Người phụ nữ can trường

27/01/2021 - 08:38

PNO - Sau sáu năm tố tụng, phiên tòa lịch sử được mở tại Pháp hôm 25/1. Trong đó, bà Trần Tố Nga (78 tuổi) - người mang hai quốc tịch: Pháp và Việt Nam - kiện 14 công ty đa quốc gia sản xuất và tiếp thị chất độc da cam, bao gồm Monsanto và Dow Chemicals.


Phiên tòa tội ác chiến tranh

Bà Trần Tố Nga không bao giờ quên ký ức vào năm 1966, khi đó bà 24 tuổi: “Một ngày nọ, trong chuyến công tác gần Sài Gòn, tôi nghe tiếng ồn của chiếc máy bay đang phun thuốc. Chúng tôi đã ở trong nơi trú ẩn dưới lòng đất, nhưng khi đi lên, tôi đã nhiễm chất độc”.

Bà Trần Tố Nga trong bức ảnh chụp năm 2016 - Ảnh: Julien Falsimagne
Bà Trần Tố Nga trong bức ảnh chụp năm 2016 - Ảnh: Julien Falsimagne

Những dữ liệu cho thấy, hơn 84 triệu lít chất độc màu da cam đã được quân đội Mỹ rải trên lãnh thổ Việt Nam trong mười năm để phá hủy thảm thực vật. Theo các tổ chức phi chính phủ, bốn triệu người tại Việt Nam, Lào, Campuchia và lính Mỹ đã trực tiếp tiếp xúc với chất độc này.

Qua nhiều năm, bà Nga mắc nhiều chứng bệnh khác nhau liên quan đến chất độc dioxin như bệnh tiểu đường loại 2, dị ứng insulin hiếm, hai lần mắc hai bệnh lao và được chẩn đoán mắc ung thư.

Hơn mười năm, bà Nga đã thay mặt tất cả những nạn nhân để đấu tranh đòi công lý. Năm 2014, bà chính thức đệ đơn lên tòa án Evry kiện một số công ty hóa chất nông nghiệp đa quốc gia đã giúp sản xuất chất độc da cam.

Đơn kiện này dựa trên một cuộc bỏ phiếu của quốc hội Pháp vào năm 2013, khôi phục thẩm quyền của thẩm phán Pháp trong các vấn đề luật quốc tế. Do đó, nạn nhân mang quốc tịch Pháp có thể kiện bên thứ ba ở nước ngoài về tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng, tội ác chống lại loài người, xảy ra bên ngoài lãnh thổ.

Phiên tòa ban đầu dự kiến mở vào tháng 10/2020, nhưng bị hoãn lại vì COVID-19. Để thắng kiện, bà Nga sẽ phải thuyết phục ban hội thẩm về mối liên hệ giữa việc phun thuốc và những căn bệnh mà bà cùng nhiều người khác mắc phải. Bà đã mất đứa con gái đầu lòng do dị tật tim bẩm sinh và người con gái thứ hai cũng đang trải qua căn bệnh tương tự.

Trả lời câu hỏi từ AFP, Bayer-Monsanto né tránh trách nhiệm của mình, giải thích rằng chất độc màu da cam “được sản xuất dưới sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ cho mục đích quân sự riêng”. Ngược lại, bà Nga và các luật sư nói rằng chính phủ Mỹ đã bị các công ty này lừa gạt về độc tính của dioxin.

“Châu chấu đá xe”?

Đối mặt với nguyên đơn và ba luật sư của bà Nga là đội quân gần bốn mươi luật sư giàu kinh nghiệm được huy động bởi các công ty hóa chất hàng đầu thế giới. Bằng mọi giá, họ muốn tránh vụ kiện mà nếu thành công có thể tạo ra tiền lệ cho vô số vụ kiện khác.

André Bouny - một nhà hoạt động vì hòa bình - giải thích: “Với phiên tòa ở Pháp, chúng tôi đang thực sự đạt đến một điểm mà chưa ai làm được. Lần đầu tiên, thủ tục tố tụng đòi công lý cho nạn nhân dioxin đi đến phiên điều trần và xét xử”. Trước đây, nhiều nỗ lực pháp lý do các nạn nhân ở các quốc gia khác trên thế giới đều thất bại.

Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn Việt Nam
Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn Việt Nam

Năm 2013, tòa án Hàn Quốc đã yêu cầu Monsanto và Dow Chemicals bồi thường cho 39 cựu chiến binh Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam, nhưng hai công ty này đã phản đối và các nguyên đơn không nhận được đồng nào. Vào cuối những năm 1980, một thỏa thuận ngoài tòa án trị giá 180 triệu USD đã được ký kết với các cựu chiến binh Mỹ để họ dừng các vụ kiện. Nhóm công ty cũng đã đề nghị thỏa thuận riêng với bà Nga, nhưng người phụ nữ kiên cường đã nhất quyết từ chối. Trong trường hợp chiến thắng, bà sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam đạt được công lý.

Ngoài bi kịch con người, việc sử dụng chất độc da cam cũng là một thảm họa sinh thái. Chiến tranh Việt Nam đã qua hơn 45 năm nhưng ảnh hưởng của dioxin vẫn tồn tại trong các hệ sinh thái Việt Nam, Campuchia và Lào.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính hơn ba triệu người hiện vẫn phải gánh chịu hậu quả vì “dioxin đã ngấm xuống bùn đất, nguồn nước ngầm cung cấp cho các thành phố và nông thôn”. Thông qua phiên tòa “lịch sử” này, các chuyên gia dự đoán luật quốc tế sẽ công nhận tội danh “ecocide - hủy diệt môi trường” - một khái niệm được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1970 nhưng vẫn chưa có trong luật hình sự quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Trong trường hợp có phán quyết bất lợi, những “gã khổng lồ” trong ngành hóa chất chắc chắn sẽ kháng cáo và quá trình tố tụng có thể kéo dài trong vài năm.
André Bouny giải thích: “Bà Trần Tố Nga đã già và đang mang bệnh. Mục tiêu của các công ty là “câu giờ” trong khi chờ bà qua đời. Bởi nếu bà chết, vụ kiện sẽ chấm dứt”. Bản án dự kiến được đưa ra ngày 10/5 tới. 

 Tấn Vĩ (theo RFI, France 24, Liberation)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI