Người phụ nữ bị máy cuốn vải “lột” hết da đầu

20/02/2024 - 17:03

PNO - Chiều 20/2, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức họp báo thông tin trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng làm chị P.T.K.O. (28 tuổi, ở Tây Ninh) bị “lột” hết nửa da đầu.

Theo đó, sáng 18/1 trong lúc làm việc tại một công ty chuyên sản xuất vải, chị O. cảm thấy mệt mỏi nên đi ra ngoài rửa mặt. Khi quay trở vào, chị chưa trang bị các thiết bị bảo hộ như quần áo, nón… thì một đồng nghiệp nam nhìn về phía chị nói chuyện.

“Do trong nhà máy nhiều tiếng ồn nên tôi không nghe được anh đồng nghiệp nói. Tôi lại gần cố gắng nghe xem anh ấy yêu cầu gì thì bất ngờ tóc tôi bị quấn vào máy cuốn vải. Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi không kịp phản ứng nên cũng bị máy lôi vào theo. Mọi người hô hoán, tắt máy thì toàn bộ da đầu của tôi đã bị máy “lột” mất” - chị O. nhớ lại.

Các đồng nghiệp của chị O. không kịp định thần, không thể hỗ trợ cầm máu cho chị. Nén đau, chị O. gọi điện thoại cho chồng đang ở gần đó, chồng chị liền chạy xuống xưởng, cõng chị đến khu vực y tế của công ty cấp cứu. 

Ngay lập tức chị được sơ cứu và đưa đến bệnh viện địa phương. Các đồng nghiệp của chị O. cũng gỡ lấy mảng da đầu ra khỏi máy, bỏ vào túi ni-lông, cho vào thùng đá và chuyển đến bệnh viện 

Nhận thấy chấn thương của chị O. quá nặng, khoảng 10g cùng ngày, bệnh viện chuyển chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tiếp tục cứu chữa. Vừa tiếp nhận chị O., bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động bác sĩ nhiều chuyên khoa cùng thăm khám, hội chẩn.

Bác sĩ chính Vũ Dzuy - phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, lúc này chị O. còn tỉnh, mất nhiều máu, toàn bộ da đầu bị lóc hết, đứt một phần vành tai trái, phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để tận dụng giờ vàng cấp cứu (6 tiếng đồng hồ kể từ khi xảy ra tai nạn)

Các bác sĩ chia làm 2 ê-kíp nhằm vệ sinh vết thương, cắt lọc da hoại tử, cố gắng tìm, bóc tách các mạch máu còn sót lại trên phần da đầu đứt rời để khâu nối, bảo tồn, cứu da đầu cho nạn nhân.

 

Bác sĩ Hiệp thăm khám lại cho chị O. trước khi xuất viện
Chị O. được bác sĩ Hiệp khám lại trước khi xuất viện

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: “Tuy chị O. không bị chấn thương nội sọ nhưng mảng da đầu của chị bị máy nghiền nát, nên hầu như mạch máu đều dập nát. Ê-kíp phải dùng kính vi phẫu, càng tìm được nhiều mạch máu và khâu nối thì cơ hội nuôi sống da đầu cho nạn nhân càng cao. Nếu không cứu sống được da đầu, nguy cơ phần xương sọ bị hoại tử rất cao, khi đó cơ hội càng thấp”.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ đã nối thành công mảng da đầu cho chị O. Ban đầu, mảng da có dấu hiệu thiếu máu nuôi, sau một tuần thì ổn định, khoảng 1 tháng đã lành lặn, mọc tóc trở lại. Hiện chị O. đã khỏe mạnh, có thể xuất viện. Tuy nhiên, về vết sẹo dài để lại, bác sĩ cho biết sẽ rất khó khăn để xử lý.

Bác sĩ Hiệp thông tin, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 6-8 trường hợp tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt làm tổn thương phần da đầu, nhất là nữ giới. Trong đó, nhiều trường hợp bệnh nhân ở các tỉnh xa không thể cấp cứu kịp nên phải đối mặt với nhiều khó khăn trong điều trị, tái tạo da đầu, chất lượng sống rất thấp.

Bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần tuân thủ an toàn lao động. Nếu không may tai nạn xảy ra, người phát hiện phải thật bình tĩnh, thực hiện các biện pháp sơ, cấp cứu, cũng như bảo quản đúng cách phần da đầu, tay... đứt rời của nạn nhân để bệnh viện thuận tiện cấp cứu, cứu chữa.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI