Người phụ nữ dùng mưu đưa "Vua Qủy" lên ngôi

19/09/2015 - 11:08

PNO - Nếu không có sự quyết đoán táo bạo của mẹ nuôi thì Lê Uy Mục không thể thành hoàng đế và lịch sử sẽ không xuất hiện Qủy vương bạo ngược.

Chân dung của Qủy vương

Qủy vương (vua Qủy) là biệt danh xấu của Lê Uy Mục, vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê, ông tên là Lê Tuấn, con thứ của Lê Hiến Tông, mẹ là Chiêu Nhân phi Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Chẩn, TX Từ Sơn, Bắc Ninh).

Theo đánh giá của vua cha thì Lê Tuấn là người không có đức. Cuối năm Kỷ Mùi (1499) bàn về việc lập Thái tử, Lê Hiến Tông nói: “Trẫm xét các hoàng tử, thì Tuân, con cả, thích mặc áo phụ nữ, lại đầu độc cả mẹ; Tuấn, con thứ hai, là người không có đức, e rằng không đương nổi ngôi báu; chỉ có Thuần, con thứ ba, rất ham thích Thi, Thư, dốc lòng hiếu kính, trẫm thân hành vỗ về dạy bảo, nay đã trưởng thành. Vậy quyết đoán từ lòng công bằng của trẫm, lập Thuần giữ ngôi hoàng trừ” (Việt sử thông giám cương mục).

Nguoi phu nu dung muu dua

Vua Qủy bức hại đại thần (Hình minh họa)

Lê Hiến Tông mất, thái tử nối ngôi (tức Lê Túc Tông), nhưng mới được 6 tháng thì lâm bệnh qua đời, để lại di chiếu truyền ngôi cho anh trai là Lê Tuấn.

Tháng 12 năm Giáp Tí (1504), Lê Tuấn lên ngôi hoàng đế (Lê Uy Mục). Trong 5 năm làm vua, Lê Uy Mục tạo nhiều việc ác, đầu độc bà nội, giết hại tôn thất, thảm sát trung thần kết cục bị lật đổ tháng 12 năm Kỷ Tị (1509), rồi phải uống thuốc độc mà chết.

Sử sách đánh giá: “Vua thích uống rượu, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Qủy vương, điềm loạn hiện ra từ đấy!...” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lần thứ nhất đoạt ngôi bất thành

Trước khi mất, Lê Hiến Tông căn dặn 2 đại thần là Nguyễn Quang Bật và Đàm Văn Lễ phù giúp Thái tử Lê Thuần lên ngôi trị nước.

Bấy giờ Nguyễn Kính phi muốn giành ngôi cho con mình, cho người mang nhiều vàng bạc hối lộ 2 vị đại thần, đề nghị sửa di chiếu lập Lê Tuấn làm vua, nhưng bị từ chối. Dùng vàng bạc không được, bà vừa đe doạ, vừa dụ dỗ:

- Nếu 2 vị lập con ta làm vua, nó sẽ không quên ơn đó. Còn lập Lê Thuần nhỏ tuổi đâu đã biết gì!

Hai đại thần cùng nói:

- Xin Kính phi thứ tội, chúng thần vâng lệnh của tiên đế, không thể vì địa vị, tiền bạc mà thay đổi được.

Cả hai ra khỏi cung triệu tập các quan làm lễ đưa Lê Thuần lên kế vị. Sách Đại Việt thông sử viết: “Kính phi họ Nguyễn, người xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường, hầu vua Hiến Tông, không có con, nuôi vua Uy Mục làm con mình, ý muốn lập làm vua, lại sợ các quan đại thần không theo, mới đem vàng bạc hối lộ cho quan Thượng thư Đàm Văn Lễ. Văn Lễ không nhận, quyết định sách lập vua Túc Tông”.

Nguoi phu nu dung muu dua

Nguyễn Kính phi và 2 đại thần (Hình minh họa)

Lừa mẹ chồng, ra tay đoạt ngôi cho con

Theo sử sách, Lê Túc Tông truyền ngôi cho anh trai vì cho rằng “Tuấn là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sự thực thì lúc đó quyền chọn lập vua mới nằm trong tay Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Huyên, là bà nội của anh em Lê Túc Tông. Bà định lập người khác nhưng Nguyễn Kính phi dùng mưu lừa, buộc bà phải chấp nhận sự đã rồi:

“Nội thần là Nguyễn Nhữ Vi và Kính phi họ Nguyễn muốn lập vua Uy Mục. Thái hậu cho rằng đó là con của người tỳ thiếp, không thể nối đại thống được, nhân đó đòi lập Lã Côi Vương. Nhữ Vi vờ theo lệnh, lừa thái hậu ra đón Lã Côi Vương, thái hậu tin là thực. Khi đi rồi, Nhữ Vi vào đóng các cửa thành lại, gọi các công khanh, đại thần vào, giơ tờ di chiếu của Túc Tông ra, lập Uy Mục làm vua. Thái hậu bèn dừng lại, quay trở về cung, không bằng lòng” (Đại Việt thông sử).

Nguoi phu nu dung muu dua

Đoàn rước vua Lê (Hình minh họa)

Danh nghĩa hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi chủ xướng mọi việc nhưng thực ra đều theo sự sai bảo của Nguyễn Kính phi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Túc Tông băng, không có con nối, mẹ thứ là Kính phi họ Nguyễn ở trong cung mưu lập, bèn lên ngôi hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu”.

Sách Đại Việt thông sử cũng viết: “Khi vua Túc Tông mất, không có con nối, bà ở trong cung cấm, cùng với bọn nội thần là Nguyễn Nhữ Vi, quyết định sách lập vua Uy Mục. Khi Uy Mục đã lên ngôi, rất cảm ơn bà. Tháng 4 năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), vua làm Tôn tự đường ở Hoa Lăng để thờ tổ tiên bà, và cất nhắc người trong họ bà”.

Sai lầm của Nguyễn Kính phi là vì quyền lợi bản thân, đưa người không có tài đức lên làm vua, từ đó triều Hậu Lê đi vào con đường suy vong để rồi trong vòng 20 năm sau, đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1527) bị mất ngôi về tay họ Mạc.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI