Ngừng thở 7 ngày rồi sống lại?
Đó là hoàn cảnh của bà Phạm Thị Tưởng (tên thường gọi là Tư Miễu, SN 1913, trú tại ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Sở dĩ người ta gọi bà như vậy là vì bà sống trong một ngôi miếu (Nam bộ gọi là “miễu”) do gia đình và người dân địa phương góp công xây dựng để thờ Phật.
|
Di ảnh bà Tư miễu- người phụ nữ kỳ lạ |
Theo lời bà Bùi Thị Hằng (81 tuổi, em dâu cụ Tư Miễu) được nghe kể lại rằng, ngay từ lúc mới sinh ra, bà Tư Miễu đã có nếp sinh hoạt kì lạ. Khác với những đứa trẻ khác, khi đói thường đòi bú mẹ, nhưng bà Tư thì không bú sữa mẹ một lần nào mà chỉ uống được nước đường, nước cơm pha đường.
Đến tuổi ăn tuổi lớn, bà Tư Miễu lại không thể ăn được thịt cá, chỉ ăn chay qua ngày. Tuy nhiên, cũng không phải thức ăn chay đầy đủ dinh dưỡng, rau đậu như bình thường mà bà Tư chỉ ăn được vỏ bánh mì, mì gói chay và rau luộc.
Tuy ăn uống khổ hạnh, nhưng bà Tư Miễu lại rất khỏe mạnh và rất thông minh. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho tới năm bà Tư được 9 tuổi, bà bỗng nhiên nằm ngủ liên tiếp trong 7 ngày với trạng thái ngừng thở nhưng rồi lại sống dậy như thường. Chính vì vậy mà mọi người cho rằng bà đã chết đi sống lại.
Bà Hằng cho biết: "Khi đó, cả gia đình rất đau buồn, nghĩ rằng bà Tư đã chết nhưng mọi người trong gia đình vẫn nuôi hy vọng mong manh bà sẽ sống lại nên không làm ma chay và đành phải hồi hộp chờ đợi đến ngày thứ 7 như lời bà Tư đã dặn. Nào ngờ đúng buổi sáng ngày thứ 7, tay chân bà động đậy, rồi mở mắt ra. Lúc đó cả gia đình vui mừng khôn xiết, vội vã cho bà uống nước, ăn cháo rồi bà trở nên khỏe mạnh như bình thường. Sau cơn ngưng thở ấy, bà ăn chay và lớn lên một chút thì đi tu luôn”.
|
Bà Hằng chia sẻ với PV |
Cả đời không ăn cơm, không tắm gội
Theo bà Hằng, thời gian đầu bà tu ở chùa Phước Huệ (xã Hưng Nhượng) rồi sau đó gia đình và Hội Phật giáo địa phương đã xây cất một căn miếu tại phần đất của gia đình bà để bà trông coi hương khói, cũng từ đó mọi người mới gọi bà là Tư Miễu.
Nói là đi tu nhưng bà Tư không xuống tóc mà để tóc dài. Bởi sau khi chết đi sống lại, mái tóc của bà bỗng nhiên bị kết dính lại với nhau, không chải thẳng mượt ra được. Tuy nhiên cứ hễ cắt tóc là bà bị ốm. Vậy là từ đó bà không bao giờ cắt tóc nữa, cũng không cho ai nhìn thấy hay động chạm vào mái tóc của bà.
Bà quấn mái tóc của mình vào một tấm vải rồi quấn quanh người. Tới lúc cuối đời, tóc của bà Tư dài tới 3,8m.
Để tóc dài như vậy, lẽ ra bà Tư phải tắm gội thường xuyên nhưng theo bà Hằng thì từ lần chết đi sống lại đó, suốt mấy chục năm trời bà Tư không tắm gội một lần nào. “Bà Tư chỉ có thể dùng nước để rửa chân tay, chứ hễ tắm gội là lại đổ bệnh liền. Ban đầu, do chưa biết chuyện này, cha mẹ bà vẫn cho con tắm rửa một cách bình thường. Tuy nhiên, sau mỗi lần tắm, họ lại thấy con ốm nặng, phải chừng mười ngày sau mới khỏi. Sau nhiều lần như vậy, cha mẹ bà mới phát hiện những cơn ốm “thập tử nhất sinh” của con là do động đến nước. Cũng từ đó, bà Tư “cạch” nước.
Nhiều người thấy bà có mái tóc dài, hiếu kỳ kéo đến xem nhưng ban đầu chỉ dám đứng ở xa để nhìn vì sợ lại gần thì sẽ ngửi thấy mùi hôi hám. Nhưng đặc biệt là, mặc dù không tắm gội mà chỉ thay quần áo nhưng người bà Tư lúc nào cũng thơm tho.”.- Bà Hằng khẳng định.
Anh Trần Văn Cường- cháu ruột bà Tư Miễu cho biết: “Khi bà Tư còn sống, cuộc đời bà đã gắn với những câu chuyện bí ẩn, ly kỳ khó giải thích. Ngoài những điều kỳ lạ, bà được người dân thương yêu vì đạo pháp, sự tinh thông của mình. Một đời, bà sống và khuyên người quanh quẩn một chữ “không”. Chữ “không” của bà bao la lắm. Tuy nhiên, mình có thể hiểu đơn thuần là không tham lam, không độc ác, không tức giận, không tư lợi.
Ngoài thuyết sống đơn giản, không sân si, bà còn có tài chữa bệnh, rất nhiều người tìm đến chẩn đoán, xin thuốc. Mỗi lần khỏi bệnh, làm ăn phát đạt, những người này vẫn đem tiền của đến am cúng trả lễ nhưng bà tuyệt nhiên không nhận một đồng.
|
Anh Cường bên bàn thờ bà Tư Miễu |
Cái chết được định trước
Người dân xã Hưng Nhượng khẳng định, cuộc đời bà Tư là những chuỗi ngày kỳ lạ. Theo đó, trước khi chết, dù đã 100 tuổi, bà vẫn có một tinh thần minh mẫn, sức khỏe tốt. Tuy ngôi miếu nằm gần nhà cháu ruột bà Tư, nhưng bà thích tự làm tất cả mọi việc từ cúng kính, nhang đèn đến giặt giũ, cơm nước…
Anh Cường quả quyết: “Người 100 tuổi thời bây giờ không hiếm nhưng khỏe mạnh, minh mẫn như bà thì quả là rất hiếm. Từ ngày chết đi sống lại lúc 9 tuổi cho đến khi chết thật, bà chưa đi viện lần nào, cũng chưa uống bất kỳ một loại thuốc nào. Bà cũng không bao giờ bị bệnh nặng. Tới lúc chết, bà chỉ cảm mạo, sổ mũi sơ sơ.
|
Căn miễu của bà Tư được các thế hệ con cháu kế tục hương khói |
Năm 97 tuổi, bà đã cùng các cháu của mình tự leo lên núi Bà Đen ở Tây Ninh để lên thăm chùa Bà. Trong lần đi này, các cháu sợ bà đã già nên khẩn khoản xin được cõng, nhưng bà vẫn một mực không đồng ý và cuối cùng bà leo lên được đỉnh.
Rồi tới khi đã bước sang 100 tuổi, bà vẫn theo xe khách ra Hà Nội, các tỉnh miền núi phía Bắc để cúng từ thiện. Còn ở các tỉnh lân cận, bà sai con cháu chở đi bằng xe máy. Có khi mấy trăm cây số, tôi trẻ khỏe lại là đàn ông mà cũng thấm mệt, đau lưng, mỏi mắt, nhưng bà thì cứ bình thường như không.”.
Người dân nơi đây cho biết, trước khi chết, bà biết trước chính xác, ngày giờ bà nhắm mắt và căn dặn con cháu những điều trăn trở.
Thông tin việc này, anh Cường cho biết: “Đây là chuyện có thật hoàn toàn và chính tôi cùng các anh em trong gia đình chứng kiến. Trước khi bà chết, khoảng 15 ngày bà báo lại là từ ngày 10/7 đến ngày rằm tháng 7 âm lịch, bà sẽ chuẩn bị cho việc “đi hầu bề trên”, con cháu phải chuẩn bị tinh thần. Bà còn nói chính xác là 13h50 trưa ngày 11/7 âm lịch bà sẽ “đi”. Khi đó chúng tôi không dám tin, nhưng cũng gấp rút chuẩn bị”.
Sau khi bà Tư nói mình sắp chết, bà vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Hàng ngày vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường, mặc dù khi đó cơ thể bà rất gầy, chỉ còn da bọc xương, ước chừng chỉ nặng khoảng 25-30kg. Thấy bà Tư còn khỏe mạnh như thế, mọi người có phần ngờ vực về việc bà nói mình sắp chết.
Cho tới ngày 10/7, bà không ăn được gì nữa mà chỉ uống sữa. Với những trường hợp như thế này, nhiều người vẫn thường cho người thân của mình ăn cháo loãng, nhưng do bà Tư không ăn được cơm cháo đã mấy chục năm nên không ai dám cho bà ăn cháo.
Anh Cường cho biết: “Đúng ngày 10/7 âm lịch, khi tôi chuẩn bị thay đồ cho bà thì thấy tự nhiên cuộn tóc đứt lìa ra và từ từ co lại, ngả sang màu xám tro. Trước khi đi, bà có dặn rằng, khi bà chết phải búi tóc đem theo. Mái tóc của bà lúc đó dài 3,8m, dù không đem cân nhưng chúng tôi ước chừng nó phải nặng tới 7-8kg.
Ngoài ra, khi bà đã ngưng thở, tôi vẫn thấy chân tay, cơ thể bà hồng hào, mềm mại. Môi bà vẫn còn rất tươi như đang ngủ. Thấy thế, tôi nhỏ lên miệng bà ba giọt nước, bà vẫn còn nuốt. Đúng 13h50 ngày 11/7 âm lịch như lời bà nói, bà 'đi' hẳn”.
Trao đổi với PV, đại diện Công an xã Hưng Nhượng cho biết, trước đây, khi người dân xôn xao về việc bà Tư Miễu chết đi sống lại, công an xã cũng đã vào cuộc sáng minh và xác định rằng đúng là có việc bà Tư đã ngừng thở rồi lại hồi tỉnh. Lúc bà còn sống, chính quyền địa phương cũng không cấm đoán hay hạn chế gì.
Mạnh Đức