Người phụ nữ bị kết tội cắn đứt lưỡi kẻ hiếp dâm giành được quyền xét xử lại

14/02/2025 - 10:01

PNO - Một phụ nữ Hàn Quốc đã nhận án tù treo vào năm 1965 vì cắn đứt một phần lưỡi của một người đàn ông cố gắng cưỡng hiếp bà sẽ được xét xử lại vụ án.


Choi Mal-ja, người bị kết án năm 1964 vì cắn lưỡi kẻ cố hiếp dâm, kêu gọi xét xử lại vụ án đã tuyên bà có tội, trước Tòa án Tối cao ở Seoul, ngày 31 tháng 5 năm 2023. Yonhap
Bà Choi Mal-ja, người bị kết án năm 1964 vì cắn lưỡi kẻ cố hiếp dâm, kêu gọi xét xử lại vụ án đã tuyên bà có tội, trước Tòa án Tối cao ở Seoul, ngày 31/5/2023. Ảnh: Yonhap

Ngày 13/2, theo các viên chức Tòa án cấp cao Busan cho biết, tòa đã chấp thuận đơn kháng cáo của bà Choi Mal-ja, 78 tuổi - người đã phản đối quyết định của tòa án cấp dưới đã bác bỏ đơn yêu cầu xét xử lại bản án của bà.

Bà Choi Mal-jam là người bị kết án tù vì cắn lưỡi của một người đàn ông đã cố gắng cưỡng hiếp bà 61 năm trước. Vụ án này là một trong những phán quyết gây tranh cãi nhất xứ Hàn, nêu bật sự thất bại trong việc bảo vệ nạn nhân của bạo lực tình dục.

Vào ngày 6/5/1964, bà Choi, khi đó mới 18 tuổi, đã tự vệ trước âm mưu cưỡng hiếp của kẻ tấn công 21 tuổi bằng cách cắn đứt 1,5 cm lưỡi của hắn.

Cảnh sát phát hiện Choi là nạn nhân của bạo lực tình dục và nhận thấy cô vô tội nên đã chuyển cô đến cơ quan công tố.

Tuy nhiên, tòa án đã tuyên án bà Choi 10 tháng tù giam, hoãn thi hành án trong 2 năm, vì tội "cố ý cắt lưỡi một người đàn ông vô tội", mặc dù Choi khẳng định hành động của bà là hành động tự vệ.

Vào thời điểm đó, thủ phạm chỉ phải chịu án tù 6 tháng.

Vào năm 2020, 56 năm sau vụ việc, bà Choi đã đệ đơn xin xét xử lại, được thúc đẩy bởi phong trào #Me Too lan rộng trên toàn cầu.

Choi Mal-ja, thứ hai từ phải sang, phát biểu trong buổi họp báo trước Tòa án Tối cao ở Seoul, ngày 2 tháng 5 năm 2023, trong khi thúc giục tòa án xét xử lại vụ án của bà. Yonhap
Bà Choi Mal-ja phát biểu trong buổi họp báo trước Tòa án Tối cao ở Seoul, ngày 2/5/2023, trong khi thúc giục tòa án xét xử lại vụ án của bà. Ảnh: Yonhap

Bà Choi kể, khi tham gia lớp học có tên "Tình dục, Tình yêu và Xã hội" tại Đại học Truyền thông Hàn Quốc, nơi bà theo học khi đã ngoài 60 tuổi, bà Choi đã nhớ lại quá khứ của mình nên năm đã tìm đến Đường dây nóng dành cho Phụ nữ Hàn Quốc để được giúp đỡ vào năm 2018.

Vào tháng 12/2020, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã hủy bỏ quyết định bác bỏ yêu cầu xét xử lại của bà Choi và chuyển vụ án trở lại Tòa án cấp cao Busan.

Tuy nhiên, cả tòa án địa phương và tòa phúc thẩm đều bác bỏ đơn kháng cáo của bà, với lý do không có bằng chứng chứng minh công tố viên đã giam giữ bà trái phép và ép buộc bà khai trong quá trình điều tra.

Năm 2021, bà Choi đã nộp đơn kháng cáo khác lên Tòa án Tối cao và bày tỏ rằng bà không thể chấp nhận quyết định giữ nguyên phán quyết của tòa án quận và tòa phúc thẩm địa phương rằng "không có sai sót trong bản án ban đầu".

Sau hơn 3 năm xét xử, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã lật ngược phán quyết và trả lại vụ án cho tòa án cấp dưới để xét xử lại.

"Bà Choi phải được đảm bảo cơ hội được xét xử lại", tòa án cấp cao cho biết. "Rất có thể việc bắt giữ và giam giữ đã diễn ra mà không có lệnh và không tuân thủ luật pháp có liên quan".

Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình hình phức tạp và đang thay đổi liên quan đến xâm hại tình dục và quyền tự vệ của phụ nữ. Mặc dù đất nước đã có những bước tiến trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể.

Hàn Quốc đã tăng cường luật pháp liên quan đến tội phạm tình dục, đặc biệt là trong các trường hợp liên quan đến tội phạm tình dục kỹ thuật số như "molka" (phim khiêu dâm quay lén) và "phòng thứ N" (bóc lột tình dục trực tuyến), thiết lập hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết khuôn khổ pháp lý xung quanh việc tự vệ có thể phức tạp.

Trọng Trí (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI