Người ở phố, lòng ở quê

03/03/2021 - 18:00

PNO - Chồng bảo tôi là người vô tâm, sống ở phố mà cứ tơ tưởng quê nhà. Thật ra tôi không tệ với phố như anh ấy nhận xét. Chỉ là, tôi ưu tiên quê hơn phố, cội nguồn quê kiểng mà, nhưng tôi biết ơn phố đã che chở cả gia đình tôi.

Tôi cảm thấy tôi thích hợp với miền quê hơn thành phố. Khi còn nhỏ, tôi chưa từng háo hức mỗi khi ba mẹ dẫn ra phố, dù mọi thứ ở phố đều mới lạ. 

Tôi thích bắt cá ngoài đồng, thích ra đồi hái sim hơn là đứng ngắm ánh đèn điện, ngắm các bảng hiệu hộp đèn chớp nháy rực rỡ sắc màu.

Cái “gu” của tôi, phải sống ở quê mới đúng điệu, nhiều người nói thế. Vậy mà cuối cùng, tôi phải sống ở phố. Một con người cuồng quê hương, lại phải sống nơi đất khách thị thành, có phải tôi đã chịu thiệt rồi không?

Phố Sài Gòn không bao giờ ngủ. Ở Sài Gòn, người ta mưu sinh thâu đêm. Sài Gòn dễ thương lắm, luôn công bằng cho những người chăm chỉ. Người ở Sài Gòn như nêm. 20 năm ở phố, tôi chỉ quen thuộc vài con đường. Tôi không có khả năng bươn bả trong dòng xe cộ nườm nượp. 

Chân ngắn cũng là một bất lợi. Chồng tôi nói, thôi thì em tìm việc gì làm ở nhà để giữ sức khỏe, phố xá để anh… cân. Tôi chỉ chờ có thế, nghỉ làm không thương tiếc, ở nhà đẻ một lượt hai đứa con và lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe và sở thích. 

Dạo này thấy nhiều người bỏ phố về quê, tôi ước gì mình như người ta. Nhưng làm sao có thể bỏ chồng con lại một mình, khi chồng đang có công việc ổn định, nuôi sống cả gia đình và những đứa con đang có điều kiện học tập tốt.

Chồng bảo tôi là người vô tâm, sống ở phố mà cứ tơ tưởng quê nhà. Thật ra tôi không tệ với phố như anh ấy nhận xét. Chỉ là, tôi ưu tiên quê hơn phố, cội nguồn quê kiểng mà, nhưng tôi biết ơn phố đã che chở cả gia đình tôi. 

Bốn người chúng tôi sống trong căn nhà cấp bốn, diện tích 56 mét vuông. Trên cái ban-công nho nhỏ, tôi trồng chen chúc các loại cây, rau ưa thích.

Diện tích nhỏ hẹp, chật chội, vậy nhưng tôi vẫn chưa thôi ý định “tha” thêm cây, rau, hoa về cho thỏa đam mê. Mấy bụi nghệ, bụi gừng để dành kho cá đồng. Cây chanh trồng trong chậu kiểng. Mấy cây ổi, cây cóc, cây khế, cũng là những loại cây kiểng, trĩu quả. Vài loại rau thơm được tập hợp trong cái thùng xốp. 

Tôi giăng dây thép để treo mấy giò lan. Ban-công chỉ chừa đủ lối đi. Bởi vậy, tôi hay mơ màng về một khoảnh sân rộng chừng 16 mét vuông, bằng cái phòng khách khiêm tốn của gia đình tôi hiện tại, để chăm bẵm cỏ cây thỏa thích.

Ở phố, mỗi sáng đi tập thể dục, tôi ước gì những ngôi nhà chọc trời hai bên đường là cánh đồng lúa xuân thì, rì rào mùi hương. Ước gì đi đường bắt gặp cụ bà bày bán mớ rau quả quê, mấy trứng gà quê, để tôi hình dung ra ngoại, được nhìn đám trẻ nô đùa trên đê bao để tìm thấy hình bóng tôi ngày cũ… 

Người ở quê lên phố như tôi, đi tìm cơ hội cho tương lai, nhưng cứ đau đáu kỷ niệm, có đáng thương không? 

Thử hỏi, có bao nhiêu người trở thành cư dân của phố, mà không từ quê ra? Thử hỏi, có mấy ai về quê trở vô mà không tay xách nách mang? Những cậu thanh niên tuổi đời còn rất trẻ, đẹp trai, trí thức, không ngại vác bao gạo quê, xách vài con gà ta, mớ cá đánh lưới còn tươi rói, hay các loại rau sạch thơm mùi quê hương. 

Những ai có xe hơi thì tha hồ “vơ vét”, tới cái dao cũng rèn ở quê mang vào phố mới chịu, bánh tráng cũng phải bánh tráng quê, bát đường nâu cũng ngọt ngào tình xứ sở. Tất cả trở thành đặc sản trong lòng họ. Thành ra, người đi đâu, thức ăn tha hương theo đó, vòng quanh khắp thế giới như khẳng định tôi sống ở nơi này, nhưng hồn thì lạc tít quê xa. 

Vài người bạn tôi quen, đang làm ăn ngon trớn đã nghĩ chuyện năm nay về quê sống quãng đời còn lại. Các bạn quan niệm, về quê con cái được hít thở khí trời thoáng đãng, chỉ cần có internet, ở đâu cũng có thể làm việc, thế giới vẫn trong tầm tay. 

Dĩ nhiên, về quê là mang theo một phần nhịp sống Sài Gòn về cùng. Hơn 20 năm gắn bó, phố, dù sao cũng trở thành một phần máu thịt rồi. 

Khanh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI