Lấy cuộc sống của mình để viết sách, làm thơ
Chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của chàng rể miền Tây Trương Văn Chín đã giúp chị Nguyễn Thị Phương (39 tuổi, trú xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) thêm niềm tin và động lực để chiến đấu với căn bệnh ung thư tủy suốt 18 năm qua. Đó cũng là nguồn cảm hứng để chị Phương lấy làm chủ đề sáng tác thơ, tự truyện và giành giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
|
Chị Phương dành những khoảng thời gian chồng con đi vắng để viết tự truyện, làm thơ. |
“Em vừa muốn có anh, lại vừa mong anh rời xa và quên em đi; vừa muốn anh hạnh phúc bên người con gái xinh đẹp khỏe mạnh khác, lại vừa muốn anh chỉ là của mình em thôi. Tất cả những gì anh đã trao cho em, em sẽ trân trọng, gìn giữ, nâng niu như một kho châu báu, cho đến lúc em rời khỏi thế gian này…”, nghe cậu con trai đọc lại những dòng chữ trong cuốn tự truyện Cổ tích tình yêu, chị Phương xúc động rơi nước mắt và cho biết đó là một trong những quyết định rất khó khăn của mình.
Năm 2012, cuốn tự truyện đầu tay Cổ tích tình yêu dài gần 350 trang ghi lại mối tình đẹp như cổ tích giữa chàng rể Nam và cô vợ Bắc cũng như những kỳ tích khó lý giải trong hành trình chống chọi căn bệnh ung thư tủy của chị Phương, được xuất bản. Cuốn sách đã nhanh chóng lấy đi những giọt nước mắt của độc giả.
|
Chị Phương cùng chồng và cậu con trai duy nhất vui vẻ bên nhau. |
Như tựa đề của cuốn sách, chị Phương quen biết rồi yêu anh Chín khi đang điều trị bệnh ung thư tủy tại TP.HCM. Tình yêu mãnh liệt đến mức “yêu anh hơn cả bản thân mình” nhưng người phụ nữ này quyết tìm mọi cách nói lời chia tay vì cho rằng sẽ khiến chồng chịu nhiều thiệt thòi khi cưới một người vợ liệt giường như mình.
Không những không chấp nhận lời chia tay mà anh Chín còn quyết định bỏ công việc tìm về nhà của người yêu mình để chăm sóc và ở rể luôn tại đây. Từ đó, chàng rể này trở thành người tri kỷ, ngày đêm bên cạnh chăm sóc vợ nằm bất động trên giường khiến cả vùng ai nấy đều cảm kích và nể phục. Ít năm sau, cậu con trai kháu khỉnh của hai vợ chồng chào đời khỏe mạnh khiến mọi người kinh ngạc bởi nửa phần dưới cơ thể của chị Phương đã “chết”.
|
Nhiều lần đối diện với tử thần, nhưng chị Phương vẫn hoàn thành và cho ra mắt độc giả hai cuốn tự truyện, một tập thơ. |
“Lúc đầu tôi cũng chỉ dành những thời gian chồng đi làm để viết tự truyện với mục đích ghi lại những dấu ấn của cuộc đời mình để từ đó tạo thêm niềm tin để chiến đấu với bệnh tật, chứ không ngờ lại có thể xuất bản thành sách được”, chị Phương nói.
“Đọc tự truyện của Phương tôi đã rất ngạc nhiên về khả năng viết lách của cô ấy. Nay, khi đọc thơ Phương, trong tôi lại reo lên nhiều cảm xúc ngỡ ngàng, thích thú… Hãy đọc thơ Phương thật chậm bạn nhé! Người phụ nữ ấy đã rút ruột để tuôn thơ trong những cơn đau vật vã, trong rất nhiều thời khắc đối diện tử thần,… trên giường bệnh đằng đẵng 16 năm trời rồi, thì hà cớ gì ta phải vội?”, Bùi Ngọc - Giám đốc Nhà xuất bản Nghệ An.
|
Cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế trôi qua với bao thử thách và những lần đối diện với “tử thần”. Những giây phút ấy, người phụ nữ này tìm đến những vầng thơ, dòng tự truyện để tạo thêm nghị lực cho bản thân.
“Có những lúc lòng nặng trĩu, lo âu…nhưng rồi cảm giác ấy sẽ không còn khi mình thả hồn vào những vầng thơ, dòng tự truyện”, chị Phương nói và cho biết sau cuốn đến nay chị đã cho ra mắt bạn đọc thêm tập thơ Mảnh trăng khuyết gồm 100 bài thơ và cuốn tự truyện thứ hai mang tựa đề Hành trình kỳ diệu.
Vui khi sách tạo được cảm hứng và động lực sống cho nhiều người
Trở về nhà sau buổi học, cậu con trai duy nhất của chị Phương vội vã chạy vào nhà lấy khăn lau mặt cho mẹ rồi leo lên giường xoa bóp tay và trò chuyện với người mẹ của mình như thường lệ. Ngước mắt nhìn con, chị nói: “Dù biết bệnh của mình không bao giờ có thể chữa trị được, sự sống cũng chỉ đếm từng ngày nhưng chưa bao giờ tôi từ bỏ hy vọng sống”.
|
Chị Phương hạnh phúc bên cậu con trai của mình. |
Bản thân khao khát và chiến đấu mỗi ngày để giành sự sống khó khăn đến bao nhiêu thì chị càng thấy buồn lòng và xót bây nhiêu khi thấy nhiều trường hợp từ bỏ cuộc sống, tìm đến cái chết trước những khó khăn mỗi ngày. Đó cũng chính là thông điệp mà người mẹ này mong muốn gửi đến những người có hoàn cảnh tương tự, gặp bế tắc trong cuộc sống thông qua chính câu chuyện về cuộc đời của mình.
“… Buồn, vui cũng một kiếp người. Cớ chi không để tiếng cười giòn tan. Quên đi vất vả, gian nan. Tạo nên cuộc sống ngập tràn yêu thương”, nỗi niềm ấy cũng đã ăn sâu vào những vầng thơ của chị Phương. Rồi những điều ấy cũng đã có thành quả khi những đầu sách của chị được độc giả đón nhận và có nhiều phản hồi tích cực.
|
Chị Phương thường nói về người cha với con trai qua những dòng chữ trong cuốn tự truyện của mình. |
“Mỗi lần sách được xuất bản và đến với bạn đọc, niềm vui lớn nhất mà tôi cảm nhận được không phải là số tiền nhuận bút mà mình nhận được hay thành quả gì mà đó là những cuộc điện thoại từ người lạ. Nhiều người sau khi đọc sách đã gọi điện thoại chúc mừng, nói chuyện và cho biết đã cảm thấy người nhẹ nhõm hơn, có thêm động lực để vượt qua khó khăn sau khi đọc sách của tôi. Còn gì hành phúc hơn khi những đứa con tinh thần của mình được mọi người đón nhận tích cực”, chị Phương chia sẻ.
“… Quên bao mệt mỏi ưu phiền. Tạo niềm vui sống vượt miền bão dông. Giữa trời đất rộng mênh mông. Mong sao tìm thấy màu hồng đời tôi”, chị Phương chậm rãi mấy câu thơ rồi nói bản thân hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, nhưng chị vẫn mong có thể sớm cho ra mắt độc giả thêm một tập thơ mới. “Có thể đây cũng sẽ là tập thơ cuối của tôi. Nhưng không điều gì là không thể, bản thân vẫn phải gắng gượng để được ở thêm bên cạnh chồng con”.
Phan Ngọc