Người phụ nữ 45 năm làm chổi đót ở Sài Gòn

17/04/2018 - 06:17

PNO - Thông tin chổi đót Việt rao bán giá 2,5 triệu đồng/cây tại Nhật gần đây khiến nhiều người ngạc nhiên. Thế nhưng, tại khu Bình Tiên (Q.6, TP.HCM) - nơi từ lâu tồn tại xóm chổi đót lại canh cánh nỗi lo đầu ra, nghề bị mai một.

Lặng mình giữa chốn thành thị phồn hoa, xóm chổi đót ở khu chợ Bình Tiên, đã tồn tại từ rất lâu. Người làm nghề lâu năm cũng không nhớ nổi nó được thành lập từ bao giờ. Chỉ biết nơi đây trước kia là “xóm ruộng” nhưng từ khi người dân huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi vào đây sinh sống, mang cả nghề làm chổi đót truyền thống theo làm kế sinh nhai và dần phát triển thành xóm chổi đót như bây giờ. 

Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon
Bà Nguyễn Thị Màu (60 tuổi), thợ làm nghề chổi đót lâu năm. Biết nghề làm chổi từ năm 15 tuổi, suốt từ đó đến nay, lập gia thất, sinh con đẻ cái, thời gian thoi đưa, bà vẫn bám trụ với nghề làm hoàn toàn bằng thủ công này. 
Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon

Trong căn nhà cũ kỹ nằm ở cuối hẻm, bà Màu cùng người em gái ngày này qua tháng khác vẫn miệt mài, lặng lẽ làm nên cây chổi đót. Tiếng lách tách người thợ đan chổi, tiếng rù rì chuyện đời, chuyện nghề vẫn không ngừng suốt 45 năm theo nghề của người phụ nữ này.

Trung bình mỗi ngày, bà Màu làm ra được gần 100 cây chổi, trừ chi phí, nghề đan chổi cũng giúp bà đắp đổi qua ngày. Bàn tay vừa thoăn thoắt đan những bó đót, bà Màu vừa tâm sự: “Trước đây, vào khoảng những năm 1980, nghề này rất thịnh. Nhưng giờ bị thu hẹp dần vì sản lượng bông đót ngày càng ít. Cây đót mọc tự nhiên chủ yếu được nhập về từ các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đaklak, Kom Tum. Do  diện tích rừng giảm nên cây đót theo đó cũng khan hiến dần đi.

Những hộ làm nghề chổi đót cũng vì thế mà thưa bớt đi. Hiện nay, dọc theo các con đường Phạm Văn Chí, các con hẻm xung quanh chợ Bình Tiên chỉ còn khoảng 30 hộ vẫn còn bám trụ được với nghề”. 

Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon

Bà Màu trải lòng, rằng cái nghề này hẩm hiu lắm, làm bỏ công bỏ sức, bụi bặm là thế nhưng thu về không được bao nhiêu nên nhiều người bỏ nghề đi kiếm việc khác. Phần lớn những thợ làm nghề còn bám trụ lại là người lao động tay chân, không có bằng cấp.

"Nếu bỏ nghề rồi không biết làm gì nên làm tạm bợ để kiếm sống qua ngày. Chứ thế hệ trẻ bây giờ đứa đi làm, đứa đi học, không ai theo nghề cực khổ này nữa”, bà Màu tâm sự. 

Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon

Các công đoạn làm nên cây chổi đót rất nhọc công, mất nhiều thời gian. Tất cả các công đoạn để cho ra sản phẩm đều được người thợ làm hoàn toàn bằng tay. 

Để làm nên cây chổi bền đẹp, điều quan trọng nhất là sự tỷ mỉ, khéo léo từ đôi tay. Tuy nhiên, còn một yếu tố để làm nên cây chổi đẹp là màu sắc của bông đót, vàng quá hoặc xanh quá cũng không được, phải đều màu thì mới cho ra một cây chổi vừa ý. 

Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon
Người thợ phải cân đong hoa đót một cách cẩn thận. Vì hiện nay, giá đót tăng cao, có thời điểm 1 kg đót có giá lên tới 50.000 đồng, một bó đót lớn được mua về để làm chổi có giá khoảng 500.000 đồng. Mỗi cây chổi bán ra có giá 20.000 đến 35.000 đồng/cây, trừ tất cả các chi phí, khoản thu về còn lại không được bao nhiêu. 
Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon
Thời buổi hiện đại, ngành nghề truyền thống nào cũng được cơ giới hóa bằng máy móc, thiết bị tiên tiến. Chỉ riêng với xóm chổi, nơi đây mọi công đoạn đều được làm hoàn toàn thủ công. Nhưng đầu ra lẫn đầu vào càng ngày càng khó khăn hơn khiến cho người thợ mặc dù muốn theo nghề vẫn không thể trụ vững. 
Nguoi phu nu 45 nam lam choi dot o Sai Gon

Bùi Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI