Người phụ nữ gốc Việt bị nghi đâm kim khâu vào dâu tây được tại ngoại

22/11/2018 - 15:13

PNO - Luật sư bào chữa cho bà My Ut Trinh cho rằng các bằng chứng chưa đủ thuyết phục rằng bà Trinh là người đã đâm kim khâu vào dâu tây, và bà cũng không có nguy cơ tái phạm khi tại ngoại.

Nguoi phu nu goc Viet bi nghi dam kim khau vao dau tay duoc tai ngoai
Bà My Ut Trinh có mặt tại tòa sơ thẩm Brisbane ngày 12/11.

Ngày 22/11, Tòa sơ thẩm Brisbane đã cho phép bà My Ut Trinh được bảo lãnh tại ngoại. Trước đó, bà bị giam tại Trại Cải tạo Phụ nữ Brisbane.

Cách đây 10 ngày, cảnh sát Úc bắt giữ bà My Ut Trinh (thường được gọi là Judy, người Úc gốc Việt) với cáo buộc đâm kim khâu vào dâu tây, gây nên cuộc khủng hoảng đối với ngành sản xuất dâu tây của Úc và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ADN của bà Trinh trùng khớp với dấu tích để lại ở kim khâu trong dâu tây ở Úc cách đây 2 tháng.

Công tố viên Cheryl Tesch lập luận: "ADN được tìm thấy ở một trong hai cây kim có khả năng 100 tỷ lần thuộc về nghi phạm". "Hành vi phạm tội của nghi phạm gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng không chỉ cho chủ trang trại mà còn cả nền kinh tế Úc", ông Tesch nói.

Tuy nhiên, luật sư Nick Dore bào chữa cho bà Trinh cho rằng, việc ADN trùng khớp chưa thể chứng minh bà Trinh đã đâm kim khâu vào dâu tây. Đồng thời, bà có ít khả năng tái phạm nếu như được bảo lãnh tại ngoại và không bị đe dọa đến tính mạng.

Về cáo buộc bà Trinh từng đe dọa đâm kim khâu vào trái dâu vì quá bất mãn với cách nông trại Suncoast Harvest đối xử với người lao động, luật sư bào chữa cho rằng bằng chứng này chỉ là lời "bóng gió", không đáng tin cậy.

Bản thân người đồng nghiệp của bà Trinh kể lại lời đe dọa này cũng không cho rằng đây là lời nói nghiêm túc.

Sau khi kim khâu được tìm thấy trong dâu tây ngày 12/9, cảnh sát ghi nhận hơn 200 vụ nhét kim khâu hoặc vật sắc nhọn vào dâu tây trên khắp nước Úc. Các chủ trang trại trồng dâu tại Úc bị thiệt hại tới 116 triệu USD vì cuộc khủng hoảng này.

Hiện nay, bà Trinh đối diện với 7 cáo buộc gây hại cho sản phẩm, với mức án cao nhất là 3 năm tù. Bên cạnh đó, nếu bị kết tội gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh doanh, bà có thể chịu thêm mức án 10 năm tù.

M. T (theo ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI