Người phụ nữ hạnh phúc

07/03/2018 - 19:54

PNO - Có một luận điểm thường bị cho là “không tưởng", nhưng khi hiểu thật đúng về hành trình của những người phụ nữ hạnh phúc, người ta sẽ dễ dàng đồng thuận rằng “hạnh phúc của người phụ nữ phải tỏa ra từ chính tinh...

Hai con người, một nắm giữ vị trí khá quan trọng của Google, còn người kia lặng lẽ như bao người đàn bà vô danh khác ở đất nước này, không hẹn mà gặp ở chỗ cùng thúc giục không chỉ là tiếng kêu đòi quyền “có thể”, mà họ đã và đang làm để chứng minh rằng họ mặc nhiên xứng đáng được thừa nhận. 

Đầu hẻm 68 đường Trần Quang Khải (P. Tân Định, Q.1, TP.HCM) có hai quán chè khuya. Quán chè của Út Mến nằm tay phải nếu từ đường chính rẽ vào hẻm. Nhiều hồi nhìn chị, tôi cứ muốn hỏi: “Chị Út Mến, chị ở với ai?”. Vì lần nào gặp nhau, tôi cũng thấy chị đang ngồi một mình ở gánh chè tối hiu hắt, đèn đường lọt xuống liu riu qua những tàn lá. Thỉnh thoảng có khách, chị còn đặt thêm cái đèn dầu để thấy đường múc chè, nhìn… thảm. 

Nguoi phu nu hanh phuc
Chị Út Mến với quán chè 40 năm trên đường Trần Quang Khải

Những miêu tả về cuộc sống của chị Út Mến lúc nào cũng… buồn hơn chị. Chị ở ngay sau lưng nhà tôi, trong con hẻm nhỏ xíu, tối om giống như căn nhà của chị. Có điều, hễ ở nhà là tôi sẽ được báo hiệu mỗi lúc Út đẩy chè đi ngang. Người phụ nữ vừa một mình đẩy xe chè, vừa hát. Hễ tôi ló đầu ra chào, Út liền dừng hát, lảnh lót với lại: “Tối ra quán chè mặt tiền chơi nghen!”.

Có buổi khuya ngồi một mình với chị trên vỉa hè vắng vẻ, tôi hỏi “đêm đã ít khách mà hai quán chè đối diện nhau vậy, làm sao mà bán?”. Út Mến thủng thỉnh nói nhẹ hơ: “Thì bả bán chè đá, chị bán chè nóng. Hai đứa có hai cái mặt tiền ngon lành thì cứ bán. Có mắc gì đâu cưng!”. Và đúng là “không mắc gì", vì Út đã sống bằng hàng chè này 40 năm trời.

Kể chuyện 40 năm bán chè, tôi hỏi: “Cả chục nồi chè to vậy, có ai phụ Út không?”. Út không hề có một giây ngập ngừng nào mà người ta thường thấy khi phải trả lời “không". Vì, “trời, mình khỏe mạnh vầy, việc mình mình làm chứ ai đâu mà phụ?”. Chuyện neo đơn, chuyện áp lực mua bán cũng gọn hơ. Hễ nghe Út nói thì thấy toàn thuận lợi.

Nhiều hồi ngồi hàn huyên được lâu, tôi hay nghe Út đúc kết ngắn gọn “40 năm vào đời" của mình “hổng có dựa ai, tự mình làm tự mình ăn, ung dung tự tại". Có lần ghé lại lúc Út đang ngồi một mình giữa đêm khuya khoắt, quán chè vắng teo, tôi kêu “Út sao buồn hiu vậy?”. Út như giật mình, rồi nói giọng như bắt đền: “Chị đang tự tại đó mày!”. 

Nguoi phu nu hanh phuc

Một bữa, tôi đi về giữa trời nắng thì thấy chị Út Mến đang đứng trước nhà mình. Chị mặc một bộ đồ vải bông, kiểu đồ bộ quen thuộc nhất của phụ nữ nội trợ bình dân và kiểu cách. Có điều, bộ quần áo này màu sắc tươi sáng, lại ôm sát vào cơ thể, để lộ những đường nét thanh xuân không ngờ so với chị Út Mến lâu nay vẫn cần mẫn hằng đêm ngoài đầu đường Trần Quang Khải.

Nhận ra tôi, chị cười thật tươi rồi hỏi giọng...  thiệt chảnh: “Có cho đứng nhờ hông tui né?”. Tôi cười kiểu “rất vui lòng". “Chị đứng chờ thằng cha giao chuối, cha nội rề rà trễ hẹn mười phút làm dang nắng muốn khô người". Tôi đùa: “Chị tươi rói vậy, dễ gì khô được?”. Chị chợt lúng liếng, cái lúng liếng hay thấy giữa cái mờ mập đèn đường mỗi lần lũ tôi khen “chè nóng của chị ngon nhất Sài Gòn".

Rồi chị không kìm được cái câu phủ định muôn đời nữ tính của đàn bà cả thẹn: “Tươi gì nữa cưng, bốn tám tuổi rồi cưng ơi!”. Vừa hay lúc đó, có “thằng cha" chở nguyên buồng chuối dáo dác dừng xe đầu hẻm, chị vội vẫy tay hỏi “giao chuối cho Út Mến phải hông?". Anh giao chuối gật đầu lia lịa. Chị vội bước lại, vừa đi vừa lẩm bẩm mà như cố nói cho tôi nghe chơi: “Gì nhìn dữ cha nội, lâu quá hổng thấy người 
đẹp ha…”.

Cái nét tự tin “thấy ghét" của chị Út Mến hàng xóm hay làm tôi nhớ đến chị gái bán cháo vịt ngon nhất Đà Lạt. Quán cháo chiều “đông như quân Nguyên", nằm ngay trên vỉa hè đường 30/4 (tên đường có thể bị nhớ nhầm).

Buổi chiều còn nắng, chị chủ quán đội nón vải, che khẩu trang kín mít, ngồi dựa vào hàng rào làm bằng một hàng cây bụi, trước mặt chị (dĩ nhiên) là hàng cháo. Phía sau hàng rào có con dốc nhỏ, men theo hông nhà mặt phố, dẫn xuống nhà chị. Lần nào ghé quán, tôi cũng thấy chị đang tất bật chặt chặt múc múc, miệng không ngớt cười nói, “chỉ đạo" khách ngồi cho đúng chỗ.

Thỉnh thoảng, có yêu cầu đặc biệt gì đó với khách, kiểu như “sửa giùm cái xe cho thẳng hàng đi cưng", chị lại ngước lên, kéo cái khẩu trang dưới chiếc nón vải lụp xụp ra, cười thiệt tươi như… nịnh, như một kiểu đền bù cho nỗi phiền hà mình sắp đề nghị. Chỉ những lần đó, tôi mới thấy mặt chị, một gương mặt thanh thanh, tô son điểm phấn khá kỹ và lúc nào cũng “trình làng" trong trạng thái cười tươi như hoa. 

Một lần có việc phải… kéo khẩu trang xuống, chị nhanh chóng bắt quả tang một đứa nhìn như bị hút vào gương mặt chị, mà nói “nhìn gì cưng, bán cháo vịt mà đẹp quá phải không?”. Rồi chị bật cười giòn tan, trước khi cả bọn hiểu ra vấn đề mà cũng bật cười há há.

Lần nào ghé, chị cũng nhận ra tôi rồi đọc vanh vách tên tuổi. Và không biết có phải vì nhớ câu chuyện với tôi không, mà lần nào tôi cũng được phá lên cười với câu nói “hợm hĩnh nhất xứ" của chị: “bán cháo vịt mà đẹp quá hén!". Có lần, thằng bạn tôi hùa theo: “Đã làm chủ hàng cháo mà còn đẹp nữa là nhất rồi!”. Vừa nghe lời khen ấy, chị vội vã bác: “Hổng có, chưa nhất đâu, còn cái này mới nhất nè". Rồi chị làm bộ thục nữ, kêu lảnh lót: “Anh ơi, cho em xô nước nghen…”.

Từ dưới con dốc sau lưng chị, người đàn ông trung niên vui vẻ bưng xô nước lên, khệ nệ đặt xuống đúng vị trí như đã quen việc từ lâu. Rồi trong lúc anh tháo vát đặt để cái này cái kia trong hàng cháo, chị lại “hợm hĩnh" nói với khách mà không quên liếc nhìn chừng chồng: “Chồng tui hổng giàu mà rất giỏi. Bọn Tây đến đây ăn cháo cứ nói, đàn ông hép-phun là nhất đó nghen!”.

Đám khách trẻ lại cười phá lên khi nghe chị phiên âm hai chữ “hép - phun" (Helpful: hay giúp đỡ). Tưởng bọn tôi không tin, đợi anh chồng đi khuất, chị nhìn vào đứa con gái duy nhất là tôi, nói thật nghiêm túc: “Chị thật, đời chị sung sướng, xinh đẹp vầy, là nhờ có chồng phụ đỡ đó nghen em!”.

Hạnh phúc của Út Mến có lẽ gần nhất với niềm hạnh phúc của một phụ nữ hiện đại: tự mình gánh vác, không dựa dẫm. Nhưng, sau này, dù có đọc hàng chục cuốn sách định nghĩa hạnh phúc đích thực và đúng “chuẩn nữ quyền" của một phụ nữ tự chủ, tôi vẫn không hề phôi pha cái niềm tin về hạnh phúc của chị bán cháo vịt ở vỉa hè Đà Lạt. 

Cứ mỗi phụ nữ hạnh phúc xuất hiện trên hành trình của mình lại khiến tôi tin rằng, người ta không có cái gọi là “hoàn cảnh hạnh phúc", “điều kiện để hạnh phúc"; mà chỉ có năng lượng hạnh phúc. Năng lượng ấy ở trong bản thân mỗi con người mà nếu được nuôi nấng, nó sẽ sống cả trong những hoàn cảnh vẫn được cho là bất hạnh. Năng lượng hạnh phúc quy định cách người ta kể về câu chuyện của họ.

Và cách kể ấy tạo ra cho chính họ những câu chuyện tinh thần thật khác. Tôi từng được nghe những câu chuyện rất thảm từ những chi tiết rất đỗi bình thường và những câu chuyện rất nên thơ từ những tình tiết bình thường (thậm chí bất hạnh). Cơ thể khỏe mạnh, gánh chè “mặt tiền", người chồng “hép-phun" đều có thể là những chi tiết bình thường, không có gì đáng nói.

Những chi tiết còn lại của chị chủ hàng cháo vịt bấp bênh cứ dăm ba hôm lại bị dẹp quán vì “lấn chiếm vỉa hè", hay của người phụ nữ ở trong hẻm sâu, một mình cun cút mưu sinh đều có thể là những chi tiết của một câu chuyện bất hạnh. Nhưng, họ nhìn vào những dữ kiện của cuộc đời mình một câu chuyện của hạnh phúc.

Có một luận điểm vẫn thường bị cho là “không tưởng", nhưng khi hiểu thật đúng về hành trình của những người phụ nữ hạnh phúc, người ta sẽ dễ dàng đồng thuận, rằng “hạnh phúc của người phụ nữ phải tỏa ra từ chính tinh thần của họ”. Ngoại cảnh chỉ là một “điều kiện cộng thêm".

Lần anh trai tôi bỏ công việc khá tốt và nhàn nhã để lên đường lập nghiệp, tôi có một thời gian dài không muốn về nhà vì sợ phải chịu đựng nỗi đau lòng khi nhìn mẹ chậc lưỡi, kể “trưa hôm qua anh mày phải vác bao nhiêu thùng hàng giữa trời nắng chang chang”, “trời ơi làm giờ hành chính, đêm về chơi bời với bạn bè không muốn, cứ muốn làm khuân vác, làm lao công", rồi “anh mày bán chiếc ô tô, mẹ không hiểu đầu tư là cái gì mà phải từ bỏ cả tiện nghi của mình".

Mỗi ngày, mẹ lại có một nỗi đau mới khi nhìn anh trai tôi “xả thân" vì sự nghiệp của riêng anh. Công việc sau đó vẫn được anh cho là “đúng dự tính", nhưng đứng trước một cơ hội đầu tư, anh lại tính toán bán đi một căn nhà riêng của mình. Lần đó, mẹ tôi khóc òa theo lời than: “Trời ơi có ai bán cả tài sản phòng thân của mình mà gọi là đầu tư kiếm tiền…”. Cũng lần đó, tôi nói với mẹ: “Mẹ hãy hiểu về câu chuyện đó rằng, anh con đã may mắn tìm được một khát vọng khiến anh đủ động lực để xả thân, vượt qua cực khổ mà chinh phục nó. Mà có người cả đời không tìm được điều gì xứng đáng với mình đến thế".

Quả thực, đó là giai đoạn mà tôi lần đầu biết người anh “công tử bột" của mình cũng có năng lực “vác thùng hàng", “dọn dẹp văn phòng”, “không thèm nhà sang, xe đẹp", “không thiết chơi bời" mà suốt ngày hồ hởi ba hoa chuyện công việc, mà lao vào từng phần việc khuyết nhân viên rồi lại quay sang dỗ dành mẹ “đời cực mà vui mẹ ơi”.

Khi đã tìm được cách diễn đạt chính xác nhất cách hiểu của mình để hóa giải, tôi thấy mẹ nhẹ nhõm hẳn. Những cực nhọc của anh tôi không bớt đi, nhưng mẹ dần thấy ở những thay đổi đó một thằng con trai rắn rỏi, nghị lực của mẹ, chứ không phải là “sự ra đi" của những điều kiện vật chất hay cơ hội ổn định. Và mẹ hạnh phúc.

Cũng giống như, câu nói thần thánh của chị chủ hàng cháo vịt: “bán cháo vịt mà đẹp quá hén!” cũng có thể sửa thành một câu chuyện hoàn toàn trái ngược, kiểu như là “hic, đẹp vậy mà phải đi bán cháo" - nếu nó rơi vào một người phụ nữ khước từ hạnh phúc.  

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI