Từ khi kết hôn, ông N. ở nhà, không làm gì cả. Ngoài việc chu toàn cho chồng con, tôi cũng lo luôn cho ba mẹ chồng đang ở chung”.
|
Chị Nguyễn Thanh Hà trình bày với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM |
Đầu tháng 3/2016, vượt quá sức chịu đựng với cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị Hà nộp đơn ly hôn. Ngay khi biết tin chị gửi đơn, ngày 5/3/2016, ông N. đưa con gái năm tuổi lâu nay vẫn ở chung nhà với chị ở P.17, Q.Bình Thạnh đi đâu không rõ. Không những cố chia cắt tình mẹ con, ông N. còn gây áp lực, buộc chị phải nhượng bộ trong việc chia tài sản chung của vợ chồng.
“Tối 6/3/2016, ông N. về nhà gặp tôi, yêu cầu tôi phải làm hợp đồng tặng cho toàn bộ phần sở hữu của tôi trong căn nhà sở hữu chung ở Q.9 thì mới trả lại con gái cho tôi. Ông ấy còn bảo, nếu tôi nói việc này ra thì đừng bao giờ có ý nghĩ sẽ được gặp con gái mình nữa. Mặc dù tôi không muốn thực hiện việc ký hợp đồng tặng cho một cách vô lý như vậy, nhưng vì nghĩ đến con gái nên tôi chấp nhận bỏ tất cả”.
Không chỉ sang tên căn nhà sở hữu chung, theo chị Hà, chồng chị còn sang tên cho em gái hai chiếc ô tô, rút hết tiền tiết kiệm chị dành dụm... Dù vậy, chồng chị và gia đình chồng vẫn không cho chị được thăm con. Bức xúc vì bị “cấm cửa”, chia cắt tình cảm mẹ con, chị gửi đơn nhờ UBND, Công an, Hội Phụ nữ P.17, Q.Bình Thạnh nhờ can thiệp, song không có kết quả.
Chị tiếp tục gửi đơn đến Viện trưởng Viện Kiểm sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh, tố cáo chồng giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm quyền nuôi dưỡng chăm sóc con. Ngày 28/4/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh thông báo đến chị kết quả giải quyết đơn. Theo đó, việc chị tố cáo ông N. các hành vi trên là không có cơ sở. Riêng việc chị Hà tố cáo ông N. vi phạm quyền nuôi dưỡng chăm sóc con không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan này.
Từ khi con gái chị bị dẫn đi đâu không rõ, chị còn bị buộc ra khỏi nhà chồng, dù có đăng ký tạm trú dài hạn tại đây. Suốt từ đó đến nay, hàng ngày, ngoài giờ làm, chị lại quay về căn nhà cũ để chỉ mong gặp con, nhưng nhà chồng cấm cửa không cho vào. Có lần bức xúc, chị đập cửa, bị gia đình chồng mời đại diện chính quyền đến lập biên bản về tội gây rối, đập phá đồ đạc người khác.
Chị Hà cho biết, khi nhờ sự giúp đỡ của chính quyền không có kết quả, hòa giải nhiều lần không thành, tòa án đã mở phiên xét xử, nhưng hai lần tạm hoãn cho đến nay và không biết lúc nào sẽ xử lại. “Theo hồ sơ ông N. cung cấp cho tòa, ông ấy đã đưa con gái tôi ra TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và cho đi học mầm non. Việc này hết sức vô lý, vì cha mẹ, ông bà nội của cháu đều ở TP.HCM, đưa cháu đi như vậy, ai sẽ là người chăm sóc, che chở. Vì con, tôi đã làm đủ mọi cách, thậm chí chấp nhận từ bỏ những tài sản do mồ hôi nước mắt mình tạo dựng nên, nhưng họ vẫn nhất định ngăn cản. Tôi kêu cứu khắp nơi mà con thì vẫn biệt tăm”, chị Hà buồn bã nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Kim Phụng, Chủ tịch Hội LHPN P.17, Q.Bình Thạnh, tỏ ra bức xúc khi nói về tình cảnh của chị Hà. Bà Phụng cho biết: UBND, Công an, Hội Phụ nữ nhiều lần đến nhà vận động ông N. cho chị Hà được thăm con, đồng thời cũng đã mời chồng chị Hà lên phường trao đổi, nhưng ông ấy báo bận việc, không lên. “Chúng tôi thấy thương cảm và thông cảm với những bức xúc của chị Hà. Việc chia cắt tình cảm mẹ con của ông N. là không đúng, mong tòa án sớm giải quyết thỏa đáng”, bà Phụng nói.
Luật sư Đặng Thành Trí, Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Thành Trí (TP.HCM) cho biết, khoản 1, điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:“Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Trong trường hợp của chị Hà, việc chồng chị ngăn cấm chị gặp và chăm sóc con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 53 nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Về quyền nuôi con, theo quy định của pháp luật, khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con trên cơ sở xem xét khả năng tài chính, giáo dục... của người trực tiếp nuôi con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Sau khi ly hôn, nếu người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở việc thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con thì người không trực tiếp nuôi con có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Hoài An