Người phải thay đổi là mẹ

29/11/2021 - 05:47

PNO - Tôi ly hôn, một mình nuôi con. Hà Nội, vừa rồi giãn cách nên tôi gửi con cho ông bà ngoại. Khi Hà Nội ổn định hơn, tôi về đón con.


Trước khi tôi đi, bố mẹ tôi hỏi: “Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Nếu tình hình chưa ổn định thì cứ để thằng bé ở đây, ông bà trông cho”.  Tôi nghe vậy có chút phân vân, nhưng tôi nghĩ con tôi rất muốn bên mẹ, nên đưa con về. 

Gần một tháng xa nhau, nên khi gặp lại, hai mẹ con đều vui. Nhưng sau một thời gian, tôi bắt đầu  căng thẳng với con. Ví dụ như chuyện ăn uống của con. Khi ở với ông bà, con rất thoải mái ngồi dưới đất cùng ăn với ông bà, có thể dùng tay bốc thức ăn. Hôm nào ăn vặt nhiều quá, con bỏ luôn bữa chính. Nay, hai mẹ con ăn với nhau, tôi ép con phải ngồi vào bàn ăn đàng hoàng để con “dễ” ăn hơn, nếu con không chịu ăn, tôi quát lớn, nhiều lúc con vừa ăn vừa  khóc. 

Mẹ Sumo và con trai
Mẹ Sumo và con trai

 

Con ở nhà học online lớp Một, nên tôi phải trông con học. Tôi ép con ngồi bàn học, phải học nghiêm túc và hiểu bài. Nhưng có khi con ngủ gật, có khi chạy ra ngoài, có khi ngồi vẽ linh tinh… Nhiều hành động của con khiến tôi khó chịu vô cùng. Có lần tôi tâm sự với đứa em: “Chị không hài lòng và rất mệt mỏi với con. Liệu chị có sao không?”.

Nhiều ngày liên tục trong tình trạng như vậy, tôi lại gửi con cho ông bà. Trong những ngày “không con” tôi ngồi suy ngẫm về chuyện vừa qua.

Tôi nhận thấy mình cần những nhu cầu cá nhân như: “Cần có thời gian, có khoảng không hoặc để được tập trung làm việc”. Và chỉ khi những nhu cầu bản thân được thỏa mãn thì tôi mới thoải mái với con. Thay vì trở nên linh hoạt, tôi lại thấy tức giận vì “có” con bên cạnh mà tôi không làm được những việc mình muốn. 

Gửi con về ngoại khoảng một tuần, tôi về thăm con. Tôi hỏi mẹ: “Cháu có khóc không mẹ?”. Mẹ tôi trả lời: “Không, cháu ngoan lắm”. Tôi bất ngờ, vì cứ nghĩ, con sẽ không chịu đựng được cảnh xa mẹ.

Khi tôi cắt tóc cho con, con tỷ tê với tôi: “Mẹ ơi, mẹ cho con học ở quê nhé. Lúc trước mẹ nói, con chỉ cần học vui thôi, không cần học giỏi nên mẹ cho con ở quê với ông bà, được không mẹ?”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Nghe con nói vậy, tôi mới thấy, hóa ra mình cũng không quá quan trọng trong đời con. Vì xa mẹ, con tôi lại thoải mái và hạnh phúc hơn. Điều tôi muốn là con ở bên cạnh mẹ và học ở thành phố lớn, nhưng chưa chắc con tôi đã thực sự cần điều đó. 

Lúc ăn cơm, con không ngồi bàn, tôi nhẹ nhàng nói với con: “Con nên ngồi vào bàn ăn”. Con đáp: “Con muốn ngồi dưới đất ăn cùng ông bà được không mẹ?”.

Nghe con nói vậy tôi thấy rất bình thường và đồng ý ngay. Thật lạ lùng, vẫn cùng một hành động không ngồi vào bàn ăn của con mà tôi phản ứng rất khác nhau khi ở Hà Nội và ở quê. Hóa ra, cơn tức giận của tôi không đến từ hành động của con, mà từ tâm trạng của tôi. Hay nói cách khác, khi tôi cảm thấy thoải mái, tôi cũng thoải mái với con. Con chẳng có lỗi gì cả, người phải thay đổi là tôi.

Tôi luôn mong trở thành một bà mẹ hạnh phúc, vì như vậy mới có thể làm cho con hạnh phúc. Nhưng, vô tình, tôi lại hay áp đặt suy nghĩ cho con rằng con phải làm này, làm kia. Và liệu có chắc rằng con cứ làm theo những gì tôi muốn thì con sẽ hạnh phúc?”.  Một điều chắc chắn là mẹ con tôi lại sống với nhau một nhà, và khi đó con tôi sẽ có một bà mẹ tốt hơn và hiểu con hơn.

Mẹ Sumo  

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI