Người phụ nữ khởi nghiệp ở tuổi 51

20/06/2024 - 06:20

PNO - Từng là huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ với thu nhập ổn định, thế nhưng chị Nguyễn Thị Thu Vân (ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) lại bén duyên với nghề điêu khắc gỗ.

Đưa công nghệ vào nghề truyền thống

Về xã Đông Thạnh, hỏi chủ cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ, thì ai cũng biết chị Nguyễn Thị Thu Vân, bởi chị từng là huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ trên địa bàn. Vào năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các lớp thể dục thẩm mỹ của chị phải tạm thời đóng cửa.

Để thích ứng với tình hình, chị Vân chuyển sang phụ chồng thiết kế các mẫu điêu khắc gỗ. Nhờ vậy, chị có điều kiện tiếp xúc với các họa tiết, hoa văn… Tuy nhiên, quá trình làm hàng thủ công mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí có những mẫu hoa văn cầu kỳ, sức người khó mà làm được.

Chị Vân bên tác phẩm điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chị Vân bên tác phẩm điêu khắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau nhiều đêm trăn trở, chị lên mạng tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ cao vào nghề điêu khắc gỗ truyền thống để tạo ra sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng thị hiếu khách hàng, tiết kiệm thời gian lao động. Bằng ý chí, đam mê, nhiệt huyết, chị đã vượt qua những trở ngại để từng bước xây dựng thương hiệu.

“Trong quá trình phụ ông xã vẽ các mẫu đồ gỗ, tôi lên mạng tham khảo thêm, đồng thời dùng kỹ thuật photoshop chỉnh thêm một số chi tiết cho khách hàng có nhiều lựa chọn. May mắn là các mẫu của tôi đưa ra được khách hàng rất thích, từ đó tôi có thêm quyết tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất” - chị Vân nhớ lại.

Đam mê, nhiệt huyết và không từ bỏ

Năm nay chị Nguyễn Thị Thu Vân 53 tuổi. Đầu năm 2022, chị Vân khởi nghiệp với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ công nghệ cao và bỏ ra 200 triệu đồng (tiền tích lũy và vốn vay từ Hội Phụ nữ) để mua máy điêu khắc gỗ CNC phục vụ sản xuất. Cùng đó, chị lên TPHCM học thêm các khóa vi tính, kỹ thuật photoshop, thiết kế bản vẽ...

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bình quân mỗi tháng cơ sở của chị Vân nhận gia công trên 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại cho 10 cơ sở kinh doanh đồ gỗ, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Với những nỗ lực không ngừng, đến nay cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ của chị Vân có 4 sản phẩm được UBND tỉnh Long An công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: chò chưng trái cây, sập quỳ tứ quý, ghế thờ chân hùm và bộ tam đa Phúc, Lộc, Thọ. Đây là những sản phẩm mà chị tâm đắc nhất. Các sản phẩm này đã trải qua rất nhiều lần chỉnh sửa bản vẽ, thiết kế mới đạt đến độ hoàn chỉnh. Ngoài ra, chị còn vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Hội LHPN tỉnh Long An, các sở ngành và UBND tỉnh Long An về mô hình phụ nữ khởi nghiệp.

Chị Vân bên sản phẩm trưng bày tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp
Chị Vân bên sản phẩm trưng bày tham gia chương trình phụ nữ khởi nghiệp

“Thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất và sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho thanh niên có đam mê với nghề điêu khắc gỗ. Chỉ cần có đam mê, nhiệt huyết và không từ bỏ, cùng với chiến lược kinh doanh bài bản, tôi tin chắc rằng những sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ nghệ công nghệ cao sẽ phát triển lên một tầm cao mới, khẳng định được thương hiệu, tạo thêm niềm tin, nghị lực cho phụ nữ nông thôn khởi nghiệp dù ở bất kỳ độ tuổi, ngành nghề nào” - chị Vân chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc - nhận xét, những đóng góp từ dự án khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Thu Vân bước đầu mang lại những thành công nhất định. Những đầu tư về máy điêu khắc gỗ CNC cho thấy chị Vân bắt nhịp rất nhanh trước sự phát triển của công nghệ. Ngoài ra, mô hình khởi nghiệp của chị đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Hồng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giuộc - cho biết, thời gian qua cùng với việc củng cố xây dựng tổ chức hội vững mạnh, Hội LHPN huyện Cần Giuộc luôn chú trọng vận động hội viên đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tích cực tham gia các chương trình, đặc biệt là khởi nghiệp phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, nhiều chị em đã thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, nỗ lực vươn lên. Nhiều chị em đã làm chủ doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương…

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI