Người phụ nữ 77 tuổi mong được minh oan do "cắn đứt lưỡi" kẻ tấn công mình 56 năm trước

14/06/2023 - 10:35

PNO - Bà Choi Mal-ja đang đấu tranh để được xét xử lại vụ án nhằm minh oan sau khi bị pháp luật trừng phạt vì cắn đứt lưỡi kẻ tấn công hôn và định cưỡng hiếp mình 56 năm trước.

 

Choi Mal-ja trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Herald vào ngày 5 tháng 6 tại văn phòng Busan của nhóm dân sự, Korea Women's Hot-Line (Yoon Min-sik/The Korea Herald)
Bà Choi Mal-ja trong một cuộc phỏng vấn ngày 5/6 tại Busan  

Kể từ một đêm định mệnh vào mùa xuân năm 1964, bà Choi Mal-ja đã phải chịu đựng nỗi oan ức, căm phẫn chất chứa trong lòng hơn 5 thập kỷ bởi tai tiếng chấn động thời đó: "kẻ cắn lưỡi". Thậm chí, bà bị cho là thủ phạm đã hủy hoại cuộc đời của một chàng trai trẻ chỉ vì 1 nụ hôn.

Đó là ngày 6/5/1964, bà Choi bị tên Noh tấn công hôn và định cưỡng hiếp. Trong lúc chống đối, bà Choi đã cắn đứt 1 phần lưỡi của Noh. Nếu theo quan điểm ngày nay, bản chất hành động của bà khi ấy - lúc đó 18 tuổi - là hành vi tự vệ. Nhưng thời điểm đó - một thế giới quan khác với bây giờ, bà trở thành 1 tội đồ.

“Tòa biến tôi - nạn nhân - thành kẻ tấn công. Tôi không biết gì về luật nhưng tôi biết rằng mình không sai” - bà Choi nói.

8 tháng sau vụ việc, bà Choi bị kết án 10 tháng tù treo, trong khi kẻ tấn công bà nhận 6 tháng tù treo. Điều đáng nói là bản án của người đàn ông không dành cho tội tấn công tình dục mà vì tội đột nhập vào nhà bà và đe dọa bà sau vụ việc. Hắn ta thậm chí còn không bị truy tố vì những gì đã làm với bà vào đêm đó.

Vào tháng 5/2020, bà Choi đệ đơn xin tái thẩm, tìm kiếm công lý, điều mà bà đã thất bại 56 năm trước. Tuy nhiên, 2 tòa án cấp dưới đã bác bỏ vụ kiện của bà. Giờ đây, bà tiếp tục đi kiện và đang chờ phán quyết của Tòa án tối cao.

Nn nhân tố cáo

"Thật đau đớn khi nhớ lại ngày 6/5/1964 và thử thách tiếp theo của các cuộc điều tra, 6 tháng bị giam giữ, sự đeo bám không ngừng của giới truyền thông và sự kỳ thị gắn liền từ những người xung quanh" - bà Choi nói.

Giữa vòng xoáy của các sự kiện, chính cái lưỡi bị cắt đứt của người đàn ông đã thu hút mọi sự chú ý chứ không phải hành vi tấn công tình dục của hắn ta đối với bà. Sau đó, bà lại bị coi là kẻ tấn công chứ không phải nạn nhân.

Bà Choi tâm sự, mãi sau này bà mới biết rằng cha bà khi đó đã bán một phần tài sản của gia đình để giải quyết với người đàn ông này, nhằm giúp bà nhận được sự khoan hồng của tòa án. Nhưng sự việc không dừng lại đó, sau khi nhận tiền 46.000 won, tên Noh lại tiếp tục quấy rối và đe dọa Choi vì đã làm hắn tàn tật.

Theo bà, sự vô lý lên đến đỉnh điểm trong phán quyết của tòa án, trong đó tuyên bố rằng Choi sẵn sàng đi theo Noh, người mà cô chưa từng gặp trước đây, theo lời mời đi dạo một đoạn ngắn “được coi là kết quả của sự tò mò của cô ấy đối với người đàn ông, vì cô ấy đang ở tuổi dậy thì”  - điều được cho là đã khiến Noh lầm tưởng rằng Choi có thể đã thích hắn ta. Do đó, Choi “chịu trách nhiệm một phần về mặt đạo đức” đối với hành động của Noh.

#MeToo, quá hạn 56 năm

Trong suốt cuộc đời mình, 2 điều ở quá khứ đã khiến bà Choi đau khổ. Đầu tiên là sự cố và thứ hai là không được học đại học.

Bà Choi bắt đầu học đại học vào cuối những năm 2000 và điều này giúp bà bắt gặp một tia sáng từ phần đen tối nhất. “Có một lớp học với tựa đề "Tình dục, tình yêu và xã hội", nội dung bao gồm tấn công tình dục, bạo lực gia đình, nhân quyền và bình đẳng giới. Tham gia lớp học, tôi chợt nhận ra: Tôi là nạn nhân của một vụ tấn công tình dục và âm mưu hãm hiếp.

Tôi đã luôn muốn kể câu chuyện của mình cho ai đó nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau đó tôi đã học trong lớp về nhân quyền và bình đẳng, và rằng tôi có quyền được bảo vệ” - bà nói. 

Sau đó, bà Choi tiếp tục viết luận văn về chủ đề này và bà đã tìm hiểu sâu hơn về trường hợp của chính mình. Sau đó, xuất hiện phong trào #MeToo vào cuối năm 2017 và 2018. "Tôi đã rất phấn khích, xúc động. Tôi đã xác định rằng xã hội không nên như vậy và tôi nên góp phần thay đổi nó" - bà nói.

Với sự hỗ trợ từ các nhà hoạt động từ Korea Women's Hot-Line, một nhóm hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực tình dục và bạo lực gia đình, bà Choi đã nộp đơn xin xét xử lại vào năm 2020.

Cho đến nay, 2 tòa án cấp dưới đã bác bỏ yêu cầu của bà với lý do phán quyết của tòa án cũ không thể đảo ngược, ngay cả khi phán quyết đó sai so với quan điểm ngày nay.

Năm 2021, Tòa án cấp cao Hàn Quốc tuyên bố rằng bà sẽ không phải ngồi tù nếu vụ án xảy ra ngày hôm nay. “Nếu vào năm 1965 bình đẳng giới được chấp nhận rộng rãi như ngày nay thì chúng ta có thể nói rằng người nộp đơn (là bà Choi) sẽ không bị tống vào tù cũng như không được dán nhãn kẻ tấn công. Nhưng vụ án xảy ra cách đây nửa thế kỷ trong một bối cảnh văn hóa xã hội khác. Chúng tôi không thể lật lại một vụ án trong quá khứ chỉ vì thời thế đã thay đổi” - thông tin từ tòa án 2021.

Thảo Nguyễn (theo Korea Hearld)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI